Tích cực, chủ động thực hiện Nghị quyết 21, góp phần bảo đảm an sinh xã hội

16/08/2021 09:03 PM


(LĐXH) Thực hiện Nghị quyết số 21-NQ/TW của Bộ Chính trị về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác BHXH, BHYT giai đoạn 2012 – 2020”, toàn ngành Bảo hiểm xã hội đã tích cực, chủ động, đề ra nhiều giải pháp quyết liệt nhằm phấn đấu hoàn thành toàn diện các chỉ tiêu, nhiệm vụ của ngành, góp phần bảo đảm an sinh xã hội bền vững.

Tích cực, chủ động hoàn thành toàn diện các chỉ tiêu, nhiệm vụ của ngành BHXH
Ngay sau khi Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 21, Ban cán sự Đảng Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam đã ban hành Kế hoạch thực hiện, ngành BHXH Việt Nam đã phát động phong trào thi đua thực hiện Nghị quyết số 21-NQ/TW với mục tiêu thực hiện hiệu quả các chế độ chính sách BHXH, bảo hiểm y tế  (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN), phấn đấu đến năm 2020: Số người tham gia BHXH đạt trên 50% lực lượng lao động; Số người tham gia BHTN đạt trên 35% lực lượng lao động; Số người tham gia BHYT đạt trên 80% dân số cả nước, trong đó khu vực nông thôn có trên 70% dân số tham gia BHYT; Sử dụng an toàn và bảo đảm cân đối quỹ BHXH trong dài hạn; quản lý, sử dụng có hiệu quả và bảo đảm cân đối quỹ BHYT; Xây dựng hệ thống BHXH hiện đại, chuyên nghiệp, hiệu quả cao, đáp ứng yêu cầu CNH-HĐH và hội nhập quốc tế.
Giai đoạn 2012 – 2019, thực hiện Nghị quyết 21, ngành BHXH Việt Nam và BHXH các tỉnh, thành phố đã phát động nhiều phong trào thi đua thường xuyên và phong trào thi đua chuyên đề bám sát các chỉ tiêu, nhiệm vụ chính trị của từng năm. BHXH các tỉnh, thành phố chủ động tham mưu, đề xuất với Tỉnh ủy, UBND tỉnh ban hành các văn bản chỉ đạo thực hiện chính sách BHXH, BHYT trên địa bàn; ký kết quy chế phối hợp với các sở, ngành, các Hội đoàn thể trong công tác tuyên truyền, vận động phát triển người tham gia BHXH, BHYT.
Năm 2020, do ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19, nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn trong sản xuất kinh doanh, tác động trực tiếp tới công tác thu và phát triển đối tượng BHXH, BHYT, BHTN của toàn Ngành. Để bứt phá phát triển đối tượng tham gia BHXH, BHYT trong bối cảnh dịch bệnh, năm 2020 BHXH Việt Nam phối hợp với Bưu Điện Việt Nam tổ chức Lễ ra quân “Hưởng ứng Tháng vận động triển khai BHXH toàn dân - Tuyên truyền, vận động người dân tham gia BHXH tự nguyện”; “Hưởng ứng Ngày BHYT Việt Nam - Tuyên truyền, vận động người dân tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình” và phát động phong trào thi đua nước rút “Phấn đấu hoàn thành toàn diện các chỉ tiêu, nhiệm vụ, kế hoạch và chương trình công tác trọng tâm năm 2020 của Ngành”.

