Khơi gợi tinh thần BHXH, BHYT toàn dân

29/03/2021 07:00 AM


BHXH, BHYT toàn dân không chỉ đơn thuần là quan điểm, chính sách, mà còn là tinh thần, xu hướng sống thể hiện trách nhiệm của mỗi người trước hết với bản thân, sau đó với gia đình và xã hội.

Tinh thần đoàn kết của người dân Việt Nam luôn được thấy rõ khi cùng đối diện với những khó khăn, thách thức. Điển hình gần đây là trong cuộc chiến chống lại đại dịch COVID-19. Tuy nhiên, tinh thần đó không phải tự phát, nhất thời, mà là truyền thống tốt đẹp của dân tộc được quan tâm xây dựng, kiến tạo dựa trên những quan điểm, chính sách của Đảng và Nhà nước ta bao năm qua. Trong đó, có quan điểm về chính sách BHXH, BHYT toàn dân.

 

Cần khơi gợi tinh thần BHXH, BHYT toàn dân

Nếu như nói đoàn kết là yếu tố cốt lõi tạo nên sức mạnh toàn dân tộc, thì việc thực hiện BHXH, BHYT toàn dân chính là một trong những minh chứng của sức mạnh đó. Đại dịch COVID-19 đã tạo nên cuộc khủng hoảng toàn cầu chưa có hồi kết, với những tác động nghiêm trọng tới hoạt động kinh tế, việc làm và thương mại. Điều này buộc các Chính phủ phải đối mặt với thách thức kép: Phòng chống dịch và đối phó với các tác động kinh tế-xã hội do đại dịch gây nên.

Đáng chú ý, khủng hoảng COVID-19 đã phơi bày toàn bộ những lỗ hổng của mạng lưới an sinh thế giới, ngay cả với những nước phát triển. Nếu có mạng lưới an sinh đảm bảo, mọi người sẽ được BHYT, trợ cấp ốm đau và BH thất nghiệp. Đây chính là lý do an sinh xã hội trở thành một phần không thể thiếu trong chiến lược ứng phó đối với khủng hoảng, vừa đảm bảo mọi người có thể được tiếp cận chăm sóc sức khỏe một cách hiệu quả, vừa hỗ trợ bảo đảm việc làm và thu nhập cho những người bị ảnh hưởng. An sinh xã hội làm tăng khả năng ổn định, phục hồi nền kinh tế, góp phần ngăn chặn nghèo đói, thất nghiệp.

Tại Việt Nam, BHXH, BHYT đã cho thấy rõ vai trò trong cuộc chiến chống COVID-19, thông qua những chế độ như: Người Việt Nam tham gia BHYT khi điều trị COVID-19 sẽ được quỹ BHYT chi trả chi phí điều trị; tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí, tử tuất do ảnh hưởng bởi dịch bệnh; giải quyết chế độ thất nghiệp cho NLĐ bị mất việc làm…

Thực tế này đặt ra vấn đề bức thiết phải xây dựng một hệ thống an sinh rộng khắp, toàn diện và bền vững bao trùm toàn đất nước. Từ thảm đỏ của những tuần lễ thời trang xa hoa, cho tới sân bay tấp nập, từ quán bar cho tới BV, những ổ dịch có thể bùng phát và gây bệnh không phân biệt đối tượng giàu-nghèo.

COVID-19 là cơ hội để lớp người sinh ra và trưởng thành sau chiến tranh ở Việt Nam hiểu thêm được giá trị thực tiễn của cụm từ thường chỉ thấy trong sách vở là “huy động sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân”. Vấn đề ở đây là cần tận dụng động lực được tạo ra bởi khủng hoảng để đạt được bước tiến mới trong việc triển khai BHXH, BHYT toàn dân. Chỉ có cách đó, mỗi quốc gia và nền kinh tế mới có thể mạnh mẽ vượt qua COVID-19 và những cuộc khủng hoảng có thể xảy đến trong tương lai.

Đảng ta đã chỉ rõ: “Thực hiện tốt chính sách BHXH là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị, là trách nhiệm của các cấp ủy Đảng, chính quyền, MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị-xã hội, DN và của mỗi người dân”. Người Việt Nam vốn tự hào về khả năng đoàn kết, sát cánh cùng nhau trong một cuộc khủng hoảng và khả năng chịu đựng khó khăn. Cũng vì vậy, bên cạnh sát cánh trong cuộc chiến với COVID-19, toàn hệ thống chính trị-xã hội cần sát cánh trong việc thực hiện BHXH, BHYT toàn dân. Sau tất cả, lòng yêu nước và niềm tự hào về truyền thống đoàn kết của dân tộc có lẽ nên được thể hiện bằng hành động tham gia BHXH, BHYT, để chính mình và mọi người đều “không ai bị bỏ lại phía sau”.

Tạp chí Bảo hiểm xã hội