Đắk Lắk hỗ trợ cho người lao động về từ các tỉnh, thành phố phía nam

12/10/2021 07:27 AM


Với số lượng lao động từ các tỉnh, thành phố phía nam trở về quá lớn và có hoàn cảnh khó khăn do trong một thời gian dài mất việc làm, chống chọi với dịch Covid-19. Đắk Lắk đã và đang tích cực hỗ trợ về mọi mặt để người lao động trở về sớm ổn định cuộc sống.

Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Đắk Lắk Nguyễn Hoàng Giang cho biết, từ ngày 2 đến 11/10, tỉnh Đắk Lắk đã tổ chức ba đợt đón công dân thuộc nhóm đối tượng ưu tiên và tiếp nhận 20.383 người dân từ các tỉnh, thành phố phía nam trở về. Nhằm tăng cường công tác chống dịch, tỉnh Đắk Lắk đã phân loại ngay tại chốt kiểm soát dịch cầu 14. Các huyện, thị xã, thành phố cử tổ công tác túc trực và đưa công dân về địa phương ngay, sau đó test nhanh, phân loại, sàng lọc để có hướng quản lý phù hợp.

Hiện nay, những lao động trở về từ các tỉnh, thành phố phía nam đang được các địa phương tổ chức cách ly theo đúng quy định và có sự giám sát chặt chẽ của cấp ủy, chính quyền địa phương.

Theo Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Đắk Lắk Nguyễn Hoàng Giang, hiện nay do số lượng người lao động từ các tỉnh, thành phố phía nam trở về địa phương rất lớn, trên 20.383 người và dự báo trong thời gian tới người dân sẽ tiếp tục còn về. Những lao động trở về phần lớn là trụ cột của gia đình nhưng bị thất nghiệp, thiếu việc làm. Tuy nhiên, để kiếm việc làm có thu nhập trong điều kiện dịch bệnh hiện nay là hết sức khó khăn, do đó nguy cơ thiếu đói ngày càng cao.

Bên cạnh đó, với số lượng người lao động trở về lớn còn tác động rất lớn đến tình hình an ninh trật tự, an toàn xã hội, nguy cơ lây lan dịch bệnh và gây nhiều áp lực trong giải quyết các vấn đề an sinh xã hội, đào tạo nghề, giải quyết việc làm... cho chính quyền và các ngành chức năng ở địa phương.

IMG_0163-1633945315124.jpg

Người lao động đến làm các thủ tục để nhận các chế độ, chính sách hỗ trợ của Chính phủ tại Bảo hiểm xã hội tỉnh Đắk Lắk. 

Trong điều kiện khăn khăn bộn bề, song tỉnh Đắk Lắk luôn quan tâm đón công dân trở về an toàn, chu đáo, thuận lợi và chăm lo đời sống tốt nhất để người dân sớm ổn định cuộc sống ở quê nhà. Với quan điểm đó, để hỗ trợ kịp thời cho số lao động này, trong đợt 1, UBND tỉnh Đắk Lắk đã cấp phát 534,39 tấn gạo cứu đói cho 9.981 hộ, với 35.626 khẩu cho người dân trên địa bàn gặp khó khăn do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Đồng thời sử dụng ngân sách mua 149,405 tấn gạo cứu đói cho 3.514 hộ, với 12.158 khẩu. Hiện nay, UBND tỉnh tiếp tục có tờ trình đề nghị Thủ tướng Chính phủ hỗ trợ hơn 1.014 tấn gạo để hỗ trợ cho người dân bị ảnh hưởng do dịch Covid-19 trên địa bàn, đặc biệt là những lao động từ các tỉnh, thành phố phía nam trở về.

Bên cạnh đó, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Đắk Lắk cũng tham mưu cho UBND tỉnh phê duyệt hỗ trợ Bảo hiểm xã hội cho 2.979 doanh nghiệp, người sử dụng lao động với 44.155 lao động, với kinh phí hơn 14 tỷ đồng; hỗ trợ bằng tiền mặt cho 5.865 người với kinh phí hơn 7,5 tỷ đồng; phê duyệt hỗ trợ cho 7 doanh nghiệp, người sử dụng lao động với 204 người lao động, với kinh phí hơn 1 tỷ đồng... Như vậy, đến nay tỉnh đã phê duyệt hỗ trợ cho 2.986 doanh nghiệp, người sử dụng lao động với 50.224 lao động, kinh phí hỗ trợ hơn 22,6 tỷ đồng.

