Tăng cường giải pháp, giải quyết tốt nhất các chế độ, chính sách BHXH

28/04/2021 06:57 AM


Trong 2 ngày 27-28/4, tại TP.HCM, BHXH Việt Nam tổ chức Hội nghị công tác thực hiện chính sách BHXH, BH thất nghiệp khu vực phía Nam. Phó Tổng Giám đốc Lê Hùng Sơn tham dự và chỉ đạo Hội nghị. Tham dự Hội nghị có đại diện Vụ BHXH (Bộ LĐ-TB&XH); các vụ, ban thuộc BHXH Việt Nam và BHXH các địa phương khu vực phía Nam.

Chủ động giải quyết các chế độ

Báo cáo tại Hội nghị, ông Đỗ Ngọc Thọ- Trưởng ban Thực hiện chính sách BHXH (BHXH Việt Nam) cho biết, việc giải quyết chế độ, chính sách BHXH luôn được Ngành thực hiện đúng quy định. Theo đó, BHXH Việt Nam tiếp tục phối hợp với LĐ-TB&XH và các bộ, ngành liên quan xử lý, giải quyết nhiều tồn tại, vướng mắc về chế độ, chính sách cho NLĐ. Đồng thời, chỉ đạo BHXH các tỉnh, thành phố tăng cường phối hợp với cơ quan quản lý nhà nước để quản lý người tham gia và hưởng các chế độ BHXH, BH thất nghiệp; giải quyết kịp thời các chế độ cho NLĐ bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, thiên tai bão lũ.

Phó Tổng Giám đốc Lê Hùng Sơn phát biểu chỉ đạo Hội nghị

Theo đó, năm 2020, toàn Ngành đã giải quyết cho 151.189 người hưởng chế độ hưu trí, tử tuất, TNLĐ-BNN. Trong đó gồm: 129.578 người hưởng chế độ hưu trí; 990.796 người hưởng các chế độ BHXH một lần; giải quyết chế độ ốm đau cho 7.975.326 lượt người; chế độ thai sản cho 1.850.278 lượt người và chế độ DS-PHSK cho 375.426 lượt người. Phối hợp với ngành LĐ-TB&XH giải quyết trợ cấp thất nghiệp cho trên 1,019 triệu người.

Ước trong 3 tháng đầu năm 2021, toàn Ngành đã giải quyết cho 16.387 người hưởng chế độ hưu trí, tử tuất, TNLĐ-BNN; 226.397 lượt người hưởng các chế độ BHXH một lần. Phối hợp với ngành LĐ-TB&XH giải quyết cho khoảng 140.000 người hưởng trợ cấp thất nghiệp; 45.000 nghìn người được hỗ trợ học nghề.

Theo ông Đỗ Ngọc Thọ, công tác CCHC trong thực hiện chính sách BHXH là điểm nhấn trong thời gian qua. Kết quả 3 tháng đầu năm 2021 cho thấy, trung bình toàn quốc đạt tỷ lệ 88%, trong đó tập trung vào chế độ ốm đau, thai sản. Một số BHXH tỉnh thực hiện tốt giao dịch điện tử như: Long An, Đà Nẵng, Đồng Nai, Bắc Ninh, Quảng Ninh...

Tăng cường đối soát dữ liệu, phân cấp giải quyết chế độ

Việc đối soát dữ liệu trước khi giải quyết hưởng các chế độ BHXH rất quan trọng, giúp phát hiện, xử lý kịp thời tình trạng giả mạo hồ sơ, cấp khống giấy ra viện, giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH để trục lợi BHXH. Một số BHXH tỉnh đã làm tốt nội dung này như: Đồng Nai, Hậu Giang… Tuy nhiên, đại diện BHXH Việt Nam nhận định, một số BHXH tỉnh có tỷ lệ đối soát năm 2020 vẫn còn thấp.

Các đại biểu dự Hội nghị

Về phân cấp giải quyết hưởng các chế độ BHXH, theo Quyết định 166/QĐ-BHXH, chậm nhất từ ngày 1/1/2021, BHXH huyện phải thực hiện giải quyết toàn bộ các chế độ BHXH. Thực hiện quy định trên, đến nay, nhiều BHXH tỉnh, thành phố đã thực hiện phân cấp theo quy định. Tuy nhiên, đại diện một số BHXH địa phương cho rằng, việc phân cấp phải đảm bảo kiểm soát, quản lý được; nếu chưa quản lý được tốt thì không phân cấp. Theo ông Trần Dũng Hà- Phó Giám đốc BHXH TP.HCM, riêng chế độ hưu trí do tính chất và mức độ phức tạp, nên BHXH TP.HCM kiến nghị không phân cấp cho BHXH quận, huyện. Bởi lẽ, tại BHXH quận, huyện ít cán bộ chuyên trách; hồ sơ sau đó cũng chuyển lên BHXH TP.HCM để thẩm định lại nên mất thêm thời gian.

