Quyết liệt đẩy mạnh các giải pháp tăng cường thu, phát triển người tham gia BHXH, BHYT

02/07/2021 02:09 PM


Sáng ngày 2/7, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh chủ trì họp bàn giải pháp đẩy mạnh các giải pháp tăng cường thu, phát triển người tham gia BHXH, BHYT trong 6 tháng cuối năm 2021.

Dự cuộc họp có Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Trần Đình Liệu, lãnh đạo Ban Quản lý thu- Sổ, thẻ, Vụ Thanh tra, kiểm tra, Trung tâm Truyền thông, Trung tâm Dịch vụ hỗ trợ, chăm sóc khách hàng, Trung tâm Công nghệ thông tin.

Theo báo cáo của Ban Quản lý thu- Sổ, thẻ, hiện số tham gia BHXH là 16,15 triệu người, đạt 32,3% lực lượng lao động trong độ tuổi; trong đó số tham gia BHXH bắt buộc là 15,01 triệu người, giảm 20.000 người so với cuối năm 2020; tham gia BHXH tự nguyện đạt 1,13 triệu người, tăng 3,1 nghìn người so với cuối năm 2020; số tham gia BHYT là 87,7 triệu người, đạt bao phủ gần 90% dân số cả nước, giảm 253.000 người so với cuối năm 2020.

Theo kế hoạch, để đạt mục tiêu năm 2021, toàn ngành BHXH Việt Nam còn phải tăng 932.000 người tham gia BHXH bắt buộc, 616.000 người tham gia BHXH tự nguyện, 2,2 triệu người tham gia BHYT.

Về công tác thu, tổng số thu toàn Ngành hiện đạt 39% kế hoạch giao, tăng khoảng 10.461 tỷ đồng so với cùng kỳ năm trước; tỷ lệ nợ BHXH, BHYT chiếm khoảng 5,5% số phải thu.

Công tác thu, phát triển người tham gia BHXH, BHYT hiện đang gặp phải nhiều khó khăn. Theo đó, tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN dẫn đến số tham gia BHXH bắt buộc giảm. Cũng do dịch bệnh nên hoạt động thanh tra chuyên ngành, truyền thông vận động BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình gặp hạn chế. Ngoài ra, thực hiện Quyết định số 861/QĐ-TTg ngày 4/6/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Danh sách các xã khu vực III, khu vực II, khu vực I thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025 khiến tỷ lệ tham gia BHYT giảm đi.

Trong 6 tháng cuối năm 2021, do số tham gia BHXH bắt buộc, BHYT giảm và do thực hiện quy định tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí, tử tuất, giảm mức đóng bảo hiểm tai nạn lao động, số thu BHXH, BHYT có thể bị giảm đi. Trưởng Ban Quản lý thu- Sổ, thẻ Dương Văn Hào nhấn mạnh: Để hoàn thành kế hoạch thu đã được Chính phủ giao, BHXH các tỉnh, thành phố phải quyết liệt thực hiện các biện pháp đôn đốc thu, giảm nợ trong 6 tháng cuối năm.

Tại cuộc họp, lãnh đạo các đơn vị cùng thảo luận làm rõ thực trạng công tác thu, mở rộng diện bao phủ BHXH, BHYT; đề xuất các giải pháp về truyền thông, thanh tra, kiểm tra, ứng dụng CNTT…

Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Trần Đình Liệu cho rằng, trong bối cảnh hiện nay, cần phải xác định quan điểm “sống chung” với dịch bệnh, theo đó, lường trước những khó khăn, thường xuyên rà soát, thống kê bám sát tình hình, từ đó kịp thời báo cáo, tham mưu, xây dựng các giải pháp ứng phó hiệu quả, tránh bị động. Các giải pháp cũng phải hết sức cụ thể, trên cơ sở nghiên cứu kỹ các yếu tố đặc thù, đi vào từng nhóm đối tượng, DN, từ đó đưa ra biện pháp tăng cường thu, vận động tham gia BHXH, BHYT một cách thiết thực, hiệu quả.

Phát biểu chỉ đạo, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh đặc biệt nhấn mạnh tầm quan trọng của công tác thu, mở rộng diện bao phủ BHXH, BHYT. Đây là nhiệm vụ chính trị của Ngành với các chỉ tiêu được Chính phủ giao rất cụ thể, do đó, trong bối cảnh khó khăn, các đơn vị phải luôn chú trọng, quyết liệt thực hiện các biện pháp tăng cường, nâng cao hiệu quả.

Tổng Giám đốc yêu cầu khẩn trương xây dựng kế hoạch theo lộ trình với các mục tiêu cụ thể ở từng giai đoạn ngắn hạn, trung hạn, dài hạn, tương ứng với từng vùng miền, địa phương, chi tiết tới từng địa bàn tỉnh, huyện, xã. Phải quyết liệt hơn trong phát triển đối tượng; chủ động xây dựng kế hoạch, phân tích rõ thực trạng hiện nay xác định dư địa, tiềm năng ở từng nhóm. Kế hoạch là xương sống, trên cơ sở đó, các đơn vị triển khai các nhiệm vụ cụ thể, truyền thông, vận động để đạt mục tiêu ở từng địa bàn, từng nhóm đối tượng. Kế hoạch phải căn cứ trên số lượng người chưa tham gia, tính đặc thù ở từng nhóm đối, từng địa bàn; qua đó xây dựng lộ trình phù hợp, các nhóm dễ tiếp cận làm trước, với các nhóm khó cần truyền thông, tiếp cận dần dần.

Về đôn đốc thu, giảm nợ, trước hết, Tổng Giám đốc chỉ đạo, cần phân tích rõ thực trạng, để thấy được cơ cấu, tính chất nợ ở từng nhóm DN, đơn vị, xác định được khó khăn, khả năng thu hồi nợ… Cũng từ đây sẽ thấy rõ được các nguyên nhân, trên cơ sở đó, có biện pháp tập trung xử lý nợ hiệu quả, tối ưu nhất.

Về việc số tham gia BHYT bị giảm khi thực hiện theo Quyết định 861/QĐ-TTg, Ban Quản lý Thu- sổ thẻ có báo cáo rà soát lại tình hình thực tế chung cả nước cũng như số liệu chi tiết ở từng địa phương, trên cơ sở đó, BHXH Việt Nam sẽ có văn bản đề nghị UBND các tỉnh, thành phố linh hoạt chỉ đạo, bố trí ngân sách địa phương hỗ trợ tham gia BHYT trong quá trình ban đầu thực hiện quy định mới.

Tổng Giám đốc Nguyễn Thế Mạnh cũng có ý kiến chỉ đạo ở các mảng nội dung công tác cụ thể. Theo đó, về thanh tra, kiểm tra phải linh hoạt sáng tạo, có hình thức phù hợp với bối cảnh, diễn biến dịch bệnh ở từng địa phương, chủ động khai thác hệ thống dữ liệu, tăng cường việc cảnh báo, tích cực thanh tra điện tử; lưu ý không làm phát sinh thêm thủ tục hành chính nhưng vẫn đảm bảo hiệu quả. Với hệ thống đại lý, cần tăng cường đào tạo, bồi dưỡng thường xuyên; quản lý hoạt động chặt chẽ hơn; sớm nghiên cứu và thực cơ chế thù lao khuyến khích nâng cao hiệu quả ở các nhóm đại lý thu. Tập trung hoàn thiện phần mềm nghiệp vụ hỗ trợ cho công tác thu, mở rộng diện bao phủ BHXH, BHYT; điều chỉnh linh hoạt để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ phát sinh.

Tạp chí Bảo hiểm xã hội