Nhận BHXH một lần- “của để dành” sớm tiêu tan Bài 1 Còn đâu “của để dành”?

24/06/2021 11:10 AM


Đóng BHXH được coi như “của để dành” của NLĐ cho đến khi hết tuổi lao động. Tuy nhiên, thời gian gần đây, do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, số NLĐ nhận BHXH một lần có chiều hướng gia tăng, làm ảnh hưởng đến quyền lợi trước mắt và lâu dài của chính họ. Trước thực trạng này, ngành BHXH Việt Nam đang tăng cường công tác tuyên truyền, khuyến cáo NLĐ nên cân nhắc, đừng vì cái lợi trước mắt mà bỏ lỡ cơ hội được hưởng lương hưu để lo cho cuộc sống và sức khỏe của chính mình khi hết tuổi lao động.

Bi hài chuyện “gặt lúa non”

Sau 6 năm làm kỹ thuật viên tại Công ty CP Truyền hình cáp Hà Tĩnh, anh Trương Đức Thọ (phường Hà Huy Tập, TP.Hà Tĩnh) xin nghỉ việc và trở thành lao động tự do. Dù đã được tư vấn chuyển sang đóng tiếp BHXH tự nguyện, nhưng anh Thọ vẫn nộp hồ sơ đề nghị giải quyết BHXH một lần. Anh Thọ cho biết: “Hiện tại, công việc của tôi không ổn định, tình hình dịch bệnh COVID-19 lại có nhiều diễn biến mới, nên cuộc sống gia đình khá khó khăn. Tôi cũng đã nghiên cứu đến phương án xin bảo lưu thời gian đóng để sau này khi tình hình ổn định có thể đóng tiếp, nhưng cũng muốn nhận tiền một lần để giải quyết khó khăn trước mắt”.

 

Tư vấn việc làm cho NLĐ

Chị Lê Thị Lan- công nhân may ở KCN Phú Bài (Thừa Thiên Huế) tham gia BHXH cũng đã được gần 6 năm. Cách đây 2 năm, sau khi sinh con, chị xin nghỉ việc ở công ty, rồi tự bươn chải đi làm thuê kiếm thêm thu nhập đắp đổi qua ngày. Chị cũng định bụng cất sổ BHXH để sau này công việc ổn định sẽ tham gia BHXH bắt buộc hoặc tự nguyện để có lương hưu. Thế nhưng, bước qua năm 2020, dịch COVID-19 khiến công việc bấp bênh, chị Lan lại quyết định nộp hồ sơ đề nghị hưởng BHXH một lần, dù nhiều lần chị được cán bộ BHXH tư vấn nên bảo lưu thời gian đã đóng BHXH.

Thống kê cho thấy, vào năm 2020, mỗi tháng trên địa bàn TP.Huế có trên 200 NLĐ nhận trợ cấp BHXH một lần. Con số nhận BHXH một lần tiếp tục tăng khi dịch bệnh COVID-19 ập đến. Bên cạnh những người có thời gian đóng BHXH ít (2-3 năm), còn có những người đã đóng BHXH được 18 năm- gần đủ thời gian hưởng lương hưu, cũng đến làm thủ tục nhận BHXH một lần. Thậm chí, có ngày cán bộ BHXH tại bộ phận “Một cửa” đành bất lực khi không thể giải thích xuể cho NLĐ về tác hại của việc nhận BHXH một lần. Riêng trong 4 tháng đầu năm 2021, số NLĐ nhận BHXH một lần ở Thừa Thiên Huế tăng hơn 25% so với cùng kỳ năm 2020.

Thời gian qua, BHXH tỉnh Quảng Trị cũng đã tích cực tư vấn, thông tin về lợi ích của chính sách BHXH; đồng thời thuyết phục, vận động NLĐ không nhận BHXH một lần. Tuy nhiên, nhiều người vẫn quyết định nhận BHXH một lần để giải quyết khó khăn trước mắt, mà không nhận thức được những thiệt thòi về lâu dài.

Chị Trần Thị Lệ (xã Triệu Lăng, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị) từng có 4 năm 10 tháng làm việc tại Công ty TNHH PouYuen Việt Nam. Sau khi nghỉ việc, chị nhận BHXH một lần được 49,7 triệu đồng, cộng với khoản hệ số trượt giá hằng năm là 5 triệu đồng. “Tôi cũng nhận thức được việc không tham gia BHXH sẽ ảnh hưởng nhiều đến quyền lợi của mình. Tuy nhiên, vì hoàn cảnh cá nhân, tôi buộc phải nghỉ việc về quê. Sau này có nguồn thu nhập ổn định, tôi sẽ cân nhắc việc tham gia BHXH tự nguyện từ đầu”- chị Lệ chia sẻ.

