Cần tiếp tục nâng cao đời sống NLĐ

05/05/2021 10:50 PM


“Nâng cao đời sống vật chất, tinh thần và cải thiện điều kiện làm việc của NLĐ là giải pháp căn cơ và mang tính bền vững, để giảm tình trạng nhận BHXH một lần”. Đó là ý kiến của ông Lê Đình Quảng- Phó Trưởng ban Quan hệ Lao động (Tổng LĐLĐ Việt Nam).

Vì đâu phải nhận BHXH một lần?

Ngày nào cũng vậy, tầm 8-9 giờ sáng, bà Phạm Thị Hồng (phường Phú Thượng, Tây Hồ, Hà Nội) đã bán hết sạch 3 thúng xôi Phú Thượng- thương hiệu quen thuộc với người Hà Nội. Sau đó, bà tất bật chạy ra chợ mua gạo, đỗ, lạc… chuẩn bị cho buổi hàng sớm hôm sau. Bà Hồng kể rằng, hồi trẻ bà làm công nhân cho Công ty Giày Thượng Đình (Thanh Xuân, Hà Nội), đến năm 2016 khi Công ty thực hiện cổ phần hóa thì bà cũng đã ngoài 40 tuổi và đóng BHXH được 18 năm. Do khó tiếp cận với công nghệ mới, nên bà xin chuyển sang làm công việc giản đơn và chấp nhận lương thấp. Lương của cả 2 vợ chồng thấp, lại phải nuôi 2 con nhỏ đang độ tuổi đi học, nên bà quyết định nghỉ việc, hưởng BHXH một lần với số tiền gần 40 triệu đồng để làm vốn “khởi nghiệp” bán xôi sáng.

Tích lũy thời gian tham gia BHXH chính là lo cho tương lai

Với bà Lê Thị Chi, giờ đây, mặc dù được con mua cho căn hộ chung cư ở phường Nghĩa Đô (quận Cầu Giấy, TP.Hà Nội) và được chu cấp tiền chi tiêu sinh hoạt, nhưng bà vẫn không an tâm, vì không tự làm chủ được cuộc sống của mình. Bà Chi từng là công nhân Xí nghiệp Kẹo Hà Nội (sau này là Công ty Bánh kẹo Tràng An)… Năm 2004, do Công ty chuyển địa điểm lên KCN Thạch Thất, cách xa nhà, sức khỏe lại suy giảm, đi lại khó khăn nên bà Chi quyết định xin nghỉ việc và nhận BHXH một lần. Bây giờ tuổi cao sức yếu, lại không có lương hưu, không có thẻ BHYT, bà luôn cảm thấy cuộc sống thật chông chênh. “Thôi thì đành phải phụ thuộc, cậy nhờ con cháu vậy!”- bà Chi bùi ngùi chia sẻ.

Theo ông Lê Đình Quảng- Phó Trưởng ban Quan hệ Lao động (Tổng LĐLĐ Việt Nam), có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc NLĐ nhận BHXH một lần, trước hết là do một bộ phận còn nghèo, mức thu nhập thấp, đời sống khó khăn. Khảo sát của Tổng LĐLĐ Việt Nam về tiền lương, thu nhập của NLĐ cho thấy, hầu hết NLĐ có thu nhập chỉ đủ chi tiêu cho cuộc sống hằng ngày hoặc phải rất tằn tiện mới đủ. Do đó, nhiều người phải làm thêm giờ, thêm việc mới đủ trang trải cho sinh hoạt cuộc sống. Cũng vì vậy, nhiều NLĐ thường nghĩ đến khoản BHXH đã đóng góp, để rồi vội vã lựa chọn hưởng BHXH một lần sau khi nghỉ việc. Trong khi đó, một số DN khi thực hiện cổ phần hóa luôn có xu hướng chọn lọc lao động, tìm cách “thải loại” những NLĐ nhiều tuổi (trên 35 tuổi) để giảm thiểu chi phí, tăng năng suất lao động, khiến nhiều NLĐ cao tuổi rất khó có cơ hội tìm việc ở các đơn vị, DN khác.

