Tính thời gian hưởng BHXH đối với người đã có thời gian phục vụ trong quân đội, công an

13/05/2021 10:50 PM


Tính thời gian hưởng bảo hiểm xã hội (BHXH) đối với người lao động đã từng có thời gian công tác trong lực lượng quân đội, công an không phải là quy định mới, tuy nhiên, nội dung này được quy định ở nhiều văn bản, quy định chuyển tiếp thể hiện qua nhiều giai đoạn, vì thế rất nhiều đơn vị và người lao động không nắm bắt được quy định, chưa hiểu rõ quy trình thiết lập hồ sơ đề nghị công nhận thời gian công tác nên đã ảnh hưởng không nhỏ đến quyền lợi của người lao động.

Ảnh minh họa (Nguồn Internet)

Theo quy định hiện nay, người lao động tham gia BHXH bắt buộc (trừ người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn) mà trước đây có thời gian công tác trong quân đội, công an, đã phục viên, xuất ngũ, thôi việc trước ngày 15/12/1993; hoặc đã phục viên, xuất ngũ, thôi việc từ sau ngày 15/12/1993 đến trước ngày 31/12/1994 mà chưa giải quyết trợ cấp thôi việc hoặc trợ cấp một lần, trợ cấp xuất ngũ, phục viên, BHXH một lần thì thời gian phục vụ trong quân đội, công an được tính là thời gian hưởng BHXH, nếu sau khi phục viên, xuất ngũ, thôi việc chưa được giải quyết hưởng các chế độ theo các quyết định sau đây của Thủ tướng Chính phủ:

- Quyết định số 47/2002/QĐ-TTg ngày 11/4/2002 về chế độ đối với quân nhân, công nhân viên quốc phòng tham gia kháng chiến chống Pháp đã phục viên (giải ngũ, thôi việc) từ ngày 31/12/1960 trở về trước;

- Điểm a Khoản 1 Điều 1 của Quyết định số 290/2005/QĐ-TTg ngày 08/11/2005 về chế độ, chính sách đối với một số đối tượng trực tiếp tham gia kháng chiến chống Mỹ cứu nước nhưng chưa được hưởng chế độ, chính sách của Đảng và Nhà nước;

- Quyết định số 92/2005/QĐ-TTg ngày 29/4/2005 về thực hiện chế độ đối với quân nhân là người dân tộc ít người thuộc Quân khu 7, Quân khu 9, tham gia kháng chiến chống Mỹ, về địa phương trước ngày 10/01/1982;

- Quyết định số 142/2008/QĐ-TTg ngày 27/10/2008 về thực hiện chế độ đối với quân nhân tham gia kháng chiến chống Mỹ cứu nước có dưới 20 năm công tác trong quân đội đã phục viên, xuất ngũ về địa phương;

- Quyết định số 38/2010/QĐ-TTg ngày 06/5/2010 về việc sửa đổi, bổ sung Quyết định số 142/2008/QĐ-TTg ngày 27/10/2008.

- Quyết định số 53/2010/QĐ-TTg ngày 20/8/2010 về chế độ đối với cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân tham gia kháng chiến chống Mỹ có dưới 20 năm công tác trong Công an nhân dân đã thôi việc, xuất ngũ về địa phương;

- Quyết định số 62/2011/QĐ-TTg ngày 09/11/2011 về chế độ, chính sách đối với đối tượng tham gia chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, làm nhiệm vụ quốc tế ở Căm-pu-chi-a, giúp bạn Lào sau ngày 30/4/1975 đã phục viên, xuất ngũ, thôi việc.

Về hồ sơ đề nghị tính cộng nối thời gian công tác trong quân đội, công an: Trên cơ sở đề nghị của người lao động, đơn vị và cá nhân cần cung cấp Lý lịch cán bộ, công nhân, viên chức; Quyết định phục viên xuất ngũ, thôi việc; Xác nhận (của cơ quan Quân sự địa phương hoặc cơ quan Công an) về việc chưa hưởng chế độ theo các quyết định nêu trên của Thủ tướng Chính phủ, trường hợp người lao động đã hưởng chế độ theo các quyết định trên, sau đó hoàn trả lại tiền trợ cấp để tính cộng nối thời gian tham gia BHXH thì chỉ cần cung cấp Quyết định hoàn trả tiền của cơ quan Quân sự hoặc Công an. Ngoài ra, người lao động còn cần phải kê khai rõ cấp bậc, chức vụ, mức lương, nơi công tác trong thời gian phục vụ trong quân đội, công an để cơ quan BHXH có cơ sở để giải quyết các chế độ cho người lao động.

Việc tính cộng nối thời gian công tác trong quân đội, công an để hưởng BHXH cho người lao động là chính sách ưu việt, nhằm ghi nhận công lao của những người đã cống hiến tuổi thanh xuân cho sự nghiệp đấu tranh bảo vệ Tổ quốc, vì vậy, người lao động và đơn vị cần quan tâm, xem xét đề nghị cộng nối thời gian đối với các trường hợp đủ điều kiện để đảm bảo quyền lợi cho người lao động./.

Trương Văn Bá