BHYT- Giải pháp tránh bị bần cùng hóa khi sức khỏe có vấn đề nghiêm trọng
16/09/2021 09:25 PM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Trên 90% dân số Việt Nam đã tham gia BHYT. Khi ốm đau, những người tham gia đã được quỹ BHYT chi trả chi phí các dịch vụ y tế từ đơn giản đến phức tạp và hiện đại cùng với nhiều loại thuốc đắt tiền và có hiệu quả. Nhiều người mắc bệnh nghiêm trọng, dù hoàn cảnh kinh tế còn khó khăn, nhưng không bị rơi vào thảm cảnh vỡ nợ… vì đã có trong tay tấm thẻ BHYT.
Con đường phát triển chính sách BHYT
Gần 30 năm qua, từ khi triển khai các mô hình thí điểm về BHYT, nhất là kể từ khi thực hiện Luật BHYT và các văn bản pháp luật về BHYT, đến nay ở Việt Nam đã hình thành hệ thống BHYT từ Trung ương đến địa phương. Tỷ lệ tham gia BHYT ngày càng tăng, đang tiến dần tới đích BHYT toàn dân. Nguồn quỹ BHYT khá lớn và ngày càng tăng. Từ khi bắt đầu triển khai vào năm 1992 đến nay, có thể nói rằng BHYT Việt Nam đã đi từ không đến có, ngày càng khẳng định vị trí trụ cột của BHYT trong chính sách an sinh xã hội.
Cho đến nay, bảo hiểm không còn là khái niệm xa lạ đối với chúng ta. Hoạt động bảo hiểm liên tục phát triển cùng với sự phát triển của xã hội loài người. Nhìn chung, mọi ý kiến đều cho rằng bảo hiểm có nguồn gốc từ rất xa xưa trong lịch sử văn minh nhân loại, gắn liền với sự phát triển của lịch sử loài người. Rủi ro về sức khỏe hay bệnh tật luôn có thể xảy ra, và bệnh tật đã dồn con người vào những thảm cảnh. Bệnh tật khiến cho người từ giàu thành nghèo, nó tác động nghiêm trọng đến gia đình, nhất là người có thu nhập thấp. Để khắc phục những khó khăn cũng như chủ động về tài chính khi rủi ro bất ngờ về sức khỏe, người ta phải cần đến BHYT. Từ cuối thế kỷ XIX, BHYT ra đời giúp đỡ mọi người chuẩn bị đối phó với bệnh tật.
Từ những bước sơ khai ban đầu, đến nay BHYT đã phát triển và mở rộng trên toàn cầu, rất nhiều quốc gia đã đạt mục tiêu BHYT toàn dân. BHYT toàn dân là tiền đề quan trọng để các quốc gia đạt mục tiêu bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân, đó là khi người dân ốm đau, nhất là khi bị bệnh nghiêm trọng không rơi vào hoàn cảnh phải bán nhà, bán đất và vay nợ chồng chất để có tiền chi trả chi phí y tế.
BHYT được đánh giá “như chất xúc tác” nhằm tái phân phối thu nhập, thu hẹp khoảng cách về thu nhập trong chăm sóc sức khỏe nhân dân, giúp duy trì ổn định xã hội, đó cũng chính là lẽ công bằng trong chăm sóc sức khỏe, mức đóng theo thu nhập, hưởng theo nhu cầu điều trị bệnh.
Trước năm 1985, Việt Nam áp dụng mô hình dùng NSNN để đảm bảo nguồn tài chính cho chăm sóc sức khỏe nhân dân. Từ khi thực hiện chính sách đổi mới, Việt Nam dần chuyển đổi từng bước từ bao cấp cho các BV theo mô hình bao cấp sang thực hiện cơ chế BHYT. Những bước đi chập chững BHYT đầu tiên ở Việt Nam là thí điểm các loại quỹ mang tính BHYT khác nhau ở một số tỉnh, như: Quỹ BH sức khỏe Hải Phòng, Quỹ KCB nhân đạo ở Vĩnh Phú, Quỹ BHYT tự nguyện ở Bến Tre, Quảng Trị, Quỹ KCB ngành đường sắt… rồi đến thành lập Cơ quan BHYT (thuộc Bộ Y tế), và tính đến cuối năm 2020, BHXH Việt Nam quản lý và thực hiện chính sách BHYT từ Trung ương đến địa phương, hơn 90% dân số tham gia BHYT. Việc Việt Nam đang dần tiến tới BHYT toàn dân khi mức thu nhập chỉ hơn 2.700 USD/người (2020) là điều đáng tự hào, vì hiện nay nhiều quốc gia có thu nhập cao hơn nhiều nhưng tỷ lệ BHYT còn thấp.
