Gói hỗ trợ từ quỹ BH thất nghiệp mang tính nhân văn, chia sẻ

30/09/2021 03:20 PM


Nhiều chuyên gia đánh giá, việc sử dụng 30.000 tỷ từ kết dư quỹ BH thất nghiệp hỗ trợ NLĐ, DN trong đại dịch mang tính nhân văn cũng như thể hiện đúng bản chất và vai trò, ý nghĩa của BH thất nghiệp.

Vừa qua, trên cơ sở đề xuất của Chính phủ, Ủy ban TVQH đã nhất trí về việc sử dụng một phần kết dư Quỹ BH thất nghiệp năm 2020 để hỗ trợ cho NLĐ và người SDLĐ đang tham gia đóng BH thất nghiệp, tổng trị giá của gói hỗ trợ vào khoảng 38.000 tỷ đồng. Trong đó, tổng kinh phí hỗ trợ cho NLĐ khoảng 30.000 tỷ đồng, theo hình thức hỗ trợ bằng tiền một lần với các mức hỗ trợ khác nhau, dựa trên thời gian tham gia BH thất nghiệp, mức hỗ trợ từ 1,8- 3,3 triệu đồng/người. Tổng số tiền hỗ trợ tới người SDLĐ khoảng 8.000 tỷ đồng thông qua hình thức giảm mức đóng vào Quỹ BH thất nghiệp từ 1% xuống 0% quỹ lương hàng tháng của DN, thời gian thực hiện 12 tháng, từ 1/10/2021-30/09/2022.

Đánh giá về chính sách hỗ trợ NLĐ và người SDLĐ bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 từ quỹ BH thất nghiệp của Chính phủ, ông Phạm Văn Hòa- Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội đã ghi nhận giá trị nhân văn cũng như thể hiện đúng bản chất và vai trò, ý nghĩa của BH thất nghiệp. “Tôi cho rằng đây là điều rất quan trọng và hết sức cần thiết và mang tính nhân văn của Quốc hội cũng như của Chính phủ đã quan tâm, lo cho NLĐ. NLĐ được tin sẽ nhận được hỗ trợ như vậy sẽ rất mừng”- ông Hòa nhận định.

Ông Nguyễn Tiến Quang- Giám đốc VCCI Đà Nẵng cũng nhận định, gói hỗ trợ 38.000 tỷ đồng là cần thiết và kịp thời đối với DN cũng như NLĐ ở thời điểm này. Khi doanh nghiệp và NLĐ đang gặp khó khăn thì việc dùng quỹ BH thất nghiệp để hỗ trợ rất đúng mục đích và mục tiêu. Việc này không những giúp cho NLĐ vượt qua khăn mà còn giúp DN khởi tạo được nguồn lao động. “Khi dịch bệnh bùng phát, doanh nghiệp gặp khó khăn, nguồn lao động bị đứt gãy. Để phục hồi sản xuất, doanh nghiệp cần NLĐ quay trở lại. Gói hỗ trợ này rất kịp thời giúp NLĐ tiếp cận được nguồn hỗ trợ, doanh nghiệp cũng thuận lợi hơn trong tiếp cận nguồn lao động, chuẩn bị cho giai đoạn phục hồi sau dịch bệnh. Gói hỗ trợ cũng tạo kích thích tiêu dùng, góp phần tạo tiêu thụ sản phẩm, phục hồi sản xuất. Vì vậy, gói hỗ trợ này không chỉ là an sinh mà còn hỗ trợ sức mua cho nền kinh tế, tăng sức tiêu thụ của người dân để hoạt động kinh doanh được phát triển trở lại”- ông Quang cho biết thêm.

