Mức chi trả dịch vụ y tế còn cao

22/04/2021 07:11 AM


Theo Bộ Y tế, trung bình mỗi năm quỹ BHYT của Việt Nam chi khoảng 100.000 - 120.000 tỉ đồng cho chi phí khám chữa bệnh

Ông Lê Văn Khảm, Vụ trưởng Vụ BHYT (Bộ Y tế), cho biết mục tiêu của Việt Nam là giảm tỉ lệ chi trả chi phí y tế của người sử dụng dịch vụ xuống còn 35% vào năm 2025 và 30% vào năm 2030.

Nặng gánh chi tiêu cho y tế

Dù đã được BHYT chi trả tới 18 triệu đồng nhưng gia đình anh Nguyễn Minh Tân (Nghệ An) vẫn phải chi trả từ tiền túi gần 20 triệu đồng cho người thân sau ca phẫu thuật gãy xương đùi. Theo anh Tân, với khoản tiền này, gia đình vẫn lo được nhưng nếu chẳng may mắc bệnh hiểm nghèo với chi phí cả trăm triệu đồng sẽ là gánh nặng không nhỏ cho cả gia đình.

Hiện nay người có BHYT phải tự chi trả bao gồm: Dịch vụ không thuộc phạm vi chi trả của quỹ BHYT; thuốc, vật tư y tế, dịch vụ kỹ thuật ngoài danh mục do BHYT chi trả; các dịch vụ chưa được BHYT chi trả như: khám sức khỏe, khám sàng lọc, kỹ thuật hỗ trợ sinh sản, điều trị tật khúc xạ, sử dụng kính mắt, răng giả... Số tiền chi trả 5%, 20% tổng chi phí khám chữa bệnh tùy đối tượng theo quy định của Luật BHYT.

Dự kiến từ tháng 7 tới, Bộ Y tế sẽ áp dụng phương thức chi trả chi phí khám chữa bệnh BHYT theo định suất. (Ảnh chỉ mang tính minh họa)

Khi khám chữa bệnh trái tuyến, người bệnh phải cùng chi trả chi phí một số loại thuốc, vật tư y tế, dịch vụ kỹ thuật có trong danh mục BHYT nhưng chỉ được chi trả 50% - 70% như một số thuốc ung thư. Bên cạnh đó, người bệnh phải trả phần phí chênh lệch khi khám chữa bệnh theo yêu cầu.

Mới đây, Bộ Y tế đã công bố một số liệu đáng chú ý về việc chi trả của người dân cho các dịch vụ y tế. Theo đó, nghiên cứu năm 2017 cho thấy tỉ lệ chi tiền túi do người dân bỏ ra chiếm khoảng 43% trong tổng chi tiêu y tế.

Mức chi tiêu từ tiền túi này cao hơn nhiều so với khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) là 20% và cao gấp 2 - 2,5 lần so với các nước phát triển (từ 14% - 20%). WHO đánh giá, gia đình có chi tiêu y tế nặng như vậy dễ đi đến phá sản, nghèo đói. Mức chi phí theo khuyến cáo của WHO chỉ nên từ 20% - 30% tổng chi.

Theo bà Nguyễn Thị Kim Phương, chuyên gia tài chính y tế của WHO, chi tiêu y tế từ tiền túi người dân Việt Nam cao do nhiều lý do, song quan trọng nhất cần xem lại việc sử dụng dịch vụ tại các cơ sở y tế đã hợp lý chưa. Bà Phương cho biết cách đây 10 năm, mức bao phủ BHYT của Việt Nam chỉ 50% và mức chi tiền túi khoảng 49% nhưng hiện nay mức bao phủ đã đến gần 90%, đáng ra chi tiền túi của người dân phải giảm nhiều nhưng thực tế đang giảm rất chậm (43%).

Thay đổi phương thức trả viện phí

Hiện tại, mỗi người Việt khám bệnh trung bình 2,1 lần/năm với số tiền bình quân 129 USD/người (tương đương khoảng gần 3 triệu đồng/người), trong đó có tới 37% là tiền thuốc (tương đương khoảng 1,1 triệu đồng). Với mức chi tiêu này, Việt Nam đứng trên Lào, Campuchia, Myanmar nhưng đứng dưới các quốc gia trong khu vực như Indonesia, Philippines, Thái Lan, Malaysia. Trong đó người dân Thái Lan chi khoảng 6 triệu đồng/người/năm, mức chi tại Malaysia là 12 triệu đồng/người/năm.

Ông Lê Văn Khảm cho rằng một trong những lý do người dân còn phải bỏ nhiều tiền túi khi đi khám chữa bệnh là do mức đóng BHYT hiện nay còn thấp, do đó còn khá nhiều dịch vụ khám chữa bệnh chưa được BHYT chi trả. Vì vậy để giảm chi tiền túi người dân, phải có lộ trình tăng mức đóng cũng như mở rộng hơn nữa phạm vi chi trả, tăng quyền lợi khi khám chữa bệnh. Bên cạnh đó, khi tăng mức đóng BHYT phải kiểm soát chi tiêu hiệu quả tại các bệnh viện.

Một số ý kiến cho rằng một trong những yếu tố quan trọng thúc đẩy thực hiện mục tiêu bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân, giảm chi y tế từ tiền túi người dân là phải xây dựng các phương thức chi trả dịch vụ y tế phù hợp, bảo đảm kiểm soát được chi phí khám chữa bệnh, chất lượng dịch vụ khám chữa bệnh.

Hiện nay hầu hết bệnh viện áp dụng phương thức chi trả theo phí dịch vụ, bệnh nhân dùng dịch vụ nào thì trả tiền cho dịch vụ đó. Ưu điểm của phương thức này là dễ thực hiện, rõ ràng giữa các bên liên quan, tăng tính tự chủ cho cơ sở y tế song nhược điểm là tạo ra cơ chế khuyến khích cơ sở cung ứng quá mức cần thiết dịch vụ y tế, khó kiểm soát chi phí, mất cân đối thu chi của cơ quan BHYT.

Để kiểm soát chi tiêu quỹ BHYT, dự kiến từ tháng 7 tới, Bộ Y tế sẽ bắt đầu áp dụng phương thức chi trả chi phí khám chữa bệnh BHYT theo định suất và theo nhóm chẩn đoán (DRG) cho bệnh nhân nội trú, xác định trước số tiền cho mỗi chẩn đoán bệnh.

 

Người Lao động