Chủ động nâng cao hiệu quả công tác thu

26/04/2021 07:22 AM


Trong những năm gần đây, BHXH các địa phương phối hợp chặt chẽ với cơ quan Thuế rà soát, chia sẻ dữ liệu về số DN đang hoạt động. Trên cơ sở đó, có căn cứ để tiến hành khai thác, phát triển đối tượng tham gia BHXH, BHYT theo đúng quy định của Luật BHXH; đồng thời bảo đảm quyền lợi cho NLĐ.

Tích cực rà soát dữ liệu

Theo báo cáo của Ban Quản lý Thu- Sổ thẻ (BHXH Việt Nam), trên cơ sở dữ liệu do cơ quan Thuế cung cấp, đối chiếu với cơ sở dữ liệu cơ quan BHXH đang quản lý, ước tính cả nước có 162.671 đơn vị, DN với 817.959 NLĐ chưa tham gia BHXH, BHYT. Bên cạnh đó, còn khoảng 241.045 đơn vị, DN chưa tham gia đầy đủ BHXH, BHYT, chủ yếu là các DN NQD có quy mô nhỏ và siêu nhỏ.

Rà soát dữ liệu DN và NLĐ thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc

Cũng từ dữ liệu do cơ quan Thuế cung cấp cho thấy, cả nước có khoảng 18 triệu cá nhân có phát sinh thu nhập, tức có khả năng thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc. Tuy nhiên, theo dữ liệu thu BHXH bắt buộc do cơ quan BHXH đang quản lý, hiện chỉ có trên 15 triệu người đã tham gia. Do đó, số lao động, cá nhân có thu nhập cần phải rà soát việc đóng BHXH, BHYT bắt buộc lên tới trên 3 triệu người.

Trước đó, trong năm 2020, cơ quan BHXH các cấp đã thực hiện rà soát được trên 98.000 đơn vị chưa tham gia BHXH, BHYT. Trong đó, đã xác định được khoảng 30.000 đơn vị không có tại địa chỉ đăng ký kinh doanh; hơn 138.000 NLĐ không thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc. Còn qua rà soát dữ liệu do cơ quan Thuế cung cấp, đã có trên 32.000 đơn vị đăng ký tham gia BHXH, BHYT cho hơn 167.000 NLĐ. Trên cơ sở kết quả đạt được, BHXH Việt Nam đã yêu cầu BHXH các tỉnh, thành phố tiếp tục phối hợp với các đơn vị liên quan điều tra, rà soát để xác định số DN và số NLĐ thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc trong tổ chức, cá nhân trả thu nhập và cá nhân có thu nhập từ dữ liệu do cơ quan Thuế cung cấp.

Trên thực tế, quá trình rà soát dữ liệu do cơ quan Thuế cung cấp cũng gặp phải không ít khó khăn. Theo đó, cơ quan Thuế thực hiện thủ tục quyết toán thuế theo năm nên dữ liệu gửi sang cơ quan BHXH thường có độ trễ nhất định, trong khi quy trình thu BHXH, BHYT được thực hiện theo từng tháng. Bên cạnh đó, khi có được dữ liệu về DN, NLĐ thuộc diện đối chiếu, rà soát, cơ quan BHXH cũng khó có đủ nhân lực để kiểm tra được hết trong khoảng thời gian ngắn. Quá trình kiểm tra với các DN NVV cũng gặp nhiều trở ngại. Từ thời điểm cơ quan Thuế ghi nhận dữ liệu để thu thuế đến khi cơ quan BHXH thực hiện kiểm tra, rà soát cũng là một khoảng thời gian dài, vì vậy, rất có thể DN đã thay đổi địa chỉ kinh doanh, NLĐ đã nhảy việc…

Chủ động giải quyết từ “gốc”

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, trong quý I/2021, cả nước có 29.300 DN đăng ký thành lập mới. Còn theo dữ liệu trên hệ thống quản lý của BHXH Việt Nam, trong quý I/2021, ghi nhận khoảng 16.298 DN thành lập mới có đóng BHXH, BHYT. Như vậy, có thể hiểu, riêng trong 3 tháng đầu năm nay, cả nước còn khoảng 13.000 DN mới được thành lập và thuộc diện cơ quan BHXH cần phải rà soát để xác định số NLĐ tham gia BHXH, BHYT.

