Tăng cường phát triển đối tượng tham gia BHXH, BH thất nghiệp

06/07/2021 07:14 AM


Bộ LĐ-TB&XH vừa có Công văn số 2057/LĐTBXH-BHXH gửi Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố về tăng cường công tác phát triển đối tượng tham gia BHXH, BH thất nghiệp.

Theo đó, thời gian qua, với sự chỉ đạo sát sao của Chính phủ, các Bộ, ngành và sự quan tâm vào cuộc của cấp ủy, chính quyền các địa phương, đặc biệt là từ sau khi BCH Trung ương khóa XII ban hành Nghị quyết số 28/NQ-TW về cải cách chính sách BHXH, công tác phát triển đối tượng tham gia BHXH, BH thất nghiệp đã đạt được nhiều kết quả quan trọng.

Theo số liệu báo cáo của BHXH Việt Nam, tính đến hết năm 2020, có 16,16 triệu người tham gia BHXH, chiếm 33,5% lực lượng lao động trong độ tuổi (trong đó BHXH tự nguyện là 1,13 triệu người, chiếm 2,3% lực lượng lao động trong độ tuổi), có 13,32 triệu người tham gia BH thất nghiệp, chiếm 27,6% lực lượng lao động trong độ tuổi 1. Mặc dù, tổng số người tham gia BHXH có tăng nhưng số người tham gia BHXH bắt buộc lại giảm so với năm 2019; trong khi đó, còn nhiều đơn vị, DN và NLĐ thuộc diện nhưng chưa được tham gia đầy đủ BHXH bắt buộc (theo dữ liệu cơ quan Thuế cung cấp năm 2020, có gần 163.000 đơn vị, DN chưa tham gia BHXH; trên 241.000 đơn vị, DN chưa tham gia đầy đủ, ước có khoảng từ 500.000 đến 800.000 lao động thuộc đối tượng phải tham gia nhưng chưa tham gia BHXH bắt buộc).

Trước bối cảnh tác động của đại dịch Covid-19 đối với các cơ quan, đơn vị, DN; để phấn đấu hoàn thành mục tiêu về phát triển đối tượng tham gia BHXH được nêu tại Nghị quyết số 28-NQ/TW, Nghị quyết số 125/NQ-CP và Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế xã hội và dự toán ngân sách Nhà nước năm 2021, Bộ LĐ-TB&XH đề nghị Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo Sở LĐ-TB&XH, cơ quan BHXH cấp tỉnh và các cơ quan liên quan:

Tiếp tục thực hiện đồng bộ các nhóm giải pháp, nhiệm vụ được nêu tại Chỉ thị số 34/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường thực hiện đồng bộ các nhóm giải pháp phát triển đối tượng tham gia BHXH. Trong đó, tập trung xây dựng chỉ tiêu phát triển đối tượng tham gia BHXH, BH thất nghiệp trong kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội hằng năm của địa phương, trình HĐND quyết định; xây dựng kế hoạch tổ chức thực hiện các giải pháp nhằm đạt được chỉ tiêu phát triển đối tượng tham gia BHXH, BH thất nghiệp đã đặt ra.

Tăng cường công tác phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị trong việc quản lý đối tượng tham gia BHXH, BH thất nghiệp, nắm bắt tình hình hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN gặp khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 trên địa bàn để kịp thời thực hiện các chính sách hỗ trợ của Nhà nước và địa phương (nếu có); có các giải pháp tháo gỡ, tạo điều kiện cho DN ổn định hoạt động sản xuất, kinh doanh nhằm duy trì việc làm, hạn chế thấp nhất việc chấm dứt HĐLĐ với NLĐ; tăng cường công tác phối hợp trong việc tiếp nhận, giải quyết các chế độ BH thất nghiệp; rà soát, xác minh, thu hồi dứt điểm số tiền hưởng BH thất nghiệp sai quy định.

Đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền chính sách pháp luật về BHXH, BH thất nghiệp để NLĐ hiểu rõ về quyền, trách nhiệm tham gia và hưởng các chế độ BHXH, BH thất nghiệp, nhất là về các quyền lợi của chế độ hưu trí, lợi ích của việc bảo lưu thời gian tham gia BHXH, hạn chế tình trạng hưởng BHXH một lần.

Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, phát hiện và kiên quyết xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về BHXH, BH thất nghiệp, đặc biệt là các trường hợp lợi dụng ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 để có các hành vi vi phạm, trục lợi BHXH, BH thất nghiệp.

Tạp chí Bảo hiểm xã hội