Đóng bảo hiểm xã hội 15 năm cũng được hưởng lương hưu

16/03/2023 08:20 PM


Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) đề xuất, người lao động có thể đóng bảo hiểm xã hội tối thiểu 15 năm để được hưởng lương hưu. Quy định này tạo cơ hội cho những người tham gia bảo hiểm xã hội muộn, hoặc đối tượng tham gia không liên tục, cũng được hưởng lương hưu hằng tháng khi về già.

Lao động tại Công ty TNHH Cự Thành, Đồng Nai. (Ảnh: Thiên Vương).

Mở rộng quyền và lợi ích người tham gia bảo hiểm xã hội

Ngày 16/3, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội tổ chức họp báo thông tin về dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) (dưới đây gọi tắt là dự thảo Luật).

Phát biểu tại chương trình, Thứ trưởng Lao động-Thương binh và Xã hội Nguyễn Bá Hoan cho biết, Quốc hội thông qua hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) với 5 nhóm chính sách chính. Cụ thể là:

Chính sách 1: Xây dựng hệ thống bảo hiểm xã hội đa tầng, linh hoạt.

Chính sách 2: Mở rộng diện bao phủ đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội.

Chính sách 3: Mở rộng diện bao phủ đối tượng thụ hưởng bảo hiểm xã hội (lương hưu, bảo hiểm xã hội hằng tháng và trợ cấp hưu trí xã hội).

Toàn bộ dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) được lấy ý kiến các cơ quan, bộ, ngành, địa phương và nhân dân. Thời hạn lấy ý kiến từ ngày 28/2/2023 và kết thúc vào ngày 30/4/2023.

Chính sách 4: Bổ sung nội dung quy định quản lý thu, đóng bảo hiểm xã hội.

Chính sách 5: Đa dạng hóa danh mục, cơ cấu đầu tư Quỹ Bảo hiểm xã hội theo nguyên tắc an toàn, bền vững, hiệu quả.

Hồ sơ dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) hướng tới ba mục tiêu chính.

Thứ nhất, bảo đảm an sinh xã hội của người dân dựa trên quyền con người theo quy định của Hiến pháp và thể chế hóa các nội dung trong Nghị quyết số 28-NQ/TW ngày 23/5/2018 Hội nghị VII Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội theo hướng đa dạng, linh hoạt, đa tầng hiện đại, hội nhập quốc tế, tiến tới bao phủ bảo hiểm xã hội toàn bộ lực lượng lao động.

Thứ hai, sửa đổi căn bản các vướng mắc, bất cập từ thực tiễn thi hành Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 và Nghị quyết số 93/2015/QH13; bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp, tính đồng bộ, thống nhất, có tính khả thi, phù hợp tiêu chuẩn quốc tế và bảo đảm yếu tố bình đẳng giới.

Thứ ba, sửa đổi để mở rộng, gia tăng quyền, lợi ích, tạo sự hấp dẫn để thu hút người lao động tham gia bảo hiểm xã hội. Đồng thời, bảo đảm tốt nhất quyền lợi cho người lao động đang làm việc và người hưởng lương hưu. Hoàn thiện quy định quản lý nhà nước và hệ thống tổ chức thực hiện chuyên nghiệp, hiện đại, hiệu quả, công khai, minh bạch.

Để hoàn thiện trước khi trình Chính phủ và Quốc hội, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội tổ chức lấy ý kiến các cơ quan, bộ, ngành, địa phương và nhân dân đối với toàn bộ dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi). Thời hạn lấy ý kiến bắt đầu từ ngày 28/2/2023 và kết thúc vào ngày 30/4/2023.

Rút bảo hiểm xã hội một lần tối đa không quá 50%

Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) cũng xin ý kiến với 2 phương án với bảo hiểm xã hội một lần.

Phương án 1 là giữ nguyên quy định hiện hành của Luật và Nghị quyết 93/2015/QH13. Cụ thể: "Sau 12 tháng không thuộc diện tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, không tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện và có thời gian đóng bảo hiểm xã hội chưa đủ 20 năm".

