Việt Nam cần làm chủ mô hình phân tích tình hình tài chính quỹ BHYT

31/03/2021 03:43 PM


Chiều 30/3, tại Hà Nội, BHXH Việt Nam phối hợp với Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) tổ chức Hội thảo tham vấn Báo cáo đánh giá các mô hình phân tích tài chính quỹ hiện tại và năng lực phân tích tài chính quỹ BHYT của Việt Nam. Tham dự Hội thảo có bà Marielle Phe Goursat- Giám đốc Dự án ILO-LUX về “Hỗ trợ mở rộng bảo trợ y tế xã hội khu vực Đông Nam Á” và đại diện một số đơn vị trực thuộc BHXH Việt Nam...

Cần thiết cho sự bền vững

Chia sẻ tại Hội thảo, ông Nguyễn Khang- Vụ phó Vụ HTQT (BHXH Việt Nam) cho biết, hiện nay, BHXH Việt Nam có nhiều mô hình tổ chức khác nhau nhằm hỗ trợ xây dựng và phản biện chính sách; tuy nhiên những mô hình này vẫn chưa hoàn thiện, đầy đủ. Vì vậy, BHXH Việt Nam luôn mong muốn ILO hỗ trợ xây dựng các mô hình phân tích tài chính quỹ hiện tại và năng lực phân tích tài chính quỹ BHYT của Việt Nam. “Nếu được, đây sẽ là công cụ phản biện chính sách để các cơ quan dựa vào đó và đưa ra những quyết sách về an sinh xã hội tại Việt Nam”- ông Khang nhấn mạnh.

Bày tỏ ấn tượng trước tỷ lệ bao phủ BHYT tại Việt Nam, bà Marielle Phe Goursat- Giám đốc Dự án ILO-LUX cho rằng, với điều kiện dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, nhưng tại Việt Nam vẫn có độ tăng trưởng bao phủ BHYT- điều này là cực kỳ ấn tượng. Theo bà Marielle Phe Goursat, Việt Nam đang hướng tới mục tiêu mở rộng bao phủ BHYT toàn dân theo Nghị quyết 20-NQ/TW. Tuy nhiên, vấn đề tài chính và tính toán tài chính vẫn là một bài toán khó cho sự bền vững lâu dài của quỹ BHYT.

Do vậy, theo bà Marielle Phe Goursat, để tìm lời giải này, trước tiên chúng ta phải đổi mới chính sách và nâng cao năng lực đánh giá, phân tích tình hình tài chính quỹ sao cho phù hợp thực tế. “BHXH Việt Nam cũng đã có một vài phương thức nhưng còn hạn chế. Chính vì vậy, chúng tôi mong muốn cùng các bạn xây dựng mô hình đánh giá phát triển quỹ BHYT, đồng thời nâng cao năng lực cán bộ ngành BHXH Việt Nam trong việc dự báo quỹ. Nếu làm được, việc tìm ra vấn đề và đưa ra giải pháp, hướng xử lý phù hợp sẽ rất hiệu quả”- bà Marielle Phe Goursat cho biết.

Đánh giá về việc cần thiết xây dựng mô hình phân tích tài chính quỹ hiện tại và năng lực phân tích tài chính quỹ BHYT tại Việt Nam, ông Nguyễn Tất Thao- Phó Giám đốc Trung tâm Giám định BHYT và TTĐT (BHXH Việt Nam) khẳng định, các mô hình phù hợp sẽ giúp ích cho việc tính toán để quỹ BHYT trong tương lai hoạt động một cách bền vững. Đồng thời, mức đóng BHYT cũng sẽ được cân đối để đảm bảo tính an toàn cho quỹ BHYT, từ đây có thể cân bằng được mức chi KCB BHYT sao cho phù hợp…

Đồng tình với ý kiến trên, đại diện Viện Khoa học BHXH (BHXH Việt Nam) cũng cho rằng, việc phân tích tình hình tài chính quỹ BHYT là vấn đề rất quan trọng, bởi nó sẽ phục vụ cho việc hoạch định, điều chỉnh chính sách phù hợp với tình hình hiện tại cũng như cho việc quản lý quỹ; từ đó tránh hiện tượng thâm hụt quỹ và đảm bảo quyền lợi cho người tham gia BHYT. “Hiện nay, Viện Khoa học BHXH đang rất thiếu cả kinh nghiệm và chuyên gia đánh giá tài chính. Dù đang quản lý CSDL của Ngành rất lớn, nhưng để phân tích và sử dụng hiệu quả, cần phải có nguồn nhân lực được đào tạo chính quy. Do đó, chúng tôi rất mong sẽ được phía ILO hỗ trợ đào tạo”- đại diện Viện Khoa học BHXH nói.

Đại diện Vụ Đầu tư quỹ (BHXH Việt Nam) cũng cho rằng, thời gian qua, chính sách BHYT tại nước ta có nhiều biến động, nên việc chọn lựa và xây dựng mô hình phù hợp với mục tiêu đảm bảo an sinh xã hội lâu dài và nguồn quỹ BHYT bền vững là điều hết sức quan trọng. Điều này đòi hỏi BHXH Việt Nam cần phải tính toán kỹ càng, để đảm bảo nguồn quỹ được sử dụng hiệu quả, bền vững.

Cần làm chủ mô hình

Tại Hội thảo, các chuyên gia quốc tế đã trình bày trực tuyến về khái niệm tính toán phân tích tài chính quỹ và báo cáo đánh giá mô hình phân tích tài chính quỹ tại Việt Nam. Đồng thời, tập trung phân tích những ưu và nhược điểm của các mô hình hiện có tại Việt Nam.

Theo ILO, hiện nay, các mô hình của BHXH Việt Nam đều là các mô hình ở cấp vĩ mô, nhưng lại không được xây dựng cho cùng mục đích. Do đó, để xây dựng một mô hình hiệu quả cần phải đáp ứng một số điều kiện, trong đó trước hết cần phối hợp và trao đổi dữ liệu giữa BHXH Việt Nam và Bộ Y tế. Cụ thể, cần đề xuất các quy trình và yêu cầu cụ thể trong việc chia sẻ và sử dụng dữ liệu, bao gồm danh sách chi tiết và định nghĩa loại số liệu cần cho các mục đích cụ thể. Đặc biệt, cần làm rõ vai trò, trách nhiệm của các phòng, ban chức năng trong lĩnh vực này...

Cũng theo ILO, Việt Nam vẫn cần một kho dữ liệu thống kê chung phục vụ mục đích theo dõi của cả hệ thống, bao gồm các dịch vụ và chi tiêu y tế cho những đối tượng không có thẻ BHYT. Các mô hình dự báo và mô phỏng tình hình tài chính quỹ cũng cần bao trùm toàn bộ hệ thống y tế, tạo thuận lợi cho việc mô phỏng trong hoạt động đổi mới/cải tiến liên quan tới việc như mở rộng bao phủ BHYT hay mở rộng phạm vi dịch vụ BHYT. Kho dữ liệu thống kê cần được cập nhật hàng năm và phải cho phép thực hiện được các mô hình mô phỏng biến động trong tương lai của hệ thống y tế... 

Đại diện ILO cũng cho rằng, Bộ Y tế và BHXH Việt Nam cần làm chủ được mô hình phân tích tài chính quỹ trong tương lai. Do đó, hai cơ quan này cần thành lập nhóm chuyên gia nhằm quản lý hệ thống thống kê và các mô hình phân tích tình hình tài chính quỹ.

Tạp chí Bảo hiểm xã hội