Sớm ký kết Hiệp định song phương về BHXH nhằm đảm bảo an sinh xã hội cho NLĐ
20/07/2021 01:45 PM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Chiều 19/7, tại Hà Nội, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Đào Việt Ánh có buổi làm việc với đại diện Bộ LĐ-TB&XH về các nội dung liên quan đến việc ký Hiệp định BHXH giữa Chính phủ Việt Nam và Hàn Quốc. Tham dự buổi làm việc có đại diện một số đơn vị trực thuộc BHXH Việt Nam.
Phù hợp với xu hướng quốc tế
Phát biểu tại buổi làm việc, ông Trần Hải Nam- Phó Vụ trưởng Vụ BHXH, Bộ LĐ-TB&XH cho biết, thực hiện Quyết định số 1804/QĐ-TTg ngày 22/10/2015 của Thủ tướng Chính phủ về việc đàm phán Hiệp định BHXH giữa Việt Nam và Hàn Quốc, Bộ LĐ-TB&XH đã ban hành QĐ về thành lập đoàn đàm phán là đại diện các bộ, cơ quan LĐ-TB&XH, Ngoại giao, Tư pháp, Tài chính, VPCP và BHXH Việt Nam, đã tiến hành 4 vòng đàm phán.
Với sự nỗ lực từ các bên, ngày 27/5/2021, Bộ LĐ-TB&XH đã có Tờ trình số 32/TTr-LĐTBXH trình Chính phủ về Hiệp định BHXH giữa Việt Nam và Hàn Quốc. Theo đó Bộ đã đề xuất Chính phủ đồng ý chủ trương kết thúc đàm phán; đồng thời trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, chấp thuận việc ký kết Hiệp định, đối với những nội dung chưa được quy định thì giao Chính phủ nghiên cứu hoàn thiện Hồ sơ đề nghị xây dựng Luật BHXH sửa đổi để trình Quốc hội vào năm 2021 và trình Luật BHXH sửa đổi trong giai đoạn 2022-2023.
Đánh giá về sự cần thiết của Hiệp định, ông Trần Hải Nam cho rằng, hiện nay, hội nhập quốc tế và xu hướng dịch chuyển lao động đã khiến số NLĐ Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài và số lượng NLĐ nước ngoài vào làm việc tại Việt Nam đang có xu hướng tăng nhanh. Do đó, đòi hỏi chúng ta cần có chính sách để NLĐ được tiếp cận đầy đủ các quyền về an sinh xã hội.
Theo ông Trần Hải Nam, nghĩa vụ của các quốc gia thành viên trong việc đảm bảo quyền được an sinh xã hội thông qua các hiệp định song phương và đa phương có đi có lại, hoặc thông qua các công cụ khác để phối hợp các chế độ BHXH người lao động di cư. Liên quan đến vấn đề này, Tổ chức lao động quốc tế (ILO) cũng thông qua một số công ước đặc biệt để bảo vệ quyền an sinh xã hội của lao động nhập cư quốc tế: Công ước 118 đối xử bình đẳng (An sinh xã hội) năm 1962, Công ước 157 về Bảo vệ quyền an sinh xã hội năm 1982, Khuyến nghị 167 về duy trì các chế độ an sinh xã hội (năm 1983)...
“Các công ước và khuyến nghị nêu trên đều yêu cầu các nước thúc đẩy việc đàm phán các hiệp định về BHXH, và đưa ra 5 nguyên tắc cơ bản đó là: Đối xử bình đẳng; áp dụng luật pháp; cộng dồn thời gian đóng BHXH; duy trì các quyền lợi và chế độ ra nước ngoài; và có đi có lại”- ông Trần Hải Nam chia sẻ.
Cũng theo đại diện Bộ LĐ-TB&XH, Hiệp định/thỏa thuận BHXH quốc tế là sự thỏa thuận giữa hai hay nhiều quốc gia nhằm bảo vệ quyền hưu trí và các quyền lợi BHXH khác có liên quan của công dân một nước khi họ tạm trú hoặc thường trú ở một nước khác. Hầu hết các hiệp định về BHXH là hiệp định song phương, tuy nhiên, cho đến nay cũng có một số hiệp định đa phương tại khu vực Châu Âu, Caribê, Châu Mỹ La Tinh, Tây Phi và vùng Vịnh.
