Hơn 2 triệu lao động thất nghiệp và thiếu việc làm do Covid-19
08/07/2021 02:40 PM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Trong Quý II và 6 tháng đầu năm 2021, thị trường lao động Việt Nam bị ảnh hưởng do sự bùng phát lần thứ 3 và thứ 4 của đại dịch Covid-19. Tình hình lao động việc làm Quý II cho thấy thị trường lao động chưa thấy dấu hiệu khả quan với số người có việc làm giảm so với quý trước, tỷ lệ thất nghiệp và thiếu việc làm tăng so với quý trước. Tỷ lệ lao động có việc làm phi chính thức tăng so với cùng kỳ năm trước.
Chia sẻ tại buổi họp báo công bố tình hình lao động, việc làm Quý II và 6 tháng năm 2021, Tổng cục Thống kê cho biết: Làn sóng dịch Covid-19 bùng phát trở lại vào những ngày cuối tháng 4/2021 đã ảnh hưởng đến đà khôi phục việc làm và cải thiện thu nhập của người lao động trong Quý II/2021. Theo đó, Quý II/2021, cả nước có 12,8 triệu người từ 15 tuổi trở lên bị ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch Covid-19 bao gồm người bị mất việc làm, phải nghỉ giãn việc/nghỉ luân phiên, giảm giờ làm, giảm thu nhập…
Hiện nay, lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên ước tính 51,1 triệu người, tăng 44,7 nghìn người so với quý trước và tăng 1,7 triệu người so với cùng kỳ năm trước, trong đó lực lượng lao động ở khu vực thành thị tăng 355 nghìn người và tăng hơn 1 triệu người; lực lượng lao động nam tăng 36,3 nghìn người so với quý trước; lực lượng lao động nữ tăng hơn 1,3 triệu người so với cùng kỳ năm 2020.
Lao động từ 15 tuổi trở lên đang làm việc trong Quý II/2021 là 49,9 triệu người, giảm 65 nghìn người so với quý trước và tăng gần 1,8 triệu người so với cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ lao động có việc làm phi chính thức Quý II/2021 là 57,4%. Đây là tỷ lệ cao nhất trong 3 năm trở lại đây. Số lao động sản xuất tự sản tự tiêu của quý II/2021 là 4,2 triệu người (tăng gần 0,6 triệu người so với quý trước và 0,5 triệu người so với cùng kỳ năm trước), số lao động này chủ yếu tăng ở khu vực nông thôn.
Tỷ lệ thất nghiệp và thiếu việc làm cũng gia tăng, với tỷ lệ thiếu việc làm của lao động trong độ tuổi Quý II/2021 là 2,60%, tăng 0,4 điểm phần trăm so với quý trước. Tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động Quý II/2021 là 2,62%, tăng 0,2 điểm phần trăm so với quý trước.
Như vậy, tính chung 6 tháng đầu năm, cả nước đang có 51 triệu người từ 15 tuổi trở lên, tăng 737 nghìn người so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, lực lượng lao động ở khu vực thành thị là 18,4 triệu người, chiếm 36,1%; lực lượng lao động nữ đạt 23,9 triệu người, chiếm 47% lực lượng lao động của cả nước. Tỷ lệ tham gia lực lượng lao động 6 tháng đầu năm 2021 là 68,6%, tăng 0,1 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước. Lao động đã qua đào tạo từ trình độ “Sơ cấp” trở lên 6 tháng đầu năm 2021 ước tính là 13,3 triệu người, chiếm 26,1%, tăng 0,9 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước.
Lao động từ 15 tuổi trở lên có việc làm trong 6 tháng đầu năm 2021 cũng tăng 788,7 nghìn người so với cùng kỳ năm trước, với 49,9 triệu người. Trong đó, lao động có việc làm ở khu vực thành thị là 17,9 triệu người, tăng 743,9 nghìn người (chiếm 94,3% tổng số việc làm tăng của cả nước).
Số lao động thiếu việc làm trong độ tuổi là hơn 1,1 triệu người, tăng 48,2 nghìn người so với cùng kỳ năm trước, đạt tỷ lệ 2,58%, tăng 0,25 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ thiếu việc làm ở khu vực thành thị là 2,64%, cao hơn 0,1 điểm phần trăm so với khu vực nông thôn. Số người thất nghiệp trong độ tuổi lao động cũng tương tự với hơn 1,1 triệu người, tăng 101,7 nghìn người so với cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động là 2,52%, giảm 0,07 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước. Số thanh niên (người từ 15-24 tuổi) thất nghiệp là khoảng 398,9 nghìn người (chiếm 34,0% tổng số người thất nghiệp). Tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên là 7,45%, giảm 0,15 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên khu vực thành thị là 9,97%, giảm 0,28 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước.
Tuy nhiên, một điểm tích cực là thu nhập bình quân tháng từ công việc của lao động có việc làm trong 6 tháng đầu năm 2021 có sự tăng nhẹ, đạt 6,2 triệu đồng, tăng 320 nghìn đồng so với cùng kỳ năm trước. Thu nhập bình quân của lao động nam cao hơn lao động nữ 1,42 lần (tương ứng 7,2 triệu đồng và 5,1 triệu đồng); thu nhập bình quân của lao động ở khu vực thành thị là 7,7 triệu đồng trong khi thu nhập của lao động ở khu vực nông thôn là 5,3 triệu đồng. Tính riêng ở khu vực làm công hưởng lương, thu nhập bình quân của lao động nam là 7,3 triệu đồng; lao động nữ là 6,2 triệu đồng.
Tạp chí Bảo hiểm xã hội
“Hướng dẫn cái đặt và đăng ký tài khoản VssID - ...
Bảo hiểm xã hội tỉnh Đắk Lắk nỗ lực phát triển ...
Sử dụng hình ảnh thẻ BHYT trên ứng dụng VSSID
Giới thiệu BHXH VN tiếng Việt
Giới thiệu ứng dụng VssID Bảo hiểm xã hội số