Giám đốc Bảo hiểm xã hội tỉnh Đắk Lắk Nguyễn Khắc Tuấn cho biết: Thực hiện Nghị quyết 116/NQ-CP ngày 24/9/2021 của Chính phủ và Quyết định số 28/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ quy định thực hiện chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp, Bảo hiểm xã hội tỉnh Đắk Lắk đã thực hiện đa dạng, linh hoạt các hình thức giao dịch, tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để người lao động và người sử dụng lao động tiếp cận chính sách nhanh nhất, thuận lợi nhất. Cụ thể, thông qua cổng thông tin điện tử của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, Trung tâm hành chính công của tỉnh, các trang Zalo, Fanpage của Bảo hiểm xã hội tỉnh, đặc biệt là thông báo hằng ngày trên hệ thống loa truyền thanh của các xã, phường, thị trấn...

Đến thời điểm hiện nay, Bảo hiểm xã hội tỉnh Đắk Lắk đã gửi thông báo và thực hiện giảm mức đóng Bảo hiểm thất nghiệp từ 1% xuống 0% vào Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp trong 12 tháng kể từ 1/10/2021 đến 30/9/2022 cho 2.886 đơn vị sử dụng lao động với 48.950 lao động, với số tiền thụ hưởng trên 29,8 tỷ đồng. Bảo hiểm xã hội tỉnh cũng đã nhận được hồ sơ của 280 đơn vị đề nghị hỗ trợ 2.375 lao động, trong đó đã giải quyết chi cho 605 lao động với số tiền hơn 3,3 tỷ đồng.

Đồng thời có khoảng 51.000 người lao động sẽ được nhận hỗ trợ từ 1,8 đến 3,3 triệu đồng/người, với tổng số tiền dự kiến chi khoảng 132 tỷ đồng. Ngoài ra, Bảo hiểm xã hội tỉnh cũng lên phương án chi hỗ trợ đối với khoảng 25.000 đến 30.000 lao động dừng tham gia Bảo hiểm thất nghiệp do chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc trong khoảng thời gian từ ngày 1/10/2020 đến hết ngày 30/9/2021, có thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp bảo lưu theo quy định ở các tỉnh phía nam nhưng là người tại Đắk Lắk với số tiền dự kiến khoảng 60 tỷ đồng... Dù khối lượng công việc rất lớn, nhưng Bảo hiểm xã hội Đắk Lắk sẽ cố gắng đến ngày 15/10 sẽ giải quyết chi trả xong cho số lao động có ký hợp đồng lao động.

Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Đắk Lắk Nguyễn Hoàng Giang cho rằng, quá trình triển khai thực hiện Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 1/7/2021 của Chính phủ về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19, về chính sách giảm mức đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, theo quy định người sử dụng lao động hỗ trợ toàn bộ số tiền có được từ việc giảm đóng vào Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp cho người lao động phòng, chống Covid-19. Tuy nhiên, đến nay Trung ương vẫn chưa có hướng dẫn về nội dung chi cụ thể đối với khoản hỗ trợ này.

Đối với chính sách hỗ trợ người lao động chấm dứt hợp đồng lao động nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp, thời gian vừa qua nhiều lao động là công dân tỉnh Đắk Lắk trước đây làm việc ở các tỉnh, thành phố khác nhưng do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 phải chấm dứt hợp đồng lao động và quay trở về địa phương. Nay những người lao động này muốn đề nghị hỗ trợ thì rất khó khăn vì phải nộp hồ sơ về Trung tâm dịch vụ việc làm thuộc Sở lao động, Thương binh và Xã hội ở các tỉnh, thành phố trước đây mình làm việc...

Bên cạnh đó, hiện nay trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk số lao động tự do không có ký hợp đồng lao động từ các địa phương khác chuyển về rất lớn, trong khi đó hiện nay ngân sách tỉnh chỉ đáp ứng việc chi trả cho lao động tự do không có ký kết hợp đồng lao động làm việc trong tỉnh. Do đó, để mở rộng đối tượng hỗ trợ cho người lao động tự do từ các tỉnh, thành phố khác trở về, đề nghị Trung ương nghiên cứu hỗ trợ kinh phí cho tỉnh để triển khai thực hiện.

Báo Nhân dân