Truyền thông hướng tới đảm bảo quyền thụ hưởng an sinh xã hội của mọi người dân

13/04/2023 04:02 PM


Sáng 12/4, tại Hòa Bình, BHXH Việt Nam tổ chức Hội nghị tập huấn Kỹ năng, nghiệp vụ thông tin, truyền thông năm 2023 khu vực miền Bắc, với sự tham dự và chỉ đạo của Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Đào Việt Ánh.

“Chìa khóa” phát triển bền vững người tham gia BHXH, BHYT

Hội nghị có sự tham dự của Lãnh đạo các đơn vị nghiệp vụ của BHXH Việt Nam, đại diện BHXH Bộ Quốc phòng, BHXH Công an nhân dân, cùng BHXH của 20 tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc. Đây là Hội nghị tập huấn định kỳ hằng năm nhằm bồi dưỡng, trang bị kiến thức, bồi dưỡng kỹ năng, nghiệp vụ cho lãnh đạo và cán bộ trực tiếp làm công tác truyền thông của BHXH các địa phương. Hội nghị cũng mở đầu cho chuỗi Hội nghị tập huấn năm 2023, dự kiến được tổ chức tại ba miền Bắc- Trung- Nam.

Nhấn mạnh vai trò công tác truyền thông trong triển khai nhiệm vụ của ngành BHXH Việt Nam, Phó Tổng Giám đốc Đào Việt Ánh chỉ rõ: “Truyền thông là chìa khóa trong việc phát triển bền vững người tham gia BHXH, BHYT”. Phó Tổng Giám đốc dẫn chứng thực tế: Năm 2022 đặt ra rất nhiều khó khăn với chỉ tiêu nhiệm vụ cao hơn nhiều so với năm 2021, trong khi dịch bệnh Covid-19 trong những tháng đầu năm, sự suy giảm đơn hàng trong những tháng cuối năm đều tác động trực tiếp đến việc thực hiện nhiệm vụ của ngành BHXH; đồng thời nhiều chính sách như chính sách về BHYT cho đồng bào dân tộc thiểu số chưa được điều chỉnh kịp thời. Tuy nhiên, năm 2022 toàn ngành BHXH Việt Nam đã hoàn thành và hoàn thành vượt kế hoạch tất cả các chỉ tiêu được Chính phủ, Quốc hội giao (số người tham gia BHXH là 17,5 triệu người, đạt 38,08% lực lượng lao động trong độ tuổi, vượt 1,08% so với chỉ tiêu tại Nghị quyết số 01 của Chính phủ...). Đặc biệt số người tham gia BHYT đạt được 92,04% dân số (91,074 triệu người), vinh dự là 1 trong 7 chỉ tiêu kinh tế- xã hội chủ yếu vượt chỉ tiêu được Quốc hội giao. “Trong thành tích chung của toàn Ngành BHXH năm 2022, có sự đóng góp quan trọng của công tác truyền thông, của đội ngũ cán bộ làm công tác truyền thông từ trung ương đến địa phương”, Phó Tổng Giám đốc Đào Việt Ánh đánh giá.

Trong thời gian qua, toàn ngành BHXH đã không ngừng đổi mới nội dung, hình thức, phương pháp truyền thông chính sách theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Các hoạt động truyền thông của Ngành được triển khai chuyên nghiệp, bài bản và có sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả của các cấp chính quyền và cơ quan thông tấn, báo chí từ Trung ương đến địa phương. Các kênh truyền thông được thực hiện đa dạng, phong phú, linh hoạt và ngày càng phù hợp với từng nhóm đối tượng, từng vùng miền và đặc thù của từng địa phương. Truyền thông hiện đại, truyền thông qua mạng xã hội, truyền thông ứng dụng số ngày càng được ngành BHXH đẩy mạnh, hiệu quả lan tỏa cao. Thống kê sơ bộ cho thấy, trong năm 2022 và quý I/2023, toàn quốc đã tổ chức khoảng 950 cuộc ra quân truyền thông về BHXH tự nguyện và BHYT hộ gia đình; gần 204.700 hội nghị truyền thông, tư vấn, đối thoại cho trên 3 triệu lượt người tham gia; đăng tải khoảng 39.700 tin, bài, phóng sự trên các phương tiện thông tin đại chúng; đăng tải khoảng 49.500 tin, bài trên hệ thống Cổng TTĐT của hệ thống các cơ quan BHXH; truyền tải gần 988.000 lượt tin, bài, video trên mạng xã hội; phối hợp thực hiện gần 1,3 triệu lượt phát thanh trên hệ thống loa truyền thanh cơ sở...

Linh hoạt các “kênh” truyền thông tiếp cận người dân

Tại hội nghị tập huấn kỹ năng, nghiệp vụ thông tin, truyền thông năm 2023 này, các cán bộ truyền thông ngành BHXH được chia sẻ thông tin và thảo luận về 2 chuyên đề: “Kỹ năng truyền thông trực tiếp về BHXH, BHYT” của diễn giả ThS.BS.Đào Thị Tuyết- Tư vấn độc lập chuyên ngành Truyền thông, Giáo dục, Sức khỏe; và “Kỹ năng giao tiếp với báo chí” từ ThS.Nguyễn Thị Hải Yến- Khoa Tâm lý- giáo dục, Học viện Quản lý giáo dục.

