“Bát nháo” hoạt động dạy nghề cho NLĐ thất nghiệp
19/03/2021 07:11 AM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Bài 1 Lộ chiêu trò trục lợi Dạy nghề cho những người đang hưởng BH thất nghiệp là chính sách ưu việt của Nhà nước nhằm hỗ trợ cho NLĐ có được “bảo bối” để tìm kiếm việc làm mới và ổn định cuộc sống. Tuy nhiên, khi thực hiện chính sách này, một số cán bộ Chi nhánh BH thất nghiệp quận 9 (Sở LĐ-TB&XH TP.HCM) lại bày cho học viên cách khai gian để trục lợi quỹ BH thất nghiệp lên đến hàng trăm triệu đồng. Trong quá trình tìm hiểu, phóng viên Tạp chí BHXH đã phát hiện nhiều dấu hiệu bất thường liên quan đến hoạt động dạy nghề trên địa bàn TP.HCM.
Khai man, nói dối
Trong thời gian qua, đã có nhiều phản ánh, tố cáo được gửi đến cho báo chí về những hoạt động “mờ ám” trong hoạt động dạy nghề cho NLĐ thất nghiệp đang diễn ra ở Chi nhánh BH thất nghiệp quận 9 (nay là TP.Thủ Đức), địa điểm đặt tại Trường Trung cấp nghề Lê Thị Riêng (thuộc Hội LHPN Việt Nam).
Trong một video clip do NLĐ cung cấp, tại các lớp học nghề cho NLĐ thất nghiệp do Chi nhánh BH thất nghiệp quận 9 thực hiện thể hiện rất rõ những “thủ thuật” của cả cán bộ đứng lớp và học viên khi học nghề. Vừa bước chân vào lớp học, đứng trước hàng trăm học viên, một nữ cán bộ của Chi nhánh BH thất nghiệp quận 9 đã thản nhiên công khai dặn dò trước lớp: “Em tư vấn cho các anh chị một buổi này thôi rồi đi về, những tháng sau mình sẽ không lên. Bây giờ dặn trước nhé, bất ngờ trên Trung tâm hoặc Phòng Đào tạo gọi điện kiểm tra, bất ngờ một người nào đó trong đây. Sẽ không gọi hết được đâu, mấy năm nay chưa có ai, dặn hờ vậy thôi, gọi thì nói có đi học nhé, nhớ nhé...”.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, đây chính là cách “đào tạo” mà cán bộ Chi nhánh BH thất nghiệp quận 9 áp dụng cho học viên là những NLĐ thất nghiệp đăng ký học nghề, nhằm hợp thức hoá lớp học ngay trong ngày đầu tiên khai giảng. Ghi nhận trong số gần 50 học viên đăng ký buổi học này, chỉ 7 người có nhu cầu học thật, số còn lại đến đây vì sẽ được ký “khống” vào phụ lục ngày thông báo hằng tháng về việc tìm kiếm việc làm, nhằm hoàn tất thủ tục nhận BH thất nghiệp. Tất nhiên, đổi lại, NLĐ buộc phải đăng ký “khống” một khoá học nghề, với việc đặt bút ký hợp đồng đào tạo, giấy đề nghị hỗ trợ học nghề, thậm chí cả bài kiểm tra... Tất cả “quy trình” nói dối này đều theo sự hướng dẫn cán bộ Chi nhánh BH thất nghiệp quận 9.
Được biết, mức hỗ trợ học phí cho học viên cao nhất là 6 triệu đồng/người/khóa. Mỗi lớp học sẽ có khoảng 50 học viên, nên số tiền thu được từ một lớp dạy nghề cho NLĐ thất nghiệp vào khoảng 300 triệu đồng. Nếu tất cả ký khống hồ sơ, số tiền quỹ BH thất nghiệp hỗ trợ đào tạo bị trục lợi là con số không hề nhỏ. Đổi lại, NLĐ dù không học nghề, thậm chí có việc làm, nhưng vẫn ung dung hàng tháng nhận trợ cấp BH thất nghiệp?
Nói về tình trạng trục lợi quỹ BH thất nghiệp, phóng viên Tạp chí BHXH cũng đã từng ghi nhận rất nhiều và tình trạng này cũng đã được phản ánh nhiều trên các phương tiện thông tin đại chúng. Tuy nhiên, cách “đào tạo” cho NLĐ thất nghiệp kiểu công khai (cả ngành chức năng và NLĐ đều đồng thuận hưởng lợi bất hợp pháp) thì không chỉ quỹ BH thất nghiệp chịu thiệt hại mà quyền lợi của những NLĐ khác cũng bị ảnh hưởng. Thậm chí, hành vi này còn khiến dư luận hiểu sai về ý nghĩa, mục đích của chính sách BH thất nghiệp.