Phương án 2 là quy định thay đổi theo hướng vẫn cho phép người lao động hưởng bảo hiểm xã hội một lần để trước mắt đáp ứng nhu cầu của bản thân, gia đình song vẫn bảo lưu phần còn lại để có thể tiếp tục tham gia và hưởng chế độ khi đủ tuổi nghỉ hưu.

Cụ thể: Sau 12 tháng không thuộc diện tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, không tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện và có thời gian đóng bảo hiểm xã hội chưa đủ 20 năm mà người lao động có yêu cầu thì được giải quyết một phần nhưng tối đa không quá 50% tổng thời gian đã đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất. Thời gian đóng bảo hiểm xã hội còn lại được bảo lưu, ghi nhận trên sổ bảo hiểm xã hội để người lao động tiếp tục tham gia và hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội.

Ông Nguyễn Duy Cường nhấn mạnh, dù phương án nào, mục tiêu cuối cùng cũng là khuyến khích người lao động ở lại hệ thống để được thụ hưởng tối đa các quyền lợi dài hạn khi họ đến tuổi nghỉ hưu, tránh những thiệt hại bất lợi khi họ hưởng bảo hiểm xã hội một lần.

Sau 12 tháng không thuộc diện tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, không tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện và có thời gian đóng bảo hiểm xã hội chưa đủ 20 năm mà người lao động có yêu cầu thì được giải quyết một phần nhưng tối đa không quá 50% tổng thời gian đã đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất. Thời gian đóng bảo hiểm xã hội còn lại được bảo lưu, ghi nhận trên sổ bảo hiểm xã hội để người lao động tiếp tục tham gia và hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội.
(Nguồn: Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi))

Còn Phó Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam Lê Hùng Sơn cho biết, xu hướng rút bảo hiểm xã hội một lần có tăng trong thời gian gần đây.

Ở giai đoạn 2016-2021, trung bình mỗi năm có hơn 700 nghìn người rút bảo hiểm xã hội một lần. Riêng năm 2022, có gần 900 nghìn người rút bảo hiểm xã hội một lần. Điều này có nghĩa là hàng triệu người lao động bị ra khỏi lưới an sinh, không được bảo đảm cuộc sống khi về già.

Ông Sơn nhận định, qua các phương án mà ban soạn thảo dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) đưa ra, cần đẩy mạnh công tác truyền thông để người lao động hiểu rằng, việc tham gia bảo hiểm xã hội chưa đủ điều kiện hưởng lương hưu theo dự thảo Luật trong thời gian tới có nhiều sự lựa chọn. Khi bị mất việc, nếu chưa đủ năm đóng bảo hiểm xã hội để được hưởng lương hưu, người lao động có thể bảo lưu để được cộng nối thời gian tham gia, đủ 15 năm là được hưởng lương hưu khi hết tuổi lao động. Cơ quan an sinh xã hội và bảo hiểm xã hội sẵn sàng chờ người lao động quay lại thị trường lao động, có việc làm, có thu nhập, cộng nối thời gian tham gia bảo hiểm xã hội để sau này hưởng lương hưu.

Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội có sửa đổi, bổ sung thêm nhiều nội dung cụ thể khác. Toàn văn nội dung dự thảo Luật hiện đang được đăng tải để xin ý kiến rộng rãi nhân dân tại website Chính phủ (www.chinhphu.vn) và website Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội (www.molisa.gov.vn).

5 nhóm chính sách chính trong Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi)

Chính sách 1: Xây dựng hệ thống bảo hiểm xã hội đa tầng, linh hoạt;

Chính sách 2: Mở rộng diện bao phủ đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội.

Chính sách 3: Mở rộng diện bao phủ đối tượng thụ hưởng bảo hiểm xã hội (lương hưu, bảo hiểm xã hội hằng tháng và trợ cấp hưu trí xã hội).

Chính sách 4: Bổ sung nội dung quy định quản lý thu, đóng bảo hiểm xã hội.

Chính sách 5: Đa dạng hóa danh mục, cơ cấu đầu tư Quỹ Bảo hiểm xã hội theo nguyên tắc an toàn, bền vững, hiệu quả.

Báo Nhân dân