Trục lợi BH thất nghiệp- Cách nào ngăn chặn? Bài 1 Số người hưởng BH thất nghiệp tăng đột biến

27/05/2021 09:24 PM


Khi dịch COVID-19 hoành hành, chính sách BH thất nghiệp đã thể hiện rõ vai trò giúp NLĐ bù đắp một phần thu nhập, có tiền trang trải cuộc sống trước mắt. Theo đó, từ năm 2020 đến nay, số tiền chi trả trợ cấp thất nghiệp (TCTN) tại một số địa phương tăng đột biến. Tuy nhiên, chính sách này đang bộc lộ nhiều bất cập, kẽ hở, dễ bị lạm dụng.

Phát huy vai trò

Mới đây, anh N.M.Đ ở TP.Rạch Giá (Kiên Giang) đến Trung tâm DVVL tỉnh Kiên Giang để thực hiện thủ tục hưởng BH thất nghiệp. Sau khi cung cấp thông tin, anh Đ. được nhân viên của Trung tâm DVVL hướng dẫn các thủ tục, rồi nhập dữ liệu và in tờ đề nghị hưởng TCTN. “Thủ tục hiện nay nhanh gọn hơn trước rất nhiều. Số tiền hưởng BH thất nghiệp khoảng 30 triệu đồng giúp tôi rất nhiều, để vượt qua giai đoạn khó khăn”- anh Đ. chia sẻ.

 

BH thất nghiệp giúp nhiều người vượt qua giai đoạn khó khăn do mất việc làm

Theo thống kê của một số Trung tâm DVVL, phần lớn NLĐ làm thủ tục hưởng TCTN là lao động phổ thông, chưa qua đào tạo nghề, làm việc trong các ngành nghề như dệt may, da giày… Trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, chính sách BH thất nghiệp đã phát huy tối đa hiệu quả, giúp nhiều NLĐ bù đắp thu nhập, có tiền trang trải cuộc sống. Đơn cử như tại Đồng Nai, trung bình mỗi NLĐ mất việc làm được nhận khoảng 20 triệu đồng TCTN.

Theo đánh giá của BHXH tỉnh Đồng Nai, trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 đã, đang và sẽ tác động lớn đến tình hình kinh tế- xã hội, nhiều DN buộc phải tạm dừng hoạt động hoặc thu hẹp quy mô sản xuất; khiến nhiều NLĐ mất việc làm, ảnh hưởng tới thu nhập và đời sống. Chính trong thời điểm này, khoản tiền TCTN đã thực sự phát huy vai trò, tính ưu việt của mình khi góp phần bù đắp những tổn thất về mặt tài chính cho NLĐ mất việc làm; giúp họ đảm bảo duy trì cuộc sống; đồng thời còn giúp người SDLĐ không bị áp lực về tài chính vì không phải chi trả trợ cấp thôi việc. Bên cạnh đó, trong chính sách BH thất nghiệp còn có chế độ hỗ trợ học nghề, tư vấn giới thiệu việc làm… giúp NLĐ có cơ hội tìm kiếm việc làm mới, nâng cao tay nghề và sớm quay trở lại thị trường lao động.

Chi trả BH thất nghiệp tăng đột biến

Điều dễ nhận thấy, dịch bệnh COVID-19 đã khiến cho NLĐ bị mất việc làm và có nhu cầu hưởng trợ cấp thất nghiệp tăng cao, dẫn tới số tiền chi trả TCTN tăng đột biến. Tại Đồng Nai, trong quý I/2021 có tới 71.872 lượt người hưởng TCTN, với số tiền chi trả lên tới 318 tỷ đồng- tăng 17% về số người hưởng và tăng 59% về số tiền chi trả so với quý I/2020.