Nếu trước đây, đa số các hiệp định song phương về BHXH là giữa các nước phương Tây (giữa các nước ở Châu Âu hoặc giữa Châu Âu với Bắc Mỹ) thì hiện nay đã có nhiều quốc gia Châu Á- nơi cung cấp số đồng lao động di cư đi làm việc ở nước ngoài – đàm phán ký kết các hiệp định này, như Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc, Phi-líp-pin…
Tránh thụ động khi triển khai
Tại buổi làm việc, ông Trần Hải Nam đã trình bày các nội dung chính trong dự thảo Hiệp định BHXH giữa Chính phủ Việt Nam và Hàn Quốc. Đồng thời, giải đáp các thắc mắc từ phía các đơn vị của BHXH Việt Nam.
Chia sẻ về vấn đề này, ông Nguyễn Tiến Thành- Vụ trưởng Vụ HTQT, BHXH Việt Nam cho biết, từ năm 2015, BHXH Việt Nam đã phối hợp với Bộ LĐ-TB&XH tham gia 4 vòng đàm phán Hiệp định và ký kết Biên bản ghi nhớ hợp tác với cơ quan Hưu trí quốc gia Hàn Quốc (NPS) vào năm 2017. Hai bên đã tổ chức các hội thảo chia sẻ kinh nghiệm, trao đổi thông tin chuẩn bị cho việc triển khai thực hiện Hiệp định sau khi được ký kết.
Theo ông Nguyễn Tiến Thành, dự kiến trong thời gian tới, BHXH Việt Nam và NPS Hàn Quốc sẽ trao đổi và ký kết Biên bản thỏa thuận thi hành bao gồm các nội dung về kết nối, chia sẻ, đối chiếu thông tin về tham gia BHXH của NLĐ có thời gian đóng BHXH ở cả hai nước, chế độ báo cáo định kỳ, cập nhật thông tin, quản lý người tham gia, người hưởng chế độ và các nội dung khác nhằm tổ chức triển khai thực hiện đầy đủ chính sách BHXH và các quy định của Hiệp định cho NLĐ. “Đặc biệt, trong tương lai có thể sẽ xem xét cử cán bộ hoặc đặt cơ quan thực hiện tại Hàn Quốc nhằm giám sát, thực hiện chính sách và hỗ trợ lao động ngày một tốt hơn”- ông Nguyễn Tiến Thành cho biết thêm.
Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Đào Việt Ánh cho rằng, trong bối cảnh Việt Nam và Hàn Quốc đã thiết lập quan hệ đối tác toàn diện trên tất cả các lĩnh vực chính trị, quốc phòng, an ninh, kinh tế, văn hóa lao động, xã hội, giao lưu nhân dân, theo đó, lao động di cư giữa hai nước ngày càng gia tăng. Để tránh đóng song trùng BHXH cho NLĐ ở cả hai quốc gia và để có cơ sở để NLĐ hai nước được tính cộng gộp thời gian đóng BHXH khi làm việc ở quốc gia còn lại, việc ký kết Hiệp định về BHXH giữa Việt Nam và Hàn Quốc là cần thiết và phù hợp với nội dung cải cách của Nghị quyết số 28-NQ/TW.
Việc sớm ký kết Hiệp định song phương về BHXH nhằm đảm bảo sự tham gia và quyền lợi của NLĐ ở hai quốc gia ký hiệp định, tránh việc NLĐ phải đóng BHXH hai lần, đảm bảo tính liên tục về thời gian đóng để hưởng BHXH, góp phần giảm thiểu gánh nặng tài chính cho NLĐ di cư; đảm bảo an sinh xã hội cho họ khi về già; hỗ trợ các công ty trong mở rộng hoạt động ra nước ngoài và kích thích tạo môi trường kinh doanh thân thiện, khuyến khích các công ty đầu tư vào nước còn lại...
Theo Phó Tổng Giám đốc Đào Việt Ánh, đến nay dự thảo nội dung của Hiệp định đã hình thành rõ ràng. Tuy nhiên, để không bị thụ động khi triển khai Hiệp định thì các đơn vị giữa BHXH Việt Nam và Bộ LĐ-TB&XH cần tăng cường thông tin, hợp tác trong quá trình thực hiện. Về phía BHXH Việt Nam, Phó Tổng Giám đốc yêu cầu các đơn vị cần tập trung sẵn sàng cho việc thực hiện sau khi Hiệp định được ký kết, qua đó đó đảm các chế độ cho NLĐ Việt Nam tại Hàn Quốc và ngược lại.
Tạp chí Bảo hiểm xã hội
“Hướng dẫn cái đặt và đăng ký tài khoản VssID - ...
Bảo hiểm xã hội tỉnh Đắk Lắk nỗ lực phát triển ...
Sử dụng hình ảnh thẻ BHYT trên ứng dụng VSSID
Giới thiệu BHXH VN tiếng Việt
Giới thiệu ứng dụng VssID Bảo hiểm xã hội số