Chị Nguyễn Thị Thu (xã Tân Liên, huyện Hướng Hóa, Quảng Trị) cũng vừa được cơ quan BHXH giải quyết hưởng BHXH một lần. Trước đây, chị Thu đi làm công nhân ở tỉnh khác, sau khi về quê sinh con cũng quyết định nghỉ việc và nhận BHXH một lần. Chị Thu cho biết: “Ban đầu nhận chế độ BHXH một lần, có được số tiền để trang trải cuộc sống, nuôi con cũng thấy mừng. Nhưng bây giờ, khi làm nghề buôn bán tự do, không có điều kiện đóng BHXH tôi mới thấy thiệt thòi”.

Quá nhiều hệ lụy

Chứng kiến cảnh NLĐ xếp hàng làm thủ tục nhận BHXH một lần tại BHXH tỉnh Thừa Thiên Huế, chúng tôi lại chạnh lòng, bởi không biết trong số này có mấy người sẽ có cuộc sống vững vàng khi không có lương hưu. Những năm qua, không chỉ ở Thừa Thiên Huế nói riêng, mà nhiều NLĐ trong cả nước đã phải rất vất vả mưu sinh và ân hận vì đã trót nhận “một cục”. Trước khó khăn của tuổi già không có lương hưu, nhiều người bày tỏ mong muốn xin trả lại khoản tiền BHXH một lần để được hưởng lương hưu hàng tháng, song điều này không thực hiện do pháp luật không có quy định về việc này.

 

Nhiều hệ lụy khi NLĐ nhận BHXH một lần

Từ thực tế tại địa phương, ông Nguyễn Xuân Tiếu- Phó Giám đốc BHXH tỉnh Thừa Thiên Huế phân tích: Trong thời điểm khó khăn này, NLĐ cần tỉnh táo suy xét, tiếp tục tham gia thay vì rút BHXH một lần. Bởi nhận BHXH một lần chỉ có thể giúp họ giải quyết nhu cầu kinh tế trước mắt, còn về lâu dài sẽ rất thiệt thòi khi hết tuổi lao động. “Nếu nhận BHXH một lần, NLĐ sau này tham gia lại BHXH sẽ không được cộng nối thời gian đóng BHXH, mà tính thành thời gian đóng BHXH mới. Việc nhận BHXH một lần còn tác động đến nguồn thu nhập của NLĐ khi về già; đồng thời làm giảm ý nghĩa của chính sách an sinh xã hội”- ông Tiếu giải thích.

Cũng theo ông Tiếu, nhận BHXH một lần đồng nghĩa với việc NLĐ rời bỏ hệ thống BHXH, tự tước bỏ quyền được tham gia, thụ hưởng các chế độ BHXH, đặc biệt là các chế độ dài hạn như: Hưu trí, tử tuất… Tình trạng số người hưởng BHXH một lần nhiều và gia tăng đang đặt ra thách thức rất lớn đến mục tiêu đảm bảo an sinh xã hội và việc thực hiện mục tiêu đề ra tại Nghị quyết 28-NQ/TW- đó là từng bước mở rộng vững chắc diện bao phủ, hướng tới mục tiêu BHXH toàn dân.

Còn theo ông Phan Văn Anh- Phó Giám đốc BHXH tỉnh Hà Tĩnh, hiện nay, hệ thống cơ quan BHXH trên toàn tỉnh đã bố trí cán bộ thường trực ở bộ phận tiếp nhận và quản lý hồ sơ để tuyên truyền, vận động NLĐ trở lại tham gia vào hệ thống an sinh khi họ đến làm thủ tục nhận BHXH một lần. Tuy nhiên, số lượng người quay trở lại tham gia không đáng kể, chủ yếu vẫn quyết tâm rút BHXH một lần. Do đó, để giảm hệ luỵ lâu dài đối với mục tiêu đảm bảo an sinh xã hội, trong khi chờ những giải pháp từ Chính phủ, BHXH tỉnh Hà Tĩnh đã chỉ đạo BHXH các huyện, thị xã tăng cường công tác truyền thông, góp phần giúp NLĐ nhận thức rõ và có cái nhìn đúng đắn, toàn diện về chính sách an sinh xã hội của Đảng và Nhà nước.     

Vũ Thu

(Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ)

Tạp chí Bảo hiểm xã hội