 

NLĐ tại Đồng Nai làm thủ tục hưởng BH thất nghiệp

Trước đó, trong năm 2020, toàn tỉnh Đồng Nai có 291.063 lượt người hưởng TCTN, với số chi gần 1.179 tỷ đồng- tăng 42,2% về số người hưởng và tăng 36,9% về số tiền so với năm 2019. Số liệu thống kê cho thấy, năm 2020 là năm có mức tăng cao nhất tại Đồng Nai kể từ khi triển khai thực hiện chính sách BH thất nghiệp. Việc chi hỗ trợ học nghề tại Đồng Nai trong thời gian qua cũng gia tăng: Năm 2020 có 5.189 lượt người được chi hỗ trợ học nghề, với số tiền do quỹ BH thất nghiệp chi trả là 5,2 tỷ đồng- tăng 11,6% về số người hưởng so với năm 2019…

Tại TP.HCM, năm 2020 có 197.093 lượt người hưởng BH thất nghiệp- tăng 7,19% so với năm 2018 và tăng 3,9% so với năm 2019. Tổng số tiền do quỹ BH thất nghiệp chi trả trong năm 2020 là hơn 3.968 tỷ đồng- tăng 54,9% so với năm 2018 và tăng 27,22% so với năm 2019.

Tại Long An, trong năm 2020 có 35.600 lượt người hưởng TCTN, với số tiền do quỹ BH thất nghiệp chi trả gần 533 tỷ đồng- tăng 10.357 lượt người so với năm 2019. Quý I/2021, tỉnh Long An cũng có tới 3.824 lượt người hưởng TCTN với số tiền 160,5 tỷ đồng- tăng 12% về số người hưởng so với cùng kỳ năm 2020. Bên cạnh đó, BHXH tỉnh đã chi hỗ trợ học nghề năm 2020 cho 773 lượt người và quý I/2021 cho 132 lượt người.

Đẩy mạnh phối hợp giải quyết BH thất nghiệp

Theo ông Lê Thành Liếp- Phó Giám đốc BHXH tỉnh Long An, để tăng hiệu quả giải quyết BH thất nghiệp, BHXH tỉnh Long An đã chủ động ứng dụng các phần mềm của Ngành, nhằm đảm bảo công tác quản lý và chi trả TCTN được hiệu quả. Công tác phối hợp giữa Sở LĐ-TB&XH, Trung tâm DVVL với BHXH tỉnh cũng rất nhịp nhàng, thuận lợi, nên đã kịp thời xử lý những vướng mắc, góp phần đảm bảo quyền lợi của NLĐ theo đúng quy định pháp luật; đồng thời hạn chế được tình trạng NLĐ phải đi lại nhiều lần nếu hồ sơ BH thất nghiệp có vướng mắc.

Cũng theo ông Liếp, với việc lập danh sách chi trả tháng đầu tiên, hằng ngày, BHXH tỉnh Long An nhận dữ liệu và quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp từ Trung tâm DVVL; sau đó tiến hành rà soát, đối chiếu với dữ liệu đóng BHXH trên phần mềm để xác định tình trạng tham gia BHXH của NLĐ và thông báo lại cho Trung tâm DVVL. Đồng thời, BHXH tỉnh nhận thông tin từ Trung tâm DVVL về số người không đến nhận quyết định, để không đưa vào danh sách chi trả tháng đầu tiên. Trước khi lập danh sách chi trả từ tháng thứ 2 trở đi, sẽ tiến hành rà soát tình trạng việc làm của người đang hưởng TCTN. Nếu phát hiện người hưởng đang có việc làm (đang tham gia BHXH), sẽ tiến hành tạm dừng hưởng trong phần mềm; đồng thời có công văn gửi Sở LĐ-TB&XH và Trung tâm DVVL thông báo việc tạm dừng chi trả do NLĐ có việc làm.

Đáng chú ý, việc phối hợp trước khi ra quyết định hưởng TCTN cũng được thực hiện chặt chẽ. Hằng ngày, khi Trung tâm DVVL gửi dữ liệu người đến nộp hồ sơ hưởng TCTN, BHXH tỉnh sẽ rà soát, đối chiếu và lập danh sách những trường hợp không đủ điều kiện hưởng hoặc vi phạm điều kiện hưởng (còn quá trình đóng BH thất nghiệp chưa hưởng trên nhiều sổ BHXH, chưa gộp sổ BHXH, đang tham gia BHXH, thời gian không khớp đúng giữa sổ BHXH và dữ liệu trong phần mềm…). Thông qua danh sách này, giúp Trung tâm DVVL có cơ sở hướng dẫn NLĐ hoàn tất thủ tục trước khi ra quyết định hưởng hoặc rút hồ sơ đề nghị hưởng TCTN, nhằm hạn chế tình trạng phải hủy quyết định hưởng do vi phạm quy định pháp luật.

Tạp chí Bảo hiểm xã hội