Trục lợi BH thất nghiệp: Cần xử lý nghiêm

02/07/2021 01:23 PM


Trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 như hiện nay, chính sách BH thất nghiệp thực sự trở thành “phao cứu sinh” cho nhiều NLĐ và chủ SDLĐ. Tuy nhiên, trong thực tế một số người cố tình vi phạm pháp luật, trục lợi từ chính sách này.

“Phao cứu sinh” thời COVID-19

Theo Luật Việc làm, trong thời gian chưa tìm được việc làm mới, NLĐ sẽ được hưởng trợ cấp thất nghiệp (TCTN) hằng tháng với mức hưởng bằng 60% mức bình quân tiền lương tháng đóng BH thất nghiệp. Đồng thời, NLĐ được hỗ trợ tư vấn, giới thiệu việc làm miễn phí; được hỗ trợ học nghề, với mức hỗ trợ tối đa 1 triệu đồng/người/tháng. Đơn vị SDLĐ bị ảnh hưởng bởi COVID-19 được hỗ trợ kinh phí đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho NLĐ với mức hỗ trợ tối đa 1 triệu đồng/người/tháng… Chính vì vậy, BH thất nghiệp được xem là “phao cứu sinh” đối với NLĐ, giúp đảm bảo phần nào đời sống của một bộ phận NLĐ và gia đình của họ.

Năm 2020 và những tháng đầu năm 2021, do dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, nhiều NLĐ bị mất việc làm do DN cắt giảm nhân sự, nên số NLĐ đề nghị hưởng TCTN tăng cao. Cụ thể: Năm 2020, cả nước có khoảng 1,03 triệu người nộp hồ sơ hưởng BH thất nghiệp, tăng 24% so với năm 2019; với số tiền chi trả TCTN lên tới 16.000 tỷ đồng. Trong 5 tháng đầu năm 2021, BHXH Việt Nam chi trả TCTN cho gần 300.000 lượt người với số tiền 6.442 tỷ đồng…

Thực tế cho thấy, số NLĐ nộp hồ sơ hưởng BH thất nghiệp có xu hướng gia tăng. Tại Hà Nội, số người hưởng BH thất nghiệp tăng đều qua các năm: Năm 2020 có 93.316 người nộp hồ sơ; 5 tháng đầu năm 2021 có 26.122 người nộp hồ sơ hưởng BH thất nghiệp…

Cần xử lý nghiêm trường hợp trục lợi

Qua rà soát, ông Nguyễn Đại Tánh- Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Long An cho biết, toàn tỉnh có 3.139 người hưởng sai BH thất nghiệp với số tiền phải thu hồi 14.900.826.307 đồng; hiện đã thu hồi được 1.987 người với trên 9,8 tỷ đồng. Đáng chú ý, sai phạm do NLĐ chiếm đến 98%. “Để hạn chế, cần kết nối và liên thông dữ liệu giữa ngành LĐ-TB&XH và ngành BHXH để thể hiện được quá trình tham gia và hưởng BH thất nghiệp của NLĐ”- ông Tánh đề xuất.

Còn theo đại diện Sở LĐ-TB&XH Hà Nội, việc trục lợi BH thất nghiệp có nguyên nhân từ phía NLĐ cũng như chủ SDLĐ. NLĐ vi phạm phần lớn là công nhân tại các KCN. Trong khi đó, đội ngũ nhân sự tại các DN cũng chưa nắm chắc quy định pháp luật để tư vấn cho NLĐ. Vì vậy, một trong những biện pháp được các cơ quan chức năng thực hiện nhằm phòng chống lạm dụng, trục lợi BH thất nghiệp là tăng cường công tác thanh kiểm tra để phát hiện và xử lý các vi phạm. Trong năm 2020 và 3 tháng đầu năm 2021, Sở LĐ-TB&XH Hà Nội đã kiểm tra, lập biên bản xử phạt đối với 609 cá nhân với số tiền trên 899 triệu đồng…

Thực tế tại nhiều địa phương cũng cho thấy, nguyên nhân khiến trục lợi BH thất nghiệp gia tăng chính là việc đăng ký hưởng TCTN hiện nay quá dễ dàng. Đối với NLĐ nếu có đủ giấy tờ là đủ điều kiện nộp hồ sơ. Bên cạnh đó, quy định về BH thất nghiệp chưa đầy đủ, nên việc quản lý, giám sát gặp nhiều khó khăn, nhất là chưa có phần mềm liên thông dữ liệu giữa cơ quan BHXH với các Trung tâm DVVL. Cùng với đó, việc đấu tranh với các hành vi trục lợi vẫn còn gặp nhiều khó khăn, do chưa có chế tài xử lý đối với trường hợp NLĐ không trung thực trong khai báo việc làm. Vì vậy, đòi hỏi cần sửa đổi quy định pháp luật theo hướng xử lý nghiêm các hành vi trục lợi chính sách.