Cách ly tại nhà cho F0 thể nhẹ- Những việc cần làm trước khi dùng thuốc
25/02/2022 07:26 AM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Theo các chuyên gia, bên cạnh điều trị cho F0 tại nhà theo hướng dẫn của bác sĩ, người chăm sóc cũng như các F0 cũng cần lưu ý thực hiện một số việc như: Vệ sinh, khử khuẩn nhà cửa, đồ dùng, vật dụng trong nhà cũng như khi ăn uống...
Sau khi đạt được những mốc quan trọng về việc tiêm vắc-xin cho người dân, chúng ta đang bước sang một giai đoạn mới để chiến đấu với dịch bệnh bằng phương châm “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”. Hiện số người mắc Covid-19 trên cả nước đang gia tăng. Phần lớn những ca mắc đều ở thể nhẹ, có những triệu chứng lâm sàng như: Sốt, ho khan, đau họng, nghẹt mũi, mệt mỏi, đau đầu, đau mỏi cơ, tê lưỡi; tiêu chảy, chảy mũi, mất mùi, mất vị…Những F0 như vậy được khuyến cáo điều trị tại nhà, có theo dõi y tế, tự cách ly theo quy định.
Phác đồ điều trị cho F0 tại nhà đã được quy định cụ thể cho từng loại đối tượng. Trong đó, các loại thuốc cũng được quy định với từng thể mắc bệnh, chứ không phải cứ bị nhiễm virus SARS-CoV-2 là cuống cuồng tìm mua các loại thuốc khi chưa thật sự cần thiết. Đáng nói, trong khi nghỉ cách ly, nhiều người thường xem trên mạng xã hội quảng cáo rất nhiều loại thuốc nhằm mục đích trục lợi và gây hoang mang cho người dân. Do đó, việc dùng thuốc phải tuân theo chỉ dẫn của nhân viên y tế qua điện thoại hoặc cán bộ y tế địa phương.
Người bị F0 điều trị tại nhà cần nghỉ ngơi trong phòng riêng khép kín, nhưng vẫn đảm bảo thông thoáng. Tình trạng nghỉ trong điều kiện thời tiết rét của miền Bắc thường dẫn đến trì trệ cơ thể do nằm nhiều, ngủ nhiều. Vì vậy, người bệnh nên vận động thể lực nhẹ phù hợp với tình trạng sức khỏe, tập thở ít nhất 15 phút mỗi ngày vào thời điểm thích hợp, không nhất thiết cần phải dậy sớm quá. Đồng thời, nên uống nước thường xuyên, không đợi đến khi khát mới uống nước. Tuyệt đối không bỏ bữa, tăng cường dinh dưỡng bằng cách ăn đầy đủ chất, ăn trái cây, uống nước hoa quả… Cần xác định suy nghĩ tích cực, duy trì tâm lý thoải mái, yên tâm về cách đối phó với virus, không quá hoang mang lo lắng đến mất ăn mất ngủ…
Trong gia đình, cần bố trí bộ đồ ăn riêng cho người nhiễm Covid-19, nên sử dụng dụng cụ dùng một lần. Đồ ăn thừa và dụng cụ ăn uống dùng một lần bỏ vào túi đựng rác trong phòng riêng. Rửa bát đĩa bằng nước nóng và xà phòng. Người nhiễm Covid-19 có thể tự rửa bát đĩa trong phòng riêng. Nếu cần người chăm sóc hỗ trợ, thì người chăm sóc mang găng khi thu dọn đồ ăn và rửa bát đĩa. Bát đĩa và đồ dùng ăn uống của người nhiễm sau khi rửa để ở vị trí riêng, tốt nhất là để trong phòng người nhiễm.
Về xử lý đồ vải của F0, tốt nhất là người nhiễm có thể tự giặt quần áo của mình. Nếu cần người chăm sóc giặt, thì đeo găng tay khi xử lý đồ vải của người nhiễm. Giặt hoặc khử trùng túi giặt và giỏ đồ. Giặt bằng máy hoặc bằng tay với nước ấm nhất có thể. Sấy khô hoặc phơi khô hoàn toàn. Tháo găng, rửa tay sau khi xử lý đồ vải của người nhiễm. Nên giặt riêng đồ của người nhiễm với đồ của người khác. Lưu ý không giũ đồ bẩn cần giặt để hạn chế nguy cơ phát tán virus qua không khí.
Về vấn đề vệ sinh, tốt nhất là người nhiễm tự vệ sinh khu vực của mình. Để vệ sinh môi trường sạch sẽ cần làm sạch sàn nhà, tường và bề mặt, sau đó lau bằng dung dịch khử khuẩn, rồi lau lại bằng nước sạch. Lưu ý, nếu cần người chăm sóc hỗ trợ việc vệ sinh phòng, người chăm sóc cần mang găng trước khi vệ sinh.
Không nên quá quan tâm đến việc dùng thuốc nếu theo dõi cơ thể thấy không có triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ như đã nói ở trên. Với các thuốc hạ sốt, giảm ho, thuốc trị cảm cúm, bổ trợ cơ thể đều phải dùng theo liều lượng khuyến cáo. Kể cả thuốc bổ sung vitamin, nước hoa quả…dùng quá liều lượng cũng gây hại.
Cần thay đổi tư duy rất quan trọng hiện nay là dịch bệnh Covid-19 đã chuyển sang một giai đoạn khác. Không thể coi thường, nhưng cũng không nên trầm trọng hoá, đau khổ, thiểu não, do hậu quả của quá nhiều thông tin về dịch kéo dài và gây tử vong trong những đợt bùng phát lần trước.
Với F0 hiện nay, các chuyên gia y tế cho rằng, không nên quá quan trọng việc cách ly khắc nghiệt với họ, mà ngành y tế chỉ nên tập trung vào những ca nặng, có yếu tố nguy cơ chuyển nặng. Nghiên cứu, đánh giá của các nhà khoa học cho thấy, biến chủng Omicron dù lây lan nhanh, nhưng bệnh nhẹ, tỷ lệ chuyển nặng và tử vong rất thấp. Đại đa số bệnh nhân khi nhiễm Omicron đều không triệu chứng.
Các quốc gia trên thế giới hiện nay cũng đang dần gỡ bỏ các biện pháp kiểm dịch. Nhiều nước không còn quá khắc nghiệt trong chuyện cách ly F0 nữa, mà theo xu hướng tất cả F0 điều trị tại nhà, chỉ ca nặng mới tới viện. Thậm chí, có quốc gia không quá quan trọng việc cách ly F0 tại nhà, ngay cả với F1 họ cũng không yêu cầu cách ly mà cần tự theo dõi sức khỏe.
Tạp chí BHXH
“Hướng dẫn cái đặt và đăng ký tài khoản VssID - ...
Bảo hiểm xã hội tỉnh Đắk Lắk nỗ lực phát triển ...
Sử dụng hình ảnh thẻ BHYT trên ứng dụng VSSID
Giới thiệu BHXH VN tiếng Việt
Giới thiệu ứng dụng VssID Bảo hiểm xã hội số