Tại Việt Nam, tuy đâu đó còn có phàn nàn, chỉ trích về BHYT, song chỉ với mệnh giá 35 USD/thẻ BHYT/năm nhưng đã có hàng trăm bệnh nhân được quỹ BHYT chi trả hàng tỷ đồng/năm cho KCB BHYT; hàng triệu bệnh nhân được hưởng dịch vụ kỹ thuật y tế hiện đại và những thuốc mới, đắt tiền. Đó là những minh chứng cho tính nhân văn và chia sẻ của quỹ BHYT. Có một thực tế là đa số bệnh nhân chưa có BHYT nếu phát hiện bị bệnh mạn tính, bệnh nan y, chuẩn bị đi phẫu thuật đều cố gắng mua cho được một thẻ BHYT. Do đó hãy hết sức công bằng để đánh giá về vai trò, tính nhân văn và chia sẻ cộng đồng của BHYT ở Việt Nam.
Mấy năm gần đây, mỗi năm quỹ BHYT chi trả trên 100.000 tỷ đồng cho việc KCB BHYT, trong đó ngoài việc chi trả chi phí KCB thông thường, quỹ BHYT còn chi trả cho nhiều người mắc các bệnh nặng, bệnh mạn tính và hiếm gặp khác, ung thư, tim mạch, suy thận hàng tỷ đồng/bệnh nhân. Như vậy, nếu không có thẻ BHYT, chắc chắn những bệnh nhân này sẽ phải bán nhà, bán đất, vay nợ nần chồng chất. Nhiều bệnh nhân BHYT đã cho rằng: “Cuộc sống vốn dĩ tiềm ẩn nhiều rủi ro mà mình không biết trước được, cho nên, cứ chủ động tham gia BHYT, không chỉ tốt cho mình mà còn để giảm gánh nặng cho người thân nếu chẳng may mình bị ốm đau, bệnh tật. Nếu may mắn, mình được khỏe mạnh thì mình tham gia BHYT cũng là cách để giúp đỡ, chia sẻ rủi ro với cộng đồng”.
Tiếp tục hoàn thiện chính sách BHYT để chăm sóc sức khỏe người dân
Theo quy định của pháp luật, BHYT là hình thức bảo hiểm bắt buộc được áp dụng để chăm sóc sức khỏe, không vì mục đích lợi nhuận do Nhà nước tổ chức thực hiện. Mọi đối tượng được quy định trong Luật BHYT đều có trách nhiệm tham gia BHYT, đó cũng là quyền và nghĩa vụ của mọi người dân. Liên tục trong mấy năm vừa qua, số người tham gia BHYT tăng khoảng 3%/năm. Tính đến ngày 31/12/2020, số người tham gia BHYT là 87,97 triệu người, tăng 23,37 triệu người so với năm 2014 (tương ứng tăng 36%), đạt tỷ lệ bao phủ BHYT 90,85% dân số. Với tỷ lệ này, BHXH Việt Nam cơ bản đã hoàn thành mục tiêu BHYT toàn dân và về đích trước thời hạn so với mục tiêu và Đảng và Quốc hội đã đề ra.
Trong 5 năm vừa qua (2015-2019), tổng quỹ KCB BHYT là 360.000 tỷ đồng; tổng số chi phí cho KCB BHYT là 427.000 tỷ đồng. Như vậy, trong 5 năm qua, chi quỹ BHYT cho KCB thường xuyên cao hơn số tiền quỹ KCB BHYT được sử dụng trong năm. Cụ thể, năm 2016 là 112%, và 2017 là 123,1%, năm 2018 là 109,7%, năm 2019 là 119% và năm 2020 ước tính là 112%. Tất nhiên, quỹ BHYT chưa bị thâm hụt và được Nhà nước cho vay như thời kỳ 10 năm trước, đó là nhờ có phần dự phòng.
Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành trung ương khóa XII về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khoẻ nhân dân trong tình hình mới đã chỉ rõ: Hướng tới thực hiện bao phủ chăm sóc sức khoẻ và BHYT toàn dân; mọi người dân đều được quản lý, chăm sóc sức khỏe; được bảo đảm bình đẳng về quyền và nghĩa vụ trong tham gia BHYT và thụ hưởng các dịch vụ y tế. Mục tiêu năm 2025: 95% dân số tham gia BHYT; tỉ lệ chi trực tiếp từ tiền túi của hộ gia đình cho y tế giảm còn 35%; năm 2030 đạt trên 95% dân số tham gia BHYT, chi tiền túi cho chăm sóc sức khỏe giảm còn còn 30%.
