Nhận BHXH một lần- “của để dành” sớm tiêu tan Bài cuối Sửa luật để nhiều người có lương hưu
04/07/2021 09:17 PM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Năm 2020, cả nước có hơn 1 triệu người tham gia BHXH mới, nhưng cũng có tới 880.000 người nhận BHXH một lần; chỉ trong 5 tháng đầu năm nay tiếp tục có gần 470.000 người nhận BHXH một lần- đồng nghĩa với việc những người này sau này sẽ khó tích lũy đủ thời gian để hưởng lương hưu. Vì vậy, việc sửa Luật BHXH, trong đó có quy định về hưởng BHXH một lần, là nhằm mục tiêu có thêm nhiều người được hưởng lương hưu.
Giảm gánh nặng cho NSNN
Lý giải hiện tượng nhiều NLĐ nhận BHXH một lần, TS.Nguyễn Văn Định- nguyên Trưởng khoa Bảo hiểm (ĐH Kinh tế Quốc dân) cho rằng, NLĐ tại Việt Nam chủ yếu thuộc khu vực nông thôn, việc làm không ổn định, có thời gian tham gia BHXH ngắn và hay bị ngắt quãng, thậm chí có người chỉ đóng BHXH được một năm sau đó không đóng nữa. Đối với những trường hợp này, nếu bắt họ phải chờ đợi đến khi đủ tuổi nghỉ hưu (60 tuổi với nữ và 62 tuổi với nam) để nhận được lương hưu hàng tháng thì khoảng thời gian quá dài. Vì vậy, nhiều NLĐ mong muốn khi chấm dứt HĐLĐ và dừng đóng BHXH sẽ được thanh toán một lần phần họ đã đóng góp.
TS.Nguyễn Văn Định tại một hội thảo về chính sách BHXH một lần
Tuy nhiên, TS.Nguyễn Văn Định cũng chỉ rõ, nếu tiếp tục buông xuôi để NLĐ tự do rút tiền BHXH một lần, thì về lâu dài sẽ để lại hệ lụy rất lớn. Bởi khi có được tiền, NLĐ sẵn sàng chi tiêu vào những việc trước mắt, về già sẽ không còn khoản dự phòng lúc ốm đau, bệnh tật. Khi đó, gánh nặng cho NSNN cũng như cho quỹ BHXH là rất nặng nề. “Số NLĐ rút hết tiền một lần càng lớn, thì Nhà nước phải chi hỗ trợ cho công tác an sinh xã hội càng nhiều”- TS.Nguyễn Văn Định nhấn mạnh.
Bà Đinh Thị Thu Hiền- Phó Trưởng ban Thực hiện chính sách BHXH (BHXH Việt Nam) cũng cho biết, khi lựa chọn nhận BHXH một lần, các quyền lợi của NLĐ sẽ bị hạn chế hơn so với tích lũy thời gian để sau này được hưởng lương hưu. Cụ thể, khi NLĐ nhận BHXH một lần, sau này có điều kiện tiếp tục tham gia BHXH lại, sẽ không được cộng nối thời gian đã đóng BHXH trước đó. Như vậy, họ bị giảm cơ hội được hưởng lương hưu hoặc nếu có đủ điều kiện hưởng lương hưu thì mức hưởng cũng sẽ thấp hơn so với việc giữ được toàn bộ thời gian đã đóng BHXH.
Chưa hết, theo quy định hiện hành, tổng mức đóng BHXH của NLĐ vào quỹ hưu trí và tử tuất là 22% mức tiền lương tháng. Trong đó, NLĐ đóng 8% và người SDLĐ đóng 14%. Có nghĩa là, tổng mức đóng vào quỹ BHXH hằng năm bằng 2,64 tháng lương. Nếu NLĐ nhận BHXH một lần, thì chỉ được nhận tối đa bằng 2 tháng lương làm căn cứ đóng BHXH cho một năm tham gia BHXH. Như vậy, NLĐ mất đi tối thiểu 0,64 tháng lương cho mỗi năm đóng BHXH.
“Nếu so sánh giữa việc hưởng lương hưu hằng tháng (hưởng cho đến hết cuộc đời) và việc lĩnh BHXH một lần (chỉ hưởng tại một thời điểm nhất định), thì tổng lợi ích bằng tiền khi hưởng lương hưu hằng tháng sẽ cao hơn khá nhiều. Bởi lẽ, ngoài lương hưu, NLĐ còn được hưởng các quyền lợi khác như: Được cơ quan BHXH đóng tiền và cấp thẻ BHYT phục vụ việc KCB, có sự hỗ trợ chi phí phần lớn từ quỹ BHYT; được điều chỉnh mức hưởng lương hưu khi chỉ số giá tiêu dùng tăng…”- bà Hiền khẳng định.