Từ thống kê trên có thể thấy, ngoài việc phối hợp với cơ quan Thuế, cơ quan BHXH cũng cần phối hợp chặt chẽ với đơn vị cấp phép đăng ký kinh doanh để có được dữ liệu về DN và NLĐ thuộc diện tham gia BHXH, từ đó thực hiện các biện pháp thu BHXH, BHYT theo đúng quy định của Luật BHXH ngay từ thời điểm DN bắt đầu đi vào hoạt động.

 

Việc rà soát dữ liệu giúp BHXH các địa phương đảm bảo quyền lợi cho nhiều NLĐ

Nội dung này cũng đã được nêu rõ tại Nghị định số 122/2020/NĐ-CP ngày 15/10/2020 quy định về phối hợp, liên thông thủ tục đăng ký thành lập DN, chi nhánh, văn phòng đại diện, khai trình việc sử dụng lao động, cấp mã số đơn vị tham gia BHXH, đăng ký sử dụng hóa đơn của DN. Tại Điều 5 quy định cụ thể quy trình phối hợp, liên thông giữa cơ quan đăng ký kinh doanh và cơ quan BHXH. Theo đó, sau khi cấp đăng ký thành lập DN, chi nhánh, văn phòng đại diện, cơ quan đăng ký kinh doanh chia sẻ thông tin về Giấy chứng nhận đăng ký DN, Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động chi nhánh/văn phòng đại diện; đồng thời thông tin về tổng số NLĐ dự kiến, ngành nghề kinh doanh, phương thức đóng BHXH của DN, chi nhánh, văn phòng đại diện cho cơ quan BHXH. Khi có sự thay đổi nội dung đăng ký DN, chi nhánh, văn phòng đại diện, cơ quan đăng ký kinh doanh chia sẻ thông tin với cơ quan BHXH. Mã số DN, mã số chi nhánh, văn phòng đại diện được sử dụng làm mã số đơn vị tham gia BHXH. Khi DN, chi nhánh, văn phòng đại diện đóng BHXH, cơ quan BHXH chia sẻ thông tin về số lượng lao động đóng BHXH cho cơ quan đăng ký kinh doanh để thực hiện quản lý nhà nước đối với DN sau đăng ký thành lập.

Nghị định số 122/2020/NĐ-CP có hiệu lực thi hành từ tháng 10/2020. Đến nay, các cơ quan liên quan đang tích cực phối hợp để bảo đảm xây dựng quy trình kết nối thực hiện các thủ tục một cách nhịp nhàng.

Thông tin từ Ban Quản lý Thu- Sổ thẻ (BHXH Việt Nam) cũng cho biết, hiện đơn vị này đang trong quá trình xây dựng dự thảo, hướng dẫn BHXH các tỉnh, thành phố khai thác dữ liệu từ cơ quan đăng ký kinh doanh cũng như cơ quan Thuế một cách chặt chẽ hơn. Theo đó, quy trình cơ bản bao gồm: Rà soát dữ liệu, gửi thông báo đóng BHXH, BHYT (2 lần); làm việc trực tiếp với đơn vị; tiến hành kiểm tra, thanh tra nếu đơn vị cố tình không đóng BHXH, BHYT...

Như vậy, cùng với việc nhận dữ liệu chia sẻ từ cơ quan Thuế, việc cơ quan BHXH chủ động rà soát dữ liệu do cơ quan đăng ký kinh doanh cung cấp sẽ đảm bảo thu BHXH, BHYT triệt để hơn. Bên cạnh đó, khi đã có được nguồn dữ liệu quản lý tương đối chính xác, chặt chẽ, các hoạt động nghiệp vụ khác, nhất là tuyên truyền, hướng dẫn các thủ tục về đóng- hưởng BHXH, BHYT cũng sẽ được cơ quan BHXH xây dựng kế hoạch triển khai một cách chủ động, tích cực hơn ngay từ khi DN bắt đầu đi vào hoạt động.

Tạp chí Bảo hiểm xã hội