Trục lợi quỹ BH thất nghiệp
Anh Trần Mạnh T.- một công nhân thất nghiệp cho biết, theo quy định dành cho người đang hưởng trợ cấp thất nghiệp, hàng tháng anh phải lên Trung tâm DVVL khai báo tình trạng việc làm. Việc này được coi là “nhiêu khê, rắc rối” với những NLĐ đã có việc làm nhưng vẫn muốn hưởng trợ cấp thất nghiệp. “Nhiều người đã chọn phương án đăng ký học nghề theo cách của Chi nhánh BH thất nghiệp quận 9. Cách này đơn giản và hiệu quả, vì đúng theo ý đồ của cán bộ Chi nhánh nên sẽ được họ tạo thuận lợi “nâng đỡ” cho mình trong quá trình hưởng trợ cấp thất nghiệp”- anh T. chia sẻ.
Nếu NLĐ học nghề thật, có được cái nghề để kiếm sống thì quá tốt. Đằng này, việc học nghề lại chỉ là cái cớ, “móc túi” quỹ BH thất nghiệp mới là mục đích chính. Về việc này, bà Nguyễn Thị Thủy- Trưởng Chi nhánh BH thất nghiệp quận 9 xác nhận, người xuất hiện trên đoạn video clip chính là chuyên viên của Chi nhánh tên là Hồ Thị Thuận.
Nhiều người đăng ký học nghề nhưng chỉ để hợp thức hóa
Trước những thông tin trên, trả lời báo chí, ông Nguyễn Hùng Cường- Hiệu trưởng Trường Trung cấp Nghề Lê Thị Riêng cho rằng, Chi nhánh BH thất nghiệp quận 9 đặt tại trường từ tháng 5/2019. Tháng 6/2019, trường phối hợp với Chi nhánh tổ chức tư vấn tuyển sinh nhưng không hình thành được lớp do số lượng học viên ít. “Theo thông tin phản ánh, có thể đó là lớp của trung tâm này tổ chức, không liên quan đến trường”- ông Cường nói.
Trong khi đó, bà Hồ Thị Thuận cũng thừa nhận lời nói trong đoạn video clip là của mình. Tuy nhiên, bà Thuận giải trình rằng, đó là do đã… lỡ lời thông tin với NLĐ nội dung “khi có ai đó gọi đến phải báo rằng có đi học nghề và xác nhận là không có việc ép NLĐ ký đơn, hợp đồng học nghề…”.
Theo thông tin từ Sở LĐ-TB&XH TP.HCM, trong năm 2019, chỉ riêng Chi nhánh BH thất nghiệp quận 9 có 1.748 NLĐ thất nghiệp học nghề; 6 tháng đầu năm 2020 có 968 người. Chính vì vậy, dư luận đang đặt câu hỏi, nếu các cán bộ khác cũng “lỡ lời” với gần 3.000 người học nghề như vậy thì quỹ BH thất nghiệp sẽ thất thoát khủng khiếp thế nào? Bởi, với mức hỗ trợ học nghề cho NLĐ thất nghiệp (quy định tại Điều 3 Quyết định 77/2014/QĐ-TTg) là 1 triệu đồng/tháng, tối đa NLĐ được hỗ trợ 6 triệu đồng do BHXH Việt Nam chi trả, nếu chỉ tạm tính gần 3.000 NLĐ tại Chi nhánh BH thất nghiệp quận 9 thì chi phí hỗ trợ học nghề tối đa mà quỹ BH thất nghiệp chi trả sẽ lên tới xấp xỉ 18 tỷ đồng. Con số sẽ thực sự “khủng” nếu tình trạng tương tự xảy ra ở những nơi khác!
“Hướng dẫn cái đặt và đăng ký tài khoản VssID - ...
Bảo hiểm xã hội tỉnh Đắk Lắk nỗ lực phát triển ...
Sử dụng hình ảnh thẻ BHYT trên ứng dụng VSSID
Giới thiệu BHXH VN tiếng Việt
Giới thiệu ứng dụng VssID Bảo hiểm xã hội số