Trục lợi BH thất nghiệp- Cách nào ngăn chặn? Bài cuối Cần gấp rút hoàn thiện cơ chế

04/06/2021 08:18 AM


Để chính sách BH thất nghiệp thực sự là chỗ dựa vững chắc cho NLĐ, các chuyên gia cho rằng, phải gấp rút hoàn thiện cơ chế để phát huy hiệu quả của chính sách này.

Kết nối liên thông dữ liệu- yêu cầu cấp bách

Theo BHXH tỉnh Đồng Nai, thời gian qua, việc lập danh sách chi trả và thu hồi trợ cấp thất nghiệp (TCTN) do hưởng sai trên địa bàn tỉnh Đồng Nai được chú trọng thực hiện đúng theo quy định pháp luật và hướng dẫn của BHXH Việt Nam. Thời gian chi trả TCTN tháng đầu tiên đảm bảo trong thời hạn 5 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được quyết định hưởng TCTN; từ tháng thứ hai trở đi lập danh sách chi trả TCTN theo ngày hưởng. Còn về hình thức chi trả, 100% người hưởng TCTN sẽ nhận tiền qua tài khoản cá nhân (ATM).

 

NLĐ đang làm thủ tục hưởng BH thất nghiệp (Ảnh minh họa)

Bên cạnh đó, các phòng nghiệp vụ và BHXH cấp huyện trên địa bàn Đồng Nai cũng có sự phối hợp chặt chẽ trong việc cấp thẻ BHYT cho người hưởng TCTN; chi trả TCTN trực tiếp qua tài khoản cá nhân của người hưởng; việc rà soát tình trạng có việc làm của người đang hưởng TCTN (đối chiếu, rà soát giữa phần mềm TST và phần mềm TCS của Ngành) làm cơ sở để tạm dừng chi trả, lập danh sách người hưởng có việc làm chuyển Sở LĐ-TB&XH xem xét ban hành quyết định chấm dứt, thu hồi TCTN.

Theo nhận định của BHXH một số địa phương, hiện nay phần mềm chính sách (TCS) đã cơ bản hoàn thiện các chức năng, đáp ứng được yêu cầu quản lý, kiểm soát người hưởng TCTN. Qua đó, liên kết với phần mềm thu- sổ thẻ (TST) để kiểm tra điều kiện, thời gian, mức hưởng các chế độ BH thất nghiệp, kiểm tra tình trạng có việc làm, đối soát với việc hưởng các chế độ hàng tháng. Công tác chi trả và thu hồi TCTN cũng có sự phối hợp chặt chẽ giữa cơ quan BHXH, Sở LĐ-TB&XH và Trung tâm DVVL. Tuy nhiên, vẫn còn khó khăn do phần mềm giải quyết hưởng BH thất nghiệp tại Trung tâm DVVL chưa kết nối dữ liệu, chia sẻ thông tin với cơ quan BHXH để phục vụ cho công tác quản lý và chi trả các chế độ.

Theo đại diện BHXH TP.HCM, Sở LĐ-TB&XH là đơn vị ban hành quyết định hưởng TCTN, nhưng khó xác định được trường hợp nào đang có việc làm, mà chủ yếu dựa vào dữ liệu tham gia BHXH của cơ quan BHXH. Điều này dẫn đến việc xác định chưa đúng đối tượng thất nghiệp (người không có việc làm hoặc có việc làm nhưng chưa hoặc không tham gia BHXH bắt buộc). Hệ quả là, sau khi giải quyết và chi trả TCTN xong thì mới phát hiện sai đối tượng và phải thu hồi lại tiền. Trong khi đó, việc thu hồi rất khó khăn, tỷ lệ thu hồi thấp, nhất là không xác định được trách nhiệm chính là của cơ quan nào.

Đại diện BHXH tỉnh Đồng Nai cũng cho biết, phần mềm quản lý BH thất nghiệp của ngành LĐ-TB&XH hiện chưa được kết nối với dữ liệu thu- chi BH thất nghiệp của cơ quan BHXH. Do đó, chưa thực sự tạo điều kiện thuận lợi cho NLĐ trong việc hưởng các chế độ BH thất nghiệp cũng như chưa giảm bớt được các TTHC và kiểm tra, giám sát. Quy định về khai báo tình trạng việc làm đối với NLĐ đang hưởng chế độ TCTN cũng chưa có cơ chế kiểm tra, kiểm soát, mà hiện nay các Trung tâm DVVL chủ yếu căn cứ vào lời khai của NLĐ và dữ liệu rà soát từ cơ quan BHXH chuyển sang, nên việc ban hành các quyết định chấm dứt, thu hồi và thực hiện các quyết định thu hồi còn chậm trễ. Vì vậy, theo BHXH tỉnh Đồng Nai, dữ liệu giữa 2 ngành cần sớm kết nối liên thông, giúp cho việc đóng- hưởng BH thất nghiệp được kiểm tra, kiểm soát ngay từ khâu tiếp nhận hồ sơ đề nghị hưởng TCTN, qua đó hạn chế được tình trạng chi sai quy định.