Ngoài ra, theo ông Lê Đình Quảng, còn một nguyên nhân khác đó là hệ thống chính sách BHXH chưa linh hoạt nên còn có NLĐ chưa thực sự  “mặn mà” gắn bó lâu dài đến tuổi nghỉ hưu. Theo quy định của pháp luật hiện hành, NLĐ muốn hưởng chế độ hưu trí phải có ít nhất 20 năm đóng BHXH và đảm bảo tuổi đời theo quy định. Trong khi tuổi đời của số đông NLĐ khi nghỉ việc còn khá trẻ, họ rất khó kiên nhẫn, khó theo đuổi chờ đến lúc đóng BHXH đủ 20 năm để hưởng chế độ hưu trí. Ngoài ra, các quy định về thủ tục hồ sơ, điều kiện hưởng BHXH một lần hiện nay khá dễ dàng cũng góp phần gia tăng tình trạng hưởng BHXH một lần.

Hưởng BHXH một lần, NLĐ thiệt “kép”

Cũng theo ông Lê Đình Quảng, khi quyết định nhận BHXH một lần, NLĐ sẽ bị thiệt hại quyền lợi cả trước mắt và lâu dài. Họ sẽ mất đi cơ hội hưởng lương hưu và chẳng có gì đảm bảo cho cuộc sống của họ lúc tuổi già. Bởi theo quy định của pháp luật, tổng mức đóng BHXH vào quỹ hưu trí là 22% mức tiền lương tháng (NLĐ đóng 8% và người SDLĐ đóng 14%). Tổng mức đóng vào quỹ BHXH hàng năm bằng 2,64 tháng lương, nên nếu hưởng BHXH một lần, thì NLĐ chỉ được thanh toán bằng 2 tháng lương cho một năm tham gia BHXH. Như vậy, NLĐ đã “mất đứt” 0,64 tháng lương mỗi năm. Nếu so sánh giữa việc hưởng lương hưu hàng tháng và việc lĩnh BHXH một lần (trong cùng một khoảng thời gian đóng BHXH), thì tổng lợi ích hưởng lương hưu hàng tháng sẽ cao hơn nhiều. Về lâu dài, khi hưởng chế độ hưu trí, ngoài việc được hưởng lương hưu hàng tháng, NLĐ còn được cấp thẻ BHYT, không may ốm đau đã có quỹ BHYT chi trả tới 95% chi phí KCB.

Nhiều hệ lụy nếu NLĐ quyết định nhận BHXH một lần

Song, đáng tiếc, số người hưởng BHXH một lần ở nước ta hiện nay đang tiếp tục xu hướng gia tăng, đặc biệt trong 5 năm gần đây (năm 2006 chỉ có 240.191 người hưởng BHXH một lần- chiếm 3,82% số người tham gia BHXH, thì đến năm 2016 tăng lên 665.306 người- chiếm 4,7%. Do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, năm 2020, số người hưởng BHXH một lần tăng lên 897.000 người- chiếm 5,57%).

Ông Lê Đình Quảng cho rằng, để đảm bảo an sinh xã hội bền vững, cần khắc phục những tồn tại của chính sách BHXH một lần, đồng thời tạo sự hấp dẫn để NLĐ chủ động gắn bó lâu dài với hệ thống BHXH. Cùng với đó, hệ thống BHXH phải được hoàn thiện theo hướng linh hoạt, đa dạng, đa tầng, hiện đại, hội nhập quốc tế; cần thiết kế chính sách theo hướng tăng quyền lợi nếu NLĐ bảo lưu thời gian tham gia BHXH để hưởng chế độ hưu trí; giảm điều kiện thời gian tham gia BHXH tối thiểu để hưởng chế độ hưu trí… Đặc biệt, cần điều chỉnh cách tính lương hưu theo nguyên tắc đóng-hưởng, công bằng, bình đẳng, chia sẻ và bền vững.

Ngoài ra, cần phải tăng cường giám sát, kiểm tra, thanh tra và xử lý nghiêm những hành vi vi phạm pháp luật về BHXH. Bởi, khi các đơn vị, DN nợ đóng, chậm đóng, trốn đóng BHXH thì NLĐ chính là người chịu thiệt.

Nghị quyết số 27-NQ/TW về cải cách chính sách tiền lương đối với CBCCVC, LLVT và NLĐ trong DN đã xác định: “Tiền lương phải thực sự là nguồn thu nhập chính bảo đảm đời sống NLĐ và gia đình người hưởng lương; trả lương đúng là đầu tư cho phát triển nguồn nhân lực, tạo động lực nâng cao năng suất lao động và hiệu quả làm việc của NLĐ, góp phần quan trọng thực hiện tiến bộ và công bằng xã

Tạp chí Bảo hiểm xã hội