Đắk Lắk: Chuyển biến từ thực hiện Nghị quyết 96-NQ/BCS về đổi mới, nâng cao chất lượng truyền thông BHXH, BHYT

14/10/2022 07:09 AM


Trên cơ sở định hướng Nghị quyết 96-NQ/BCS của Ban Cán sự Đảng BHXH Việt Nam về đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác truyền thông bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT) trong tình hình mới (Nghị quyết 96-NQ/BCS), BHXH tỉnh Đắk Lắk đã chủ động phát triển công tác truyền thông tạo chuyển biến mạnh mẽ từ nội dung, hình thức và phương pháp góp phần đưa chính sách BHXH, BHYT đến gần với người dân.

Kết hợp đồng bộ nhiều phương pháp

Đắk Lắk là tỉnh miền núi, thuộc trung tâm khu vực Tây Nguyên, có vị trí chiến lược quan trọng về chính trị, kinh tế, quốc phòng, an ninh. Với dân số trên 1,9 triệu người, trong đó 47 dân tộc, dân tộc thiểu số chiếm 32,5% (trong đó đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ chiếm 20,4%). Toàn tỉnh có 15 đơn vị hành chính cấp huyện, 184 xã, phường, thị trấn (trong đó 54 xã khu vực III, đặc biệt khó khăn về phát triển kinh tế - xã hội; trong đó có 608 buôn đồng bào dân tộc thiểu số). Với địa bàn rộng nên công tác truyền thông, vận động người tham gia BHXH, BHYT gặp nhiều khó khăn.

Tuyên truyền chính sách BHXH tự nguyện cho người dân

Ông Nguyễn Hồng Lĩnh - Trưởng Phòng Truyền thông và Phát triển đối tượng, BHXH tỉnh cho biết, theo định hướng tại Nghị quyết số 96/NQ-BCS, BHXH tỉnh Đắk Lắk đã chú trọng xây dựng nội dung truyền thông ngắn gọn, chuyển tải các thông điệp truyền thông gần gũi, dễ nhớ.

 “Bên cạnh các nội dung mang tính phổ biến kiến thức về chế độ BHXH, BHYT, chúng tôi cũng tăng cường đẩy mạnh truyền thông về ý nghĩa, vai trò, lợi ích, tính nhân văn của chế độ BHXH, BHYT, đặc biệt là chế độ BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình. Tích cực truyền thông về các gương người tốt, việc tốt, sáng kiến hay, hữu ích trong việc tham gia và thụ hưởng các chế độ chính sách BHXH, BHYT. Chú trọng nội dung truyền thông đặc thù như: truyền thông đối với người lao động trong các doanh nghiệp; truyền thông đối với người đồng bào dân tộc thiểu số; truyền thông phát triển BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình, BHYT HSSV…”, ông Nguyễn Hồng Lĩnh thông tin.

Từ năm 2018 tới nay, hằng năm BHXH tỉnh đã chủ động phối hợp với các Sở, ban, ngành, tổ chức chính trị-xã hội, đoàn thể triển khai hiệu quả hình thức truyền thông trực tiếp với hơn gần 800 hội nghị đối thoại trực tiếp, gần 700 cuộc tư vấn nhóm nhỏ, theo hộ gia đình.

Ngành BHXH ra quân tuyên truyền cao điểm về chính sách BHXH, BHYT

Giai đoạn 2020-2022, trước tình hình dịch Covid-19, cơ quan BHXH tinh đã chủ động phối kết hợp từ trực tuyến đến trực tiếp. Từ tháng 9/2021, BHXH tỉnh đã ban hành Quyết định thành lập hai kênh truyền thông chính thức trên mạng xã hội Zalo, Facebook với tên gọi “BHXH tỉnh Đắk Lắk”. Bên cạnh đó là 14/14 BHXH cấp huyện đều có hệ thống Fanpage hoặc nhóm face với trên 2.000 lượt đăng tải tin bài. Đồng thời, công chức, viên chức và người lao động toàn hệ thống tích cực sử dụng tài khoản cá nhân (Facebook, Zalo…) với trên 15.000 lượt đăng tải, chia sẻ các ấn phẩm truyền thông về BHXH, BHYT. Đặc biệt, thời gian này, việc triển khai hình thức truyền thông trên mạng xã hội với 08 chương trình livestream tuyên truyền BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình được phát huy tối đa và hiệu quả trên hệ thống Fanpage BHXH tỉnh.