Lễ ra quân hưởng ứng Tháng vận động triển khai BHXH toàn dân -
Tuyên truyền, vận động người dân tham gia BHXH tự nguyện 
Các phong trào thi đua và các biện pháp tuyên truyền linh hoạt đó đã góp phần mang lại những kết quả quan trọng. Trong 8 năm qua, số người tham gia BHXH, BHYT năm sau luôn cao hơn năm trước. Tuy nhiên, so với mục tiêu Nghị quyết số 21-NQ/TW đề ra: Đến năm 2020 “có khoảng 50% lực lượng lao động tham gia BHXH, 35% lực lượng lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp” toàn Ngành chưa đạt được. Hiện nay, mục tiêu đã được điều chỉnh theo Nghị quyết số 28-NQ/TW ngày 23/5/2018 của Hội nghị lần thứ bẩy, BCH Trung ương khóa XII. Theo đó, phấn đấu đến năm 2021 đạt khoảng 35% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia BHXH, khoảng 28% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia BHTN.
Theo BHXH Việt Nam, đến 31/12/2020, cả nước có khoảng 16,164 triệu người tham gia BHXH, đạt 32,8% lực lượng lao động trong độ tuổităng 5,596 triệu người so với năm 2012 (tăng 52,97%); trong đó, số người tham gia BHXH bắt buộc là 15,036 triệu người, BHXH tự nguyện là 1,128 triệu người (tăng gấp gần 10 lần năm 2012, đạt 2,2% lực lượng lao động trong độ tuổi là nông dân và lao động khu vực phi chính thức tham gia BHXH tự nguyện, (vượt 1,2% chỉ tiêu được giao tại Nghị quyết 28-NQ/TW).
Cả nước có 13,324 triệu người tham gia BHTN, tăng 5,05 triệu người so với năm 2012 (tăng 61,7%), đạt 27% lực lượng lao động. Có 11 BHXH địa phương vượt chỉ tiêu Nghị quyết số 21-NQ/TW giao, gồm: Bình Dương, Bắc Ninh, TP. Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Hà Nội, Đà Nẵng, Hải Phòng, Long An, Hải Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu và Vĩnh Phúc.
Tính đến hết năm 2020, cả nước có khoảng 88 triệu người tham gia BHYT (bằng 90,85% dân số). Con số này đã vượt xa mục tiêu Nghị quyết số 21-NQ/TW đề ra (phấn đấu đến năm 2020, trên 80% dân số tham gia BHYT). Số người tham gia BHYT bình quân mỗi năm tăng 48%. Chỉ tính từ năm 2015-2020, đã có thêm gần 20 triệu người tham gia BHYT...