Sửa đổi về chế độ, chính sách

Ông Phạm Minh Thành- Giám đốc BHXH tỉnh Đồng Nai cũng cho rằng, Nhà nước cần nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung chính sách BH thất nghiệp trong Luật Việc làm theo hướng: Hỗ trợ, khuyến khích DN và NLĐ gắn kết lâu dài và duy trì việc làm; hạn chế dịch chuyển lao động, nhanh chóng đưa NLĐ thất nghiệp trở lại thị trường lao động. Đồng thời, cần khắc phục tình trạng gian lận, trục lợi BH thất nghiệp, phát huy đầy đủ các chức năng của BH thất nghiệp, bảo đảm BH thất nghiệp thực sự là công cụ quản trị thị trường lao động.

Theo ông Phạm Minh Thành, chính sách BH thất nghiệp phải gắn chặt chẽ với chính sách thị trường lao động như các chương trình việc làm, đào tạo và đào tạo lại tay nghề cho NLĐ nhằm giúp NLĐ thất nghiệp sớm có cơ hội tìm việc làm mới. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, số người hưởng TCTN được hỗ trợ học nghề còn thấp (chỉ chiếm khoảng 2%), việc đào tạo mới và đào tạo lại tay nghề cho NLĐ còn rất nhiều hạn chế, chủ yếu người hưởng TCTN tham gia học các nghề lái xe, nấu ăn, trang trí… nên không phù hợp với nhu cầu của thị trường lao động. Đáng chú ý, đến nay trên địa bàn tỉnh Đồng Nai chưa giải quyết hồ sơ nào liên quan đến chính sách hỗ trợ kinh phí đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho NLĐ (được quy định tại Điều 47 Luật Việc làm). Do đó, ông Thành kiến nghị nên chú trọng vào đào tạo nghề, nghiên cứu và định hướng nghề, dự báo nhu cầu lao động, ngành nghề và giới thiệu việc làm mới cho NLĐ thất nghiệp.

Mặt khác, trong tổ chức thực hiện chính sách BH thất nghiệp còn những bất cập, đặc biệt về mặt quản lý do 2 cơ quan cùng thực hiện. Cơ quan BHXH thực hiện thu- chi; cơ quan LĐ-TB&XH thực hiện tiếp nhận hồ sơ và ra quyết định hưởng. Đến nay, mô hình này đã bộc lộ những bất cập, không quản lý được đối tượng hưởng TCTN có việc làm; chưa đáp ứng được sự hài lòng của NLĐ (NLĐ phải đi lại nhiều lần…). Từ thực tiễn đó, BHXH tỉnh Đồng Nai kiến nghị cần phải có sự thay đổi để dễ dàng, thuận tiện cho cả cơ quan quản lý và NLĐ thụ hưởng chính sách. Theo đó, nên giao hẳn việc thực hiện chính sách BH thất nghiệp cho một cơ quan thực hiện.

Bên cạnh đó, việc giải quyết hưởng TCTN hiện nay của Trung tâm DVVL thực hiện theo hình thức trực tiếp; việc bàn giao các quyết định, danh sách giữa Sở LĐ-TB&XH, Trung tâm DVVL với cơ quan BHXH thực hiện theo hình thức thủ công (chuyển giao theo hình thức trực tiếp, văn bản giấy) tốn nhiều thời gian, đôi khi chậm trễ... Do vậy, Bộ LĐ-TB&XH cần triển khai thực hiện giao dịch điện tử trong giải quyết chính sách BH thất nghiệp theo quy định tại Nghị định 166/2016/NĐ-CP; tăng cường cải cách TTHC và ứng dụng CNTT trong quản lý, để rút ngắn thời gian thực hiện TTHC về giải quyết và chi trả TCTN, tăng năng suất lao động, cũng như tạo được sự hài lòng của DN và NLĐ.

Tạp chí Bảo hiểm xã hội