Để phấn đấu đạt mục tiêu trên, một trong giải pháp là xác định cụ thể đối tượng gần 10% chưa tham gia BHYT là ai, ở đâu, thuộc nhóm nào… để từ đó có giải pháp hợp lý. Trong 5 nhóm tham gia BHYT theo quy định của Luật BHYT, một số khối mà tỷ lệ tham gia BHYT còn thấp như: Khối lao động trong DN (thuộc nhóm 1, làm công hưởng lương), Khối hộ gia đình cận nghèo (còn khoảng 5%), khối HSSV (còn khoảng 3-4%, thuộc nhóm 4); Khối tham gia BHYT theo hộ gia đình (nhóm 5).
Theo số liệu Tổng điều tra dân số 2019, nhóm dân số trong độ tuổi HSSV là 22,6 triệu (chiếm 23% tổng số 96,2 triệu dân cả nước). Tuy nhiên, chỉ có 16,8 triệu HSSV (74%) đang theo học ở cả phổ thông và ĐH, CĐ, như vậy còn 5,8 triệu đối tượng trong độ tuổi đi học không đến trường, có nghĩa còn 26% tổng số độ tuổi không đến trường. Trong số không đến trường, đối tượng ở thành thị là 25%, chủ yếu 75% là ở nông thôn.
Phân tích theo từng cấp cho thấy: Tại bậc tiểu học tổng số là 8,12 triệu/7,96 triệu đi học; ở trung học cơ sở là 5,67 triệu/5,06 triệu (0,61 triệu ở độ tuổi không đi học THCS); ở phổ thông trung học là 3,91 triệu/2,66 triệu (1,2 triệu ở độ tuổi không đi học THPT); và ở CĐ, ĐH là 4,9 triệu/1,18 triệu (3,72 triệu ở độ tuổi không đi học CĐ, ĐH).
Như vậy có thể nói, chương trình BHYT cho HSSV tuy thực hiện rất có hiệu quả (trên 94% số HSSV tham gia BHYT năm 2018), nhưng mới bao phủ được 75% số người trong độ tuổi đi học. Vì vậy cần giải pháp vừa tăng cường thực hiện BHYT cho HSSV, vừa tìm giải pháp để 5,8 triệu đối tượng trong độ tuổi mà không đến trường có cơ hội tham gia BHYT. Để làm tốt việc này, cần các giải pháp như sau:
a) Cần xác định 5,8 triệu đối tượng (chiếm 6% tổng dân số cả nước) trong độ tuổi không đi học, đang ở đâu, trong đó có 3,78 triệu người (có 2,7 triệu ở nông thôn) ở tuổi học CĐ, ĐH nhưng không đi học. Liệu tất cả số 5,8 triệu có phải chưa được tham gia BHYT?
b) Nên quy định nhóm tuổi trẻ tuy không đến trường, nhưng được mua BHYT bằng mệnh giá như HSSV (được ngân sách hỗ trợ 30%), đảm bảo sự bình đẳng với nhóm HSSV.
Từ năm 2015-2020, nhờ sự nỗ lực hỗ trợ của các bộ ngành, địa phương, tỷ lệ tham gia BHYT luôn vượt chỉ tiêu Thủ tướng chính phủ giao và đang dần tiến tới mục tiêu 95% dân số tham gia BHYT vào năm 2025 và trên 95% vào 2030 theo mục tiêu mà Nghị quyết của Đảng đã đề ra. Một trong những giải pháp để giúp đạt mục tiêu là ngành BHXH Việt Nam nên nghiên cứu xác định, tuyên truyền, thúc đẩy nhóm người trẻ còn đang trong độ tuổi đi học tham gia BHYT, đề xuất các giải pháp hỗ trợ để bảo đảm quyền và nghĩa vụ của nhóm dân số trẻ trong thực hiện chính sách BHYT.■
TS.Nguyễn Văn Tiên- Nguyên Phó chủ nhiệm UBCVĐXH của Quốc hội
“Hướng dẫn cái đặt và đăng ký tài khoản VssID - ...
Bảo hiểm xã hội tỉnh Đắk Lắk nỗ lực phát triển ...
Sử dụng hình ảnh thẻ BHYT trên ứng dụng VSSID
Giới thiệu BHXH VN tiếng Việt
Giới thiệu ứng dụng VssID Bảo hiểm xã hội số