Hướng tới đảm bảo an sinh bền vững
Trước thực trạng NLĐ nhận BHXH một lần tăng, ông Bùi Sỹ Lợi- Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội cho rằng, đây là điều rất đáng suy nghĩ đối với hệ thống an sinh xã hội của đất nước, dẫn đến hệ lụy không thực hiện được mục tiêu BHXH toàn dân theo tinh thần Nghị quyết 28-NQ/TW.
Theo ông Bùi Sỹ Lợi, chính sách BHXH bắt buộc của Việt Nam hướng đến mục tiêu chăm sóc, bảo vệ sức khỏe NLĐ; hỗ trợ khi NLĐ mất việc làm; bảo đảm cuộc sống ổn định sau khi hết tuổi lao động. Chính sách này được thiết kế khá toàn diện, cơ bản đáp ứng được nhu cầu của NLĐ. Điều 60 Luật BHXH 2014 không khuyến khích NLĐ nhận BHXH một lần, với mục tiêu giúp NLĐ cộng dồn thời gian đóng BHXH để sau này có đủ điều kiện hưởng lương hưu hằng tháng. Đây cũng là quan điểm của Đảng và Nhà nước ta trong việc thực hiện mục tiêu mở rộng đối tượng tham gia BHXH và tiến tới BHXH toàn dân theo tinh thần Nghị quyết 15-NQ/TW, Kết luận 63-KL/TW của Ban Chấp hành Trung ương khóa XI, Nghị quyết 21-NQ/TW và Điều 34 Hiến pháp 2013 là “Công dân có quyền được bảo đảm an sinh xã hội”.
Mặt khác, khi thiết kế Điều 60 Luật BHXH, Chính phủ đã quy định các trường hợp được hưởng BHXH một lần theo hướng thu hẹp, như chỉ ưu tiên giải quyết đối với những trường hợp NLĐ bị mắc các bệnh nguy hiểm đến tính mạng. Điều này là để tăng số người được hưởng chế độ hưu trí, nhằm bảo đảm an sinh lâu dài cho NLĐ. Tuy nhiên, NLĐ không hiểu rõ đã phản ứng, buộc Quốc hội khóa XIII phải xem xét ra Nghị quyết 93 năm 2015 về thực hiện chính sách BHXH một lần. “Đã đến lúc chúng ta phải có cái nhìn thật thấu đáo khi thiết kế, xây dựng và hoàn thiện chính sách BHXH, trong đó có quy định BHXH một lần. Bởi lẽ, việc nhận BHXH một lần không chỉ là vấn đề của cá nhân NLĐ, mà còn là vấn đề chính sách, chính trị của giai cấp công nhân”- ông Bùi Sỹ Lợi nhấn mạnh.
Ông Phạm Minh Huân- nguyên Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH nhận định, chính sách BHXH hiện hành được kế thừa từ các chính sách BHXH trong giai đoạn kế hoạch hóa tập trung, thiết kế dành cho CNVC khu vực nhà nước và do NSNN đảm bảo. Khi mở rộng ra các khu vực kinh tế khác, thì chính sách chưa được sửa đổi, bổ sung kịp thời, chưa phù hợp với sự thay đổi về đặc điểm quy mô, cơ cấu dân số (tốc độ già hóa dân số), chưa phù hợp với nguyên tắc đóng-hưởng và cân đối giữa mức đóng với mức hưởng.
Theo ông Huân, trước đây, vấn đề này cũng đã được đề cập nhiều trong quá trình sửa đổi Luật BHXH. Tuy nhiên, do tuyên truyền, giải thích chưa rõ, nên một bộ phận NLĐ phản ứng Điều 60 Luật BHXH 2014, khiến Quốc hội phải có Nghị quyết dừng thi hành Điều này. “Tôi hy vọng Luật BHXH sửa đổi lần này sẽ có những giải pháp, có những đột phá để thực hiện được lộ trình cải cách chính sách BHXH, để BHXH thực sự là một trụ cột chính của hệ thống an sinh xã hội, từng bước mở rộng vững chắc diện bao phủ, hướng tới mục tiêu BHXH toàn dân” - ông Huân chia sẻ.
“Hướng dẫn cái đặt và đăng ký tài khoản VssID - ...
Bảo hiểm xã hội tỉnh Đắk Lắk nỗ lực phát triển ...
Sử dụng hình ảnh thẻ BHYT trên ứng dụng VSSID
Giới thiệu BHXH VN tiếng Việt
Giới thiệu ứng dụng VssID Bảo hiểm xã hội số