Đáng chú ý là đã tổ chức 05 buổi ra quân tuyên truyền, vận động được gần 2.000 người dân tham gia BHXH tự nguyện và hơn 5.500 người tham gia BHYT hộ gia đình từ cấp tỉnh đến cấp huyện. Bên cạnh đó là tăng cường truyền thông trên hệ thống loa truyền thanh cơ sở đến tận thôn, buôn, xã phường về chính sách BHYT, BHXH với hơn 13.000 lượt phát thanh bằng nhiều thứ tiếng (Kinh, Ê đê, Mnông).

Tính đến hết tháng 9/2022, tỉnh Đắk Lắk có 105.031 người tham gia BHXH bắt buộc, tăng 2.954 người so với cuối năm 2021. Người tham gia BHYT đạt tỷ lệ bao phủ 87,62% dân số với hơn 1,6 triệu người, đạt 96% kế hoạch. Số tiền thu BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp 9 tháng đầu năm 2022 là 2.469 tỷ đồng, đạt 70,18% kế hoạch. Tỷ lệ người tham gia qua các năm đều tăng lên, điều này cho thấy công tác truyền thông đã góp phần chuyển biến nhận thức của người dân chủ động tham gia chính sách an sinh xã hội.

Tiếp tục linh hoạt đổi mới

Ông Nguyễn Khắc Tuấn - Giám đốc BHXH tỉnh Đắk Lắk nhận định, trong những năm qua, công tác truyền thông của BHXH tỉnh đã có những đóng góp tích cực vào kết quả thực hiện nhiệm vụ của đơn vị. Cụ thể, số người tham gia BHXH tự nguyện tại Đắk Lắk từ 1.600 người năm 2016, tăng lên gấp trên 10 lần, hiện đạt gần 18.000 người (tháng 9/2022). Số BHYT tiếp tục được duy trì và tăng trưởng tích cực, hiện đạt trên 1,6 triệu người tham gia, đạt gần 96% chỉ tiêu đặt ra.

Đoàn thanh niên BHXH tỉnh ra quân hỗ trợ cài đặt VSSID và tuyên truyền chính sách BHYT, BHXH

Thời gian đến, BHXH tỉnh sẽ tiếp tục chủ động trong công tác tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương chỉ đạo tổ chức thực hiện tốt công tác truyền thông chính sách BHXH, BHYT trên địa bàn. Tăng cường phối hợp với các sở, ban, ngành, tổ chức đoàn thể liên quan trong việc truyền thông chính sách BHXH, BHYT, bảo đảm thực hiện đồng bộ, hiệu quả. Hằng năm chú trọng xây dựng Kế hoạch công tác thông tin, truyền thông ngay từ đầu năm để chỉ đạo các đơn vị tổ chức, triển khai, thực hiện. Tiếp tục đổi mới nội dung truyền thông; đa dạng hình thức truyền thông hướng tới sự phù hợp với đặc thù của của các nhóm dân cư trên địa bàn. Đặc biệt phải xây dựng đội ngũ cán bộ tuyên truyền, hệ thống Tổ chức dịch vụ thu có đầy đủ các kỹ năng truyền đạt, am hiểu tâm lý, phong tục tập quán, ngôn ngữ của mọi người dân của các dân tộc khác nhau, phải bám sát những người có uy tín trong bản làng, thôn, buôn, tổ dân phố...

Tăng cường hơn nữa công tác truyền thông xuống tận cơ sở thông qua việc tổ chức Hội nghị đối thoại trực tiếp; góp phần làm chuyển biến về nhận thức và nâng cao được vai trò, trách nhiệm của các cấp, các ngành trong việc tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật BHXH, BHYT, BHTN trên địa bàn toàn tỉnh; nâng cao nhận thức, hiểu biết, ý thức chấp hành Luật BHXH, BHYT của đơn vị sử dụng lao động, người lao động và nhân dân.

Tại buổi làm việc ngày 5/10 về tình hình thực hiện chính sách BHXH, BHYT trên địa bàn 9 tháng năm 2022 và nhiệm vụ trong 3 tháng cuối năm, Tổng Giám đốc Nguyễn Thế Mạnh cũng yêu cầu, BHXH tỉnh Đắk Lắk cần tiếp tục mở rộng mạng lưới tổ chức dịch vụ thu đến từng thôn, bản. Với 47 dân tộc cùng sinh sống, công tác truyền thông cần linh hoạt, phù hợp với đặc điểm văn hóa từng dân tộc. Để làm được điều đó, BHXH tỉnh cần phát triển đội ngũ tuyên truyền viên rộng khắp là các già làng, trưởng ban, người có uy tín trong cộng đồng, con em đồng bào dân tộc thiểu số./.

Phạm Loan