Về quản lý người hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH, theo đại diện BHXH Việt Nam, hiện nay BHXH các tỉnh, thành phố đang quản lý khoảng 3,2 triệu người hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH hàng tháng… Tuy nhiên, vẫn còn một số tồn tại như người đã chết nhưng vẫn có tên trong danh sách chi trả (chiếm tỷ lệ 0,29%), số tiền đã thu hồi đến nay đạt 90,19%; người đã hết hạn hưởng nhưng vẫn còn tên trong danh sách chi trả; người hưởng BH thất nghiệp không đúng quy định nên phải thu hồi… Về vấn đề này, đại diện BHXH tỉnh Quảng Ngãi kiến nghị cần có kho dữ liệu chung; chặn trên toàn quốc tất cả các trường hợp bị thu hồi, không cho giải quyết. Đồng thời, thu hồi tại nơi NLĐ nộp hồ sơ giải quyết lần tiếp theo, thu hồi có thể ở bất kỳ nơi nào phát sinh giải quyết chế độ BHXH một lần…

Khắc phục tồn tại trong thực hiện chính sách

Tại Hội nghị, một số ý kiến cho rằng, hiện có một số vướng mắc, khó khăn trong thực hiện chính sách. Đơn cử: Chưa có hướng dẫn của cơ quan có thẩm quyền về giải quyết quyền lợi đối với NLĐ trong các DN có chủ bỏ trốn, mất tích; một số nội dung về chính sách phát sinh trong thực tế chưa được Luật BHXH điều chỉnh; một số quy định trong các văn bản hướng dẫn dưới Luật không thống nhất, gây khó khăn trong giải quyết chế độ.

Đại diện BHXH các địa phương phát biểu ý kiến tại Hội nghị

Đáng chú ý, công tác phòng chống lạm dụng, trục lợi quỹ ốm đau, thai sản, quỹ BH thất nghiệp tuy đã được quan tâm, nhưng kết quả chưa đạt như mong muốn. Tình trạng trục lợi vẫn còn xảy ra như: Thu gom sổ BHXH của NLĐ ở một số tỉnh phía Nam mà điển hình là ở Bình Dương; giả mạo hồ sơ giải quyết chế độ tử tuất (điển hình như vụ việc ở Quảng Bình); mua bán giấy chứng nhận nghỉ hưởng BHXH…

Nhận định về việc thực hiện chính sách BHXH thời gian qua, ông Phạm Trường Giang- Vụ trưởng Vụ BHXH (Bộ LĐ-TB&XH) cho rằng, việc giải quyết chế độ, chính sách là nền tảng, là xương sống quan trọng trong thực hiện chính sách BHXH, BHYT. Theo ông Giang, 3 mặt nổi bật trong công tác giải quyết chế độ, chính sách là BHXH các địa phương chủ động thực hiện chính sách rất tốt, nhất là từ năm 2014 trở đi; sự phối hợp giữa các bộ phận ở BHXH địa phương cũng tốt hơn rất nhiều. Qua đó, đã chủ động phát hiện những bất cập về chính sách để kiến nghị, đề xuất giải pháp. Ông Giang cũng đề nghị BHXH các địa phương cần tăng cường công tác quản lý, để hạn chế thấp nhất tình trạng lạm dụng, trục lợi; cũng như chủ động đánh giá vướng mắc để có hướng xử lý…

Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Phó Tổng Giám đốc Lê Hùng Sơn đánh giá cao nỗ lực của BHXH các địa phương trong thực hiện chính sách, chế độ BHXH, BHYT. Chia sẻ về những khó khăn, áp lực, Phó Tổng Giám đốc Lê Hùng Sơn cho rằng, BHXH các địa phương đã có nhiều sáng tạo đổi mới và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. “Yêu cầu BHXH các địa phương cái gì đúng phải làm ngay, làm kịp thời để phục vụ tốt nhất cho NLĐ; cái gì không sai mà có lợi cho NLĐ, cho dân thì phải hết sức làm chứ không máy móc. Cái gì xác định sai chế độ, chính sách thì có quan điểm rõ ràng và dứt khoát không làm”- Phó Tổng Giám đốc nói.

Phó Tổng Giám đốc Lê Hùng Sơn cũng yêu cầu BHXH các địa phương cần tăng cường phối hợp với các ngành, đơn vị liên quan kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong tổ chức thực hiện; chủ động báo cáo Đoàn đại biểu Quốc hội ở địa phương; linh động xử lý hoặc làm văn bản để BHXH Việt Nam trả lời. Đơn cử, đối với tình trạng mượn hồ sơ, tên tuổi để đi làm thì cần phân loại các trường hợp; với các trường hợp tình ngay lý gian cần xác minh sớm để “trả lại tên cho em”, đảm bảo quyền lợi cho NLĐ.

Tạp chí Bảo hiểm xã hội