Phụ nữ và trụ cột an sinh
12/04/2021 07:13 AM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Theo Cơ quan Liên hợp quốc về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ (UN Women), việc mở rộng hệ thống an sinh xã hội có vai trò ngày càng quan trọng trong bảo đảm bình đẳng giới và sự phát triển của phụ nữ.
Các hệ thống an sinh xã hội, với những trụ cột như bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT), BH thất nghiệp có thể góp phần thu hẹp khoảng cách giới về tỷ lệ đói nghèo, tăng cường an ninh thu nhập của phụ nữ, nhất là những phụ nữ nghèo...
Tuy nhiên, trên thực tế, tại không ít quốc gia, việc tiếp cận các chính sách an sinh xã hội của phụ nữ vẫn có nhiều trở ngại. Ðiều đó đã làm trầm trọng hơn những khó khăn mà phụ nữ phải đối mặt trong cuộc sống, khi gặp phải những rủi ro trong quá trình lao động nhất là khi hết tuổi lao động. Và không chỉ giới hạn trong những khó khăn của mỗi cá nhân, đây còn trở thành một gánh nặng đối với xã hội, trong bối cảnh tuổi thọ của phụ nữ không ngừng tăng cao.
Tại Việt Nam, BHXH, BHYT được xem là trụ cột chính của hệ thống an sinh xã hội; việc bảo đảm an sinh xã hội cho người dân ngày càng được chú trọng và phụ nữ - nhóm dân cư chiếm hơn 50% dân số và hơn 48% lực lượng lao động xã hội - cũng là nhóm đối tượng được quan tâm bảo đảm những quyền lợi quan trọng đó.
Ngay từ năm 2015, BHXH Việt Nam và Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đã ký kết Quy chế phối hợp công tác nhằm tăng cường trách nhiệm và sự phối hợp giữa hai hệ thống trong chỉ đạo, hướng dẫn và tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật về BHXH, BHYT, hướng tới mục tiêu chung là thực hiện có hiệu quả chính sách BHXH, BHYT bảo đảm quyền lợi chính đáng, hợp pháp của người tham gia, nhất là phụ nữ và trẻ em. Giai đoạn 2015 - 2020 ngành BHXH và các cấp Hội Phụ nữ đã phối hợp tổ chức hơn 8.000 hội nghị tập huấn, tư vấn, đối thoại, gameshow, lồng ghép tuyên truyền về chính sách BHXH, BHYT trong các hội nghị, hội thảo. Nhiều mô hình hay như: "Mua BHYT hộ gia đình", "Tổ phụ nữ giúp đỡ mua BHYT cho hộ khó khăn" tại Long An; "Nhóm phụ nữ tiết kiệm mua BHYT - Vì sức khỏe gia đình" tại Nam Ðịnh,... Bên cạnh đó, hệ thống đại lý thu BHXH, BHYT của Hội Phụ nữ cũng không ngừng được mở rộng, kiện toàn để cùng với ngành BHXH triển khai công tác tuyên truyền, vận động người dân tham gia BHXH tự nguyện, BHYT tự nguyện với phương châm "đi từng ngõ, gõ từng nhà"… Các hoạt động này đã giúp hội viên, phụ nữ - "tay hòm chìa khóa" của mỗi gia đình - hiểu rõ hơn về vai trò, ý nghĩa, quyền, lợi ích của chính sách BHXH, BHYT, nhất là BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình, từ đó tự giác, tích cực tham gia cho bản thân và gia đình; nhiều người đã tự nguyện trở thành "tuyên truyền viên" để lan tỏa chính sách nhân văn này tới cộng đồng.
Mặc dù vậy, thực tế cũng cho thấy, đến nay vẫn còn không ít phụ nữ chưa được tiếp cận và thụ hưởng quyền lợi từ chính sách BHXH, BHYT của Ðảng và Nhà nước. Ðể tiếp tục mở rộng diện bao phủ, từng bước hiện thực hóa mục tiêu BHXH toàn dân và BHYT toàn dân, cùng với những nỗ lực của ngành BHXH và các cấp, các ngành, tổ chức, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam cần tiếp tục phát huy vai trò, lợi thế của mình trong tuyên truyền, vận động phát triển BHXH tự nguyện, giúp hội viên, phụ nữ hiểu sâu sắc hơn nữa về ý nghĩa, vai trò, lợi ích của BHXH, BHYT, từ đó thay đổi thói quen từ việc tự mình để riêng phòng ngừa rủi ro sang thói quen tham gia các hình thức bảo hiểm như BHXH, BHYT của Nhà nước. Tiếp tục xây dựng, duy trì và nhân rộng các mô hình hiệu quả trong triển khai công tác này, nhất là các mô hình có tính chất tương trợ, hỗ trợ hội viên phụ nữ tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình...
Báo Nhân dân
“Hướng dẫn cái đặt và đăng ký tài khoản VssID - ...
Bảo hiểm xã hội tỉnh Đắk Lắk nỗ lực phát triển ...
Sử dụng hình ảnh thẻ BHYT trên ứng dụng VSSID
Giới thiệu BHXH VN tiếng Việt
Giới thiệu ứng dụng VssID Bảo hiểm xã hội số