Đề xuất giảm thời gian đóng BHXH tối thiểu giúp nhiều người có lương hưu
02/05/2021 08:39 PM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Đề xuất của Bộ LĐ-TB&XH về giảm dần số năm đóng BHXH tối thiểu để được hưởng lương hưu, nhằm thu hút hơn nữa lao động tham gia BHXH, đặc biệt lao động khu vực phi chính thức; đồng thời, sự linh hoạt trong thời gian đóng có thể giúp cho những người tham gia BHXH muộn có thể có cơ hội lựa chọn.
Thực tế cho thấy, vẫn có một số lượng lớn NLĐ khu vực phi chính thức chưa tham gia BHXH và vướng mắc nhất của họ chính là BHXH tự nguyện hiện mới chỉ có 2 chế độ hưởng (hưu trí, tử tuất), trong khi để hưởng lương hưu thì NLĐ phải tham gia BHXH ít nhất 20 năm trở lên. Do thu nhập không cao và bấp bênh, cùng với nhiều khoản chi khác nhau cho gia đình như việc học hành của con cái, chăm lo sức khỏe… nên rất nhiều lao động thuộc nhóm này còn băn khoăn trong việc tham gia với thời gian đóng dài.
Vì vậy, đề xuất của Bộ LĐ-TB&XH một mặt để thu hút hơn nữa lao động tham gia BHXH, đặc biệt lao động khu vực phi chính thức; mặt khác, sự linh hoạt trong thời gian đóng có thể giúp cho những người tham gia muộn có thể có cơ hội lựa chọn. “Việc linh hoạt thời gian đóng, đặc biệt cho những lao động có các đặc thù công việc rất khác nhau, là tạo điều kiện để mọi NLĐ có quyền lựa chọn việc tham gia như thế nào cho hợp lý nhất với hoàn cảnh của mình”- ông Long nhận định.
Tuy nhiên, thực hiện chính sách này cũng cần phải lưu tâm tới tác động trên thị trường lao động, bởi nếu NLĐ có sức khỏe và công việc tốt, thì việc tham gia thời gian quá ít có thể gây ra lãng phí nguồn lao động. Vì thế, nó đòi hỏi chúng ta phải linh hoạt trong việc NLĐ nếu muốn tiếp tục tham gia thì cần phải có cơ chế, chính sách tính toán lương hưu phù hợp. Có thể xem cách thiết kế hệ thống hưu trí của Nhật Bản- đó là hệ thống tuổi về hưu quy định 65, nhưng NLĐ có thể linh hoạt lựa chọn tuổi để về hưu (tất nhiên có khống chế độ tuổi với một số ngành, nghề nhất định) và họ sẽ hưởng mức lương hưu cao hơn khi thời gian đóng góp dài hơn. Đây cũng là giải pháp mà Chính phủ Nhật Bản khuyến khích lao động cao tuổi tiếp tục làm việc trong bối cảnh một quốc gia đã bước vào ngưỡng “siêu già”, lực lượng lao động trong nước bị giảm đi.
Cũng theo ông Giang Thanh Long, khi điều chỉnh thời gian đóng BHXH, cần tính toán rất kỹ về mức hưởng, bởi việc điều chỉnh thời gian đóng là tạo ra sự linh hoạt cho NLĐ để họ có thể lựa chọn thời gian mà mình có thể hưởng hưu. Tuy nhiên, NLĐ cũng cần phải lưu ý một điều rất quan trọng là, khi điều chỉnh thời gian đóng BHXH, thì mức hưởng hưu của họ cũng sẽ thay đổi. Bởi, do thời gian tích lũy khác nhau, nên tỷ lệ hưởng sẽ khác nhau- cụ thể thời gian đóng càng ít thì tỷ lệ hưởng càng thấp và ngược lại.
“Với các thông tin về quá trình đóng (số năm đóng), NLĐ có thể tính toán được tỷ lệ hưởng là bao nhiêu và cùng với quá trình đóng (mức đóng hàng năm), thì họ cũng có thể biết mức hưởng bao nhiêu khi mình nghỉ hưu ở một năm nào đó. Nói cách khác, mức lương hưu phụ thuộc vào thời gian đóng và mức đóng hàng năm, nên NLĐ phải xem xét một cách kỹ lưỡng mới có thể có mức hưởng phù hợp. Mức đóng cao nhưng thời gian đóng quá ngắn thì mức hưởng chưa chắc đã cao”- ông Long nói.
Ông Giang Thanh Long cho biết thêm, thiết kế của hệ thống hưu trí Việt Nam thể hiện quan hệ đóng-hưởng khá rõ ràng, nhưng không phải theo dạng tài khoản cá nhân (không giống tài khoản cá nhân trong ngân hàng- gửi bao nhiêu thì hưởng bấy nhiêu theo lãi suất và người gửi tự chịu rủi ro). Hệ thống hưu trí Việt Nam được thiết kế theo cơ chế tài chính PAYG (pay-as-you-go, tạm dịch là thực thanh thực chi), nghĩa là người đang tham gia hiện nay sẽ đóng tiền, quỹ BHXH sẽ sử dụng số tiền đó để chi trả cho những người đã về hưu và sau này người đóng góp (NLĐ tham gia) hiện nay về hưu thì lương hưu của họ sẽ được trả từ nguồn đóng của những lao động trong tương lai. Mức hưởng được điều chỉnh dựa trên mức đóng và thời gian đóng. Do đó, thiết kế này thể hiện tính chia sẻ trong hệ thống BHXH. Tất nhiên, mức độ chia sẻ như thế nào còn tùy thuộc vào cấu trúc của hệ thống ở mỗi giai đoạn (tức là tùy vào số người đóng, số người hưởng, mức đóng, mức hưởng, đầu tư quỹ…).
Tuy nhiên, chúng ta cũng phải lưu tâm tới kinh nghiệm của các nước đang đối mặt với dân số già nhanh như Nhật Bản, Hàn Quốc trong vận hành hệ thống này. Đó là, mức độ chia sẻ quá lớn lại trở thành gánh nặng với thế hệ tương lai tham gia BHXH, do số lượng người hưởng ngày càng nhiều, thời gian hưởng dài hơn, trong khi lực lượng lao động (đóng góp) lại giảm xuống. Với kinh nghiệm như thế, Việt Nam cần phải tính toán và thiết kế hệ thống cho phù hợp, thích ứng với dân số già nhanh trong một vài thập kỷ tới. "Phát triển hệ thống chính sách BHXH linh hoạt, đa dạng, đa tầng và có tích hợp với hệ thống giúp xã hội như chủ trương của Nghị quyết số 28 là hết sức hợp lý và cần được triển khai hiệu quả"- ông Long nói thêm.
Tạp chí Bảo hiểm xã hội
“Hướng dẫn cái đặt và đăng ký tài khoản VssID - ...
Bảo hiểm xã hội tỉnh Đắk Lắk nỗ lực phát triển ...
Sử dụng hình ảnh thẻ BHYT trên ứng dụng VSSID
Giới thiệu BHXH VN tiếng Việt
Giới thiệu ứng dụng VssID Bảo hiểm xã hội số