Người lao động làm thủ tục giải quyết bảo hiểm thất nghiệp tại Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội
Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, cải cách thủ tục hành chính
Nhìn lại chặng đường 8 năm qua cho thấy, Nghị quyết số 21-NQ/TW của Bộ Chính trị về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác BHXH, BHYT giai đoạn 2012 – 2020”  là “kim chỉ nam” cho ngành BHXH Việt Nam đổi mới về phương thức hoạt động theo hướng phục vụ, chủ động, linh hoạt. Mặc dù số người hưởng tăng hằng năm, nhưng BHXH Việt Nam đã phối hợp chặt chẽ với Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam tổ chức chi trả lương hưu, trợ cấp BHXH hằng tháng kịp thời, chu đáo, bảo đảm quyền lợi người tham gia. Hiện nay, mỗi tháng có khoảng 3,2 triệu người hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH hàng tháng; trong đó 2,6 triệu người nhận bằng tiền mặt, khoảng 600 nghìn người nhận qua tài khoản cá nhân.
Trong thời gian qua, ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT), cải cách thủ tục hành chính (TTHC) là điểm sáng của ngành BHXH Việt Nam. Toàn Ngành đẩy mạnh giao dịch hồ sơ điện tử, đơn giản, cắt giảm các TTHC để người tham gia và thụ hưởng chính sách BHXH, BHYT ngày càng thuận tiện. Người dân được thụ hưởng, được dễ dàng tiếp cận với các chính sách an sinh, qua đó càng làm tăng mức độ hài lòng và tăng niềm tin đối với các chính sách của Đảng và Nhà nước .
Ngành BHXH Việt Nam triển khai mạnh mẽ ứng dụng CNTT trong hầu hết các hoạt động nghiệp vụ, rút ngắn thời gian giải quyết các quy trình nghiệp vụ, giảm bớt khâu trung gian. Các hoạt động tác nghiệp trở nên nhanh chóng, chính xác, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người tham gia BHXH, BHYT. Bên cạnh đó, Ngành BHXH Việt Nam đã tạo lập được cơ sở dữ liệu hộ gia đình tham gia BHYT. Đây là nền tảng hình thành cơ sở dữ liệu quốc gia về BHXH, BHYT; Triển khai Hệ thống cấp số định danh quản lý người tham gia BHXH, BHYT trên cơ sở dữ liệu hộ gia đình; Xây dựng Cổng thông tin điện tử thống nhất tích hợp hệ thống giao dịch BHXH điện tử để cung cấp các dịch vụ công trực tuyến; Tích hợp, kết nối liên thông, cung cấp các dịch vụ công trực tuyến trên Cổng dịch vụ Quốc gia; Kết nối, chia sẻ dữ liệu với các Bộ để quản lý, thực hiện BHXH, BHTN, BHYT. Đồng thời, thiết lập và đưa vào hoạt động Trung tâm Dịch vụ khách hàng hỗ trợ, tư vấn, giải đáp cho người dân, NLĐ các vấn đề liên quan đến BHXH, BHYT; Triển khai ứng dụng BHXH số trên nền tảng thiết bị di động "VssID - BHXH số" nhằm công khai, minh bạch quá trình tham gia, thụ hưởng chế độ, chính sách BHXH, BHYT, BHTN...
Cũng trong 8 năm qua, TTHC thuộc lĩnh vực BHXH giảm mạnh từ 115 xuống còn 25. Thời gian thực hiện các TTHC để tham gia và hưởng chế độ BHXH, BHYT của các đơn vị, doanh nghiệp giảm từ 335 giờ/năm xuống còn 51 giờ/năm; thành phần hồ sơ giảm 38%; tiêu thức trên tờ khai, biểu mẫu giảm 42%; quy trình, thao tác thực hiện giảm 54 %. Những cải tiến thiết thực đó đã góp phần củng cố niềm tin, sự hài lòng, sự đồng thuận và ủng hộ của người dân và doanh nghiệp. Theo kết quả khảo sát chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh ở Việt Nam năm 2016 (PAPI 2016), mức độ hài lòng của người dân về chất lượng BHYT đạt 3,48/4 điểm, mức cao nhất trong 6 năm thực hiện khảo sát. Với việc linh hoạt áp dụng 3 hình thức tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả TTHC: Giao dịch trực tiếp; giao dịch điện tử và giao dịch qua dịch vụ bưu chính công ích, Ngành BHXH Việt Nam đang được người dân hài lòng, đánh giá cao.
Có thể nói, Nghị quyết số 21-NQ/TW của Bộ Chính trị về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác BHXH, BHYT giai đoạn 2012 – 2020” sau 8 năm thực hiện được đánh giá là “dấu mốc” quan trọng, là đòn bẩy tạo nên nhiều kết quả ấn tượng trong lĩnh vực BHXH, BHYT. Những thành tựu mà toàn ngành BHXH Việt Nam đạt được trong thời gian qua theo tinh thần Nghị quyết 21 đã tạo tiền đề, tạo đà phát triển an sinh xã hội bền vững...
Từ những kết quả đạt được trong thực hiện Nghị Quyết 21, để tiếp tục góp phần bảo đảm an sinh xã hội bền vững của đất nước, BHXH Việt Nam kiến nghị Bộ Chính trị Ban hành văn bản chỉ đạo cấp ủy đảng, chính quyền tiếp tục tăng cường thực hiện các Nghị quyết của Trung ương về chính sách BHXH, BHYT, với mục tiêu: BHXH, BHYT là trụ cột chính của hệ thống ASXH; từng bước mở rộng vững chắc tiến tới BHXH, BHYT toàn dân./.

Tạp chí Lao động & Xã hội