Dưới góc độ khác, ông Ngọ Duy Hiểu- Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam nhận định, quỹ BH thất nghiệp là quỹ tài chính độc lập với ngân sách Nhà nước. Quỹ được hình thành từ đóng góp của NLĐ, người SDLĐ và có sự hỗ trợ của Nhà nước, hoạt động theo nguyên tắc chia sẻ và đóng hưởng. Đại dịch Covid-19 bùng phát đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, việc làm, thu nhập của NLĐ. Trong bối cảnh đó, việc Ủy ban TVQH và Chính phủ có Nghị quyết về sử dụng quỹ BH thất nghiệp để hỗ trợ NLĐ, người SDLĐ là một chính sách rất nhân văn, cần thiết và cấp bách. Qua đó nhằm góp phần chia sẻ khó khăn đối với NLĐ, giúp ổn định cuộc sống, giảm bớt chi phí cho người SDLĐ để duy trì chuỗi cung ứng, sớm khôi phục, duy trì sản xuất.

Cũng theo đánh giá của ông Hiểu, trong 6 mức hỗ trợ NLĐ được nêu trong Nghị quyết 116 của Chính phủ thì nhóm lao động có thời gian tham gia BH thất nghiệp từ đủ 12 tháng đến dưới 60 tháng (nhóm 2) chiếm số đông nhất và được hưởng hỗ trợ nhiều nhất. Bởi theo số liệu dự tính nhóm này có trên gần 5 triệu người, chiếm khoảng 38,4% tổng số lao động được hỗ trợ (khoảng 12.780.000 người) với tổng số tiền sẽ được hỗ trợ khoảng 10.309 tỷ đồng. Tiếp theo nhóm lao động có thời gian tham gia BH thất nghiệp dưới 12 tháng (nhóm 1)- có gần 2,5 triệu người. “Một trong những điểm thuận lợi khi triển khai chính sách này là BHXH Việt Nam đã có cơ sở dữ liệu danh sách người tham gia BH thất nghiệp. Trên cơ sở dữ liệu này, BHXH Việt Nam sẽ lập danh sách và gửi xác nhận qua các cơ quan, DN. Gói hỗ trợ này có rất nhiều điều kiện thuận lợi trong quá trình tổ chức thực hiện vì toàn bộ ngân hàng thông tin về người đóng BH thất nghiệp đã có trong dữ liệu chung của BHXH Việt Nam. Đồng thời, chúng ta không phải mất nhiều thời gian để xác định đối tượng, điều tra, xác minh và thủ tục được xác định trên tinh thần của Nghị quyết thì nhanh, chính xác, đơn giản. Tôi tin rằng gói hỗ trợ này sẽ đến sớm nhất và nhanh nhất với NLĐ trong bối cảnh khó khăn hiện nay”- ông Hiểu khẳng định.

Phát biểu tại phiên giải trình việc thực hiện chính sách và quản lý quỹ BHXH năm 2020 mới đây, ông Đào Ngọc Dung- Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH nhấn mạnh, Việt Nam thực hiện BHXH từ năm 1995, nhưng so với thế giới thì “còn non trẻ”. Hiện nay, trên thế giới có 9 loại hình bảo hiểm, còn ở Việt Nam chỉ có 8 (thiếu bảo hiểm gia đình). 8 loại hình bảo hiểm này phát triển tương đối tốt trong những năm qua và các loại bảo hiểm này đều phát triển đồng bộ, hiệu quả, có kết dư tương đối tốt. Nếu vài năm trước đây, chúng ta lo lắng lớn nhất là vấn đề an toàn quỹ; nhiều người cứ nói về nguy cơ vỡ quỹ, thông tin rất nhiều chiều nhưng đến giờ, có thể khẳng định, các quỹ BHXH rất bền vững. Thậm chí, chúng ta còn dành được một lượng tiền rất lớn kết dư để hỗ trợ NLĐ, người SDLĐ. Cụ thể, Nghị quyết 03 của Ủy ban TVQH và Nghị quyết 116 của Chính phủ vừa qua dành tới 38.000 tỷ đồng để hỗ trợ NLĐ và người SDLĐ. Đây là quyết định chưa có tiền lệ. Để thực hiện quyết định này thì chúng ta phải có cơ sở từ trước, đó là nguồn lực từ các quỹ BHXH.

Tạp chí BHXH