Vai trò của BHXH: Ngày càng thể hiện rõ
29/03/2021 07:05 AM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Theo PGS-TS.Giang Thanh Long- Viện trưởng Viện Chính sách và Quản lý (ĐH Kinh tế Quốc dân), dịch bệnh COVID-19 đã ảnh hưởng đến mọi mặt đời sống xã hội, việc làm và thu nhập của NLĐ, song cũng là lúc chúng ta nhận thức rõ hơn về vai trò, ý nghĩa của chính sách BHXH cũng như vị thế của ngành BHXH Việt Nam.
* PV: Mặc dù tình hình kinh tế-xã hội, lao động, việc làm chịu nhiều tác động bởi đại dịch COVID-19, nhưng càng trong khó khăn, nhân dân, NLĐ vẫn ưu tiên, chủ động tham gia BHXH, BHYT. Điều này được minh chứng rõ ràng khi nhìn vào những kết quả mà ngành BHXH Việt Nam đạt được trong năm 2020. Ông đánh giá như thế nào về vấn đề này?
- PGS-TS.Giang Thanh Long: Tôi cho rằng, một trong những bản lề quan trọng để triển khai chính sách BHXH chính là Nghị quyết số 28/NQ-TW. Đây là kim chỉ Nam cho các hoạt động của ngành BHXH Việt Nam và thể hiện rất rõ trong 2 năm qua. Vấn đề quan trọng Nghị quyết 28 nêu là tăng độ bao phủ BHXH- không phải tăng theo cơ học mà căn cứ trên thực tế bao phủ BHXH đến những ai, ai chưa tham gia hoặc ai cần phải tham gia vào hệ thống BHXH. Ngoài ra, BHXH tự nguyện đang bao phủ nhóm nào, nhóm nào chưa tham gia và nhóm nào thuộc đối tượng tiềm năng cần phải tuyên truyền, vận động…
Năm 2019, nhóm nghiên cứu đã khảo sát tại một số tỉnh, cho thấy việc thực hiện chính sách BHXH của ngành BHXH Việt Nam đã có bước thay đổi lớn, đặc biệt đơn giản hóa TTHC cho người tham gia BHXH. Điều này không có nghĩa là cơ quan BHXH bỏ tất cả các thủ tục, mà tạo điều kiện cho người tham gia, để họ có nhiều thông tin hơn, hiểu biết hơn về chế độ được hưởng, các thủ tục giấy tờ giảm bớt đi. Đặc biệt, BHXH các tỉnh đã chủ động thông tin, NLĐ chỉ đến đăng ký và có thể tham gia BHXH. Cơ quan BHXH còn tập trung tuyên truyền, trợ giúp DN như: Gửi công văn thông báo đóng nộp đến các DN, thông báo những thay đổi của Luật BHXH… giúp DN tự giác hơn trong đăng ký tham gia BHXH cho NLĐ.
Bên cạnh đó, BHXH Việt Nam cũng là một trong những cơ quan đi đầu trong việc số hóa các công việc. Do các hoạt động nghiệp vụ minh bạch hơn nên người tham gia và thụ hưởng hiểu được thông tin liên quan đến họ. Năm qua, dù ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, nhưng BHXH Việt Nam đã phát triển vượt bậc số người tham gia BHXH tự nguyện.
* Theo ông, tại sao vẫn còn nhiều NLĐ khu vực phi chính thức chưa tham gia vào hệ thống BHXH thông qua chính sách BHXH tự nguyện?
- Hiện chính sách BHXH tự nguyện mới chỉ có 2 chế độ là hưu trí và tử tuất. Qua khảo sát cho thấy, do đặc thù công việc tiềm ẩn nhiều rủi ro nên nhiều người cũng mong muốn trong chính sách BHXH tự nguyện cần có thêm chế độ thai sản, TNLĐ. Kinh nghiệm của các nước như: Thái Lan, Trung Quốc, Indonesia… đều chứng minh “động cơ, động lực” lớn nhất đối với NLĐ là bù đắp rủi ro trong ngắn hạn. Đặc biệt, đối với những NLĐ phi chính thức (không thuộc đối tượng người nghèo và cũng không phải người giàu) phải “giằng kéo” chuyện chi tiêu bây giờ với tích lũy trong tương lai. Và khi tham gia BHXH tự nguyện phải 20 năm sau mới được hưởng thì họ thường lựa chọn đầu tư cho con cái trước. Đây chính là rào cản mà các nhà làm chính sách cần cân nhắc, bổ sung thêm chế độ ngắn hạn nhằm thu hút NLĐ tham gia BHXH tự nguyện.
