Nhận BHXH một lần, NLĐ không có gì đảm bảo cuộc sống khi hết tuổi lao động
18/11/2021 04:36 PM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Làn sóng Covid-19 khiến không ít NLĐ rơi vào cảnh mất việc, thất nghiệp và để có tiền trang trải cho cuộc sống, họ đã phải lựa chọn hưởng BHXH một lần. Dù giải quyết được nhu cầu trước mắt, nhưng khi hết tuổi lao động, NLĐ sẽ không có chỗ dựa do không có lương hưu.
Chị Đỗ Thị Thắm (48 tuổi, quê Thanh Hoá) làm công nhân ở Bình Dương và đã đóng BHXH được 15 năm. Trong mùa dịch trước, chị Thắm bị mất việc nên phải trở về quê. Dù đã xin việc khắp nơi, nhưng chị đều bị từ chối vì hầu hết DN chỉ tuyển nhân sự dưới 35 tuổi. Không còn cách nào khác, chị Thắm “ngậm đắng” rút BHXH một lần. “Cầm trên tay hơn 20 triệu đồng tiền BHXH một lần, tôi chưa bao giờ nghĩ sẽ phải rút chế độ một lần khi chưa đủ tuổi nghỉ hưu”- chị Thắm nói.
Là lao động chính trong gia đình, chị Thắm khổ sở vì rơi vào cảnh thất nghiệp. Với khoản tiền 20 triệu đồng, chị còn phải lo tiền học thêm cho con trai, tiền thuốc men cho mẹ và rồi vô số các khoản chi khác cho cuộc sống... Việc rút BHXH lần giúp gia đình chị Thắm giải quyết được những khó khăn trước mắt, nhưng lại khiến chị canh cánh nỗi lo cho tương lai không có lương hưu?
Trao đổi với phóng viên, bà Nguyễn Thị Lan Hương- nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Lao động-Xã hội (Bộ LĐ-TB&XH) cho biết, việc NLĐ rút BHXH một lần sẽ ảnh hưởng đến vấn đề an sinh trong tương lai và những trường hợp phải từ bỏ lương hưu chắc hẳn bất đắc dĩ mới phải làm vậy.
Cũng theo bà Nguyễn Thị Lan Hương, số tiền tham gia BHXH hiện nay do NLĐ đóng 8%, chủ DN đóng 18%. Đồng thời, theo quy định, số năm đóng BHXH là 20 năm được hưởng 45% tiền lương, sau đó mới tăng dần theo thời gian. Do vậy, nếu NLĐ rút BHXH một lần thì chỉ nên cho rút phần NLĐ đã đóng BHXH, phần còn lại do DN đóng thì giữ lại để sau này NLĐ có thể được hưởng hưu trí, để họ vẫn nằm trong hệ thống BHXH. Hoặc dựa vào số tiền BHXH còn lại của DN để có những chính sách bảo lãnh cho NLĐ vay hoặc thực hiện các chính sách về tín dụng.
Nhận định về vấn đề rút BHXH một lần, ông Lê Đình Quảng- Phó Trưởng ban Chính sách pháp luật (Tổng LĐLĐ Việt Nam) cho rằng, việc nhiều NLĐ nhận BHXH một lần ảnh hưởng đến mục tiêu bao phủ tham gia BHXH theo Nghị quyết 28-NQ/TW. Bên cạnh đó, rút BHXH còn ảnh hưởng rất lớn đến an sinh xã hội lâu dài và tính bền vững của chính sách, không đảm bảo được quyền lợi cho NLĐ khi về già, mà cụ thể là chế độ hưu trí và tử tuất.
“Do quy định của chính sách pháp luật thực sự chưa hấp dẫn, trong đó có điều kiện, thời gian tham gia để được hưởng chế độ hưu trí. Ngoài ra, công tác tuyên truyền để NLĐ nắm bắt được các chế độ, chính sách, đặc biệt phân tích những mặt lợi, hại của chính sách an sinh xã hội, nhất chế độ hưu trí chưa được tốt. Cùng với đó, thu nhập của NLĐ quá thấp, thường “ráo mồ hôi là hết tiền”. Đặc biệt, qua đợt dịch Covid-19 lần thứ 4 càng rõ NLĐ cứ nghỉ việc là không còn tiền tích trữ, nên nhiều người làm thủ tục BHXH một lần”- ông Quảng lý giải.
Cũng theo ông Quảng, việc NLĐ nhận BHXH một lần đồng nghĩa với việc họ rời bỏ hệ thống BHXH, tự tước bỏ quyền được tham gia, thụ hưởng các chế độ BHXH, đặc biệt là các chế độ dài hạn như hưu trí, tử tuất. Đây là một thực trạng đáng báo động, đáng lo ngại trong việc đảm bảo quyền lợi và chính sách an sinh xã hội lâu dài cho NLĐ. Do đó, giải pháp căn cơ nhất cho tình trạng trên là phải nâng cao thu nhập cho NLĐ để khi làm việc, họ đảm bảo được cuộc sống, còn khi họ nghỉ việc sẽ có tích trữ. Cùng với đó, cần tăng cường công tác truyền thông để NLĐ thấy được lợi ích của việc tham gia BHXH, nhất là chế độ hưu trí; sửa đổi quy định của pháp luật làm sao linh hoạt, hấp dẫn; tăng cường thực hiện các chính sách an sinh xã hội; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát để tránh các trường hợp vi phạm pháp luật…
Tạp chí BHXH
“Hướng dẫn cái đặt và đăng ký tài khoản VssID - ...
Bảo hiểm xã hội tỉnh Đắk Lắk nỗ lực phát triển ...
Sử dụng hình ảnh thẻ BHYT trên ứng dụng VSSID
Giới thiệu BHXH VN tiếng Việt
Giới thiệu ứng dụng VssID Bảo hiểm xã hội số