Tăng cường tháo gỡ vướng mắc trong thanh toán chi phí KCB BHYT

01/11/2022 08:45 PM


Sáng 1/11, Tổng Giám đốc Nguyễn Thế Mạnh chủ trì cuộc họp với các đơn vị nghiệp vụ của BHXH Việt Nam bàn về tình hình thực tế và các giải pháp tháo gỡ vướng mắc trong thanh quyết toán chi phí KCB BHYT.

Đề cập các khoản chi KCB BHYT tồn đọng từ những năm trước, đưa vào chi quyết toán năm 2021, Ban Thực hiện chính sách BHYT cho biết, đây là những chi phí phát sinh vượt dự toán, vượt định mức kinh tế kỹ thuật và vượt tổng mức thanh toán được chấp thuận thanh toán sau khi thẩm định, xin ý kiến cơ quan chức năng.

Theo quy định, cơ quan BHXH chỉ có thể quyết toán các chi phí được cơ sở KCB đề nghị thanh toán cùng với các hồ sơ đề nghị đúng và đủ theo quy định. Trường hợp có các chi phí phát sinh tăng thêm do nguyên nhân khách quan, đặc thù trong năm, thì cơ quan BHXH phối hợp với cơ sở KCB xác định nguyên nhân, trong đó cơ sở KCB có trách nhiệm giải trình, làm rõ các yếu tố tăng giảm hợp lệ. Sau khi giám định các chi phí này, cơ quan BHXH mới có căn cứ đưa vào quyết toán, hoặc xin ý kiến của các cơ quan chức năng (HĐQL BHXH Việt Nam, Bộ Y tế, Chính phủ...) để có giải pháp tháo gỡ.

Hiện nay, vẫn còn một số chi phí KCB BHYT vượt định mức kinh tế kỹ thuật, vượt dự toán… vẫn đang được cơ sở KCB đề nghị cơ quan BHXH thanh toán, nhưng chưa đủ hồ sơ hợp lệ để làm căn cứ quyết toán. Nhiều cơ sở KCB đã vượt tổng mức thanh toán từ các năm trước, nhưng vẫn chưa giải trình được nguyên nhân hợp lý cho mức tăng này. Với các chi phí phát sinh từ trước năm 2021, đã được cơ sở KCB hoàn thiện hồ sơ đề nghị thanh toán, đang được BHXH Việt Nam tiếp nhận, giám định, phân loại để chuyển xin ý kiến các cơ quan chức năng theo quy định...

Riêng với năm 2021, đặc thù đại dịch Covid-19 đã làm gia tăng chi phí, tạo ra mức chênh lệch khá lớn giữa tổng mức thanh toán theo quy định và chi phí thanh toán sau khi đã giám định. Theo thống kê sơ bộ, tính chung cả nước trong năm 2021, chi phí chênh lệch này khoảng trên 4.000 tỷ đồng. Xác định đây là đặc thù của giai đoạn Covid-19, BHXH Việt Nam đã đồng thuận với Bộ Y tế và đã kiến nghị Chính phủ về việc không áp dụng Điều 24 trong việc xác định tổng thanh toán trong Nghị định 146/2018/NĐ-CP để thực hiện việc quyết toán năm 2021 theo giá dịch vụ y tế; ban hành Nghị quyết cho phép thanh toán đối với chi phí vượt tổng mức thanh toán của năm 2021...

Nhấn mạnh tạo điều kiện tối đa cho cơ sở KCB, đảm bảo quyền lợi người bệnh BHYT, Tổng Giám đốc Nguyễn Thế Mạnh chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ của BHXH Việt Nam tăng cường hơn nữa các giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn trong thanh quyết toán chi phí KCB BHYT. Cụ thể: Yêu cầu Ban Thực hiện chính sách BHYT theo sát thông tin chỉ đạo của Chính phủ về chi phí vượt tổng mức thanh toán năm 2021 để kịp thời thực hiện. Gấp rút giám định, xin ý kiến thẩm định của các cơ quan chức năng về các khoản chi phí tăng thêm để nhanh chóng có hướng giải quyết.

Tổng Giám đốc Nguyễn Thế Mạnh cũng yêu cầu thành lập một tổ công tác của BHXH Việt Nam do Phó Tổng Giám đốc Nguyễn Đức Hòa chủ trì, rà soát, đẩy nhanh tiến độ tháo gỡ các vướng mắc nêu trên; trong năm 2022 phải giải quyết dứt điểm các chi phí “tồn đọng” thuộc thẩm quyền của BHXH Việt Nam ngay khi cơ sở KCB cung cấp đủ các căn cứ, nguyên nhân phát sinh các chi phí này...

Tạp chí BHXH