Các chuyên đề nhằm cung cấp, trang bị, cập nhật những nội dung, kỹ năng cần thiết, đồng thời chia sẻ kinh nghiệm, cách làm hiệu quả trong truyền thông chính sách, hỗ trợ BHXH các địa phương tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc phát sinh trong công tác truyền thông chính sách BHXH, BHYT thời gian qua. Cụ thể như từ năm 2022, mức đóng BHXH tự nguyện tối thiểu điều chỉnh tăng (do tăng mức chuẩn nghèo khu vực nông thôn), khiến nhiều người dân đang tham gia BHXH tự nguyện “dao động”. Bên cạnh đó, tác động của Quyết định số 861/QĐ-TTg; Quyết định số 353/QĐ-TTg ngày 15/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ khiến nhiều người dân thuộc các đối tượng trên không còn được Nhà nước cấp thẻ BHYT, dẫn đến công tác truyền thông, vận động nhóm đối tượng này chuyển sang tham gia BHYT hộ gia đình gặp nhiều khó khăn... Ngành BHXH cũng đang phải khắc phục sự thiếu hụt nhân lực truyền thông, khi số viên chức, NLĐ thuộc Phòng Truyền thông tại các địa phương được đào tạo chuyên ngành báo chí, truyền thông chiếm tỷ lệ rất nhỏ; chưa có cán bộ chuyên trách thực hiện công tác truyền thông tại BHXH cấp huyện. Cạnh đó, kỹ năng truyền thông của một số nhân viên tổ chức dịch vụ thu còn hạn chế... ảnh hưởng đến hiệu quả triển khai công tác truyền thông tại các địa phương...

Theo Trung tâm Truyền thông (BHXH Việt Nam), Quyết định số 294/QĐ-LĐTBXH ngày 3/3/2021 về phê duyệt Kế hoạch tuyên truyền BHXH đến năm 2025 của Bộ LĐ-TB&XH, và Kế hoạch số 4057/KH-BHXH ngày 30/12/2022 về công tác thông tin, truyền thông năm 2023 của BHXH Việt Nam đã đặt ra một số mục tiêu cụ thể về hiệu quả công tác truyền thông. Theo đó, cần đạt được 100% cán bộ, đảng viên được tuyên truyền về ý nghĩa, tầm quan trọng, lợi ích của 11 nội dung cải cách chính sách BHXH trong Nghị quyết số 28-NQ/TW và các Luật, Nghị quyết mới của Quốc hội cụ thể hóa nội dung cải cách BHXH. Có 55% lực lượng lao động trong độ tuổi được tuyên truyền chính sách, pháp luật về BHXH; hiểu được ý nghĩa, tầm quan trọng, lợi ích của 11 nội dung cải cách chính sách BHXH trong Nghị quyết số 28-NQ/TW và các quy định mới của Quốc hội, Chính phủ cụ thể hóa nội dung cải cách. Truyền thông đến 25% lực lượng lao động trong độ tuổi được tuyên truyền chính sách, pháp luật về BHXH tự nguyện, ý nghĩa, tầm quan trọng, lợi ích của việc tham gia BHXH tự nguyện.

“Nhiệm vụ của Ngành BHXH Việt Nam năm 2023 và những năm tiếp theo là hết sức to lớn và nhiều thách thức. Chúng ta vừa phải giữ vững kết quả đã đạt được, đồng thời chúng ta phải thực hiện có kết quả lộ trình BHXH, BHYT toàn dân với chỉ tiêu nhiệm vụ năm sau luôn cao hơn năm trước. Để hoàn thành nhiệm vụ được giao, chúng ta phải tiếp tục nâng cao hơn nữa hiệu lực, hiệu quả trong tất cả các lĩnh vực, trong đó có lĩnh truyền vực thông”, Phó Tổng Giám đốc- Đào Việt Ánh nhấn mạnh. Lãnh đạo BHXH Việt Nam cũng chỉ rõ, truyền thông chính sách BHXH, BHYT sẽ phải tiếp tục có những đổi mới mang tính bước ngoặt nhằm đáp ứng yêu cầu thực tiễn ngày càng cao. Truyền thống chính sách BHXH, BHYT phải huy động được sự vào cuộc chủ động, tích cực của cả hệ thống chính trị và từng cơ quan, đơn vị, người dân. Góp phần lan tỏa tính nhân văn, ưu việt của các chính sách an sinh, đồng thời nâng cao ý thức chấp hành pháp luật BHXH, BHYT của mọi người dân và toàn xã hội...

Trong giai đoạn hiện nay, một trong những nội dung truyền thông cần được chú trọng khác là những tiện ích cho người dân, DN khi sử dụng dịch vụ công của Ngành nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người tham gia BHXH, BHYT, BHTN. Cụ thể như: việc sử dụng các ứng dụng số, dịch vụ công trực tuyến, thanh toán trực tuyến; truyền thông để người dân hiểu và thực hiện các dịch vụ Ngành triển khai theo Đề án 06; ứng dụng VssID-BHXH số; truyền thông, hướng dẫn người dân nhận các khoản chi trả lương hưu, trợ cấp BHXH hàng tháng qua tài khoản cá nhân. Truyền thông biểu dương, khen thưởng, truyền cảm hứng thông qua vận động, thuyết phục, cổ vũ các tổ chức, cá nhân, các nhà hảo tâm làm công tác thiện nguyện trong lĩnh vực BHXH, BHYT, tặng sổ BHXH, thẻ BHYT cho người dân có hoàn cảnh khó khăn; biểu dương các cá nhân, đơn vị, DN thực hiện tốt chính sách BHXH, BHYT...

Tạp chí BHXH