Trong giai đoạn dịch Covid-19 nhiều NLĐ đã được hưởng trợ cấp thất nghiệp
Phải nói rằng, năm 2020 là năm có nhiều thử thách, bởi cả thế giới bị “xới tung”, khi lần đầu tiên người ta thấy dịch COVID-19 tác động mạnh đến mọi mặt đời sống. Chính từ COVID-19, người dân các tỉnh từ Bắc chí Nam đều cho biết “bây giờ mới nhận thấy BHXH rất quan trọng”. Đặc biệt, với những NLĐ di cư làm các công việc tạm thời, nếu không có việc làm đồng nghĩa với “mất sạch sinh kế”. Với NLĐ làm việc trong các KCN có thể bị mất việc làm, nhưng do được tham gia BHXH nên chính sách BH thất nghiệp đã phần nào bù đắp thu nhập bị mất đi.
Tôi cho rằng, dịch COVID-19 cũng như thiên tai, lũ lụt, nhất là đợt dịch vừa qua tại Hải Dương và một số địa phương khác sẽ là cơ hội tốt để BHXH Việt Nam đẩy mạnh hơn nữa công tác truyền thông để thu hút nhiều người tham gia vào hệ thống BHXH. Theo đó, việc tuyên truyền phải giúp NLĐ nhìn thấy được tương lai sau này nếu tham gia BHXH tự nguyện.
Cùng với sự vào cuộc của BHXH Việt Nam, Chính phủ, Quốc hội cũng cần nghiên cứu xây dựng chính sách hướng đến mọi người dân, mọi người cùng tham gia BHXH để hết tuổi lao động hưởng lương hưu, chứ không phải trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước qua chính sách bảo trợ xã hội.
* Năm 2021 là năm đầu tiên triển khai các Nghị quyết Đại hội XIII và cũng là năm đầu tiên ngành BHXH Việt Nam thực hiện các chỉ tiêu cho giai đoạn mới theo tinh thần Nghị quyết 28 về cải cách chính sách BHXH. Đây được coi là cơ hội, song cũng tạo ra không ít thách thức trong việc thực hiện các mục tiêu đề ra. Theo ông, cách nào để biến thách thức thành cơ hội?
- Đúng vậy. Thách thức đầu tiên chính là triển khai đồng bộ các mục tiêu của Nghị quyết 28, đòi hỏi các cơ quan liên quan phải cùng nhau thực hiện. BHXH Việt Nam cải cách về TTHC, giảm bớt các thủ tục về nghiệp vụ, các rào cản về đăng ký, hỗ trợ DN trong quá trình đăng ký, theo dõi tham gia BHXH. Song mục tiêu của Nghị quyết 28 là phải tăng độ bao phủ BHXH, sự hài lòng của người tham gia và thụ hưởng BHXH. Vì vậy, việc đầu tiên là cần triển khai ngay những dự kiến đang định làm, đặc biệt đưa thêm những gói hưởng cho người tham gia BHXH tự nguyện.
Hiện, BHXH bắt buộc đã bao phủ tất cả những gì liên quan đến vòng đời của một con người. Trong khi đó, BHXH tự nguyện mới chỉ có 2 chế độ nên chưa đủ sức thu hút và phát triển BHXH theo hướng bền vững. Nếu vẫn giữ nguyên chính sách như hiện nay, có thể năm sau tỷ lệ bao phủ BHXH cao hơn năm trước, nhưng so với tiềm năng số tăng vẫn rất chậm. Rõ ràng, số lượng NLĐ khu vực phi chính thức vẫn ở mức cao, thì một năm chỉ tăng lên được 1-1,4 triệu người tham gia vào hệ thống BHXH là chậm so với mong muốn. Điều này đòi hỏi phải cải cách cơ bản về chính sách BHXH, trong đó phải thêm chế độ cho BHXH tự nguyện, phải lựa chọn chế độ sát sườn nhất để thu hút NLĐ.
Việt Nam cũng giống như nhiều quốc gia khác đang trong quá trình hoàn thiện hệ thống an sinh xã hội. Tại Nhật Bản, hiện đã liên thông từ thuế, quản lý lao động đến quản lý bảo hiểm, nên NLĐ không trốn đóng BHXH được. Việt Nam khác với một số nước, song không thể chờ đợi được, mà phải tự hoàn thiện dần thông qua các chính sách thu hút người dân. Đặc biệt, khi định dạng sự thay đổi nghề nghiệp (lao động công nghệ), thì chính sách BHXH cũng phải thay đổi theo để thu hút người tham gia.
* Trân trọng cảm ơn ông!
“Hướng dẫn cái đặt và đăng ký tài khoản VssID - ...
Bảo hiểm xã hội tỉnh Đắk Lắk nỗ lực phát triển ...
Sử dụng hình ảnh thẻ BHYT trên ứng dụng VSSID
Giới thiệu BHXH VN tiếng Việt
Giới thiệu ứng dụng VssID Bảo hiểm xã hội số