Tai nạn lao động - Bệnh nghề nghiệp: Một chế độ Bảo hiểm xã hội chưa được quan tâm đúng mức

04/08/2011 12:17 AM


Khai thác đá nghề có nguy cơ cao về TNLĐ-BNN

Theo điều 39 Luật BHXH thì người lao động được hưởng chế độ TNLĐ khi có đủ các điều kiện sau:

- Bị tai nạn tại nơi làm việc và trong giờ làm việc;

- Bị tai nạn ngoài nơi làm việc hoặc ngoài giờ làm việc khi thực hiện công việc theo yêu cầu của người sử dụng lao động;

- Bị tai nạn trên tuyến đường đi và về từ nơi ở đến nơi làm việc trong khoản thời gian và tuyến đường hợp lý;

- Suy giảm khả năng lao động từ 5% trở lên do bị tai nạn.

Đối với BNN, theo điều 40 Luật BHXH thì người lao động được hưởng chế độ này khi: Bị bệnh thuộc danh mục bệnh nghề nghiệp do Bộ Y tế và Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội ban hành khi làm việc trong môi trường hoặc nghề có yếu tố độc hại; mức độ suy giảm khả năng lao động từ 5% trở lên do bị BNN.

Thực tế, trong quá trình lao động, nhiều trường hợp đã xảy ra TNLĐ-BNN, đặc biệt là những trường hợp tai nạn giao thông được xác định là TNLĐ. Tuy nhiên, nhiều trường hợp đã không được giải quyết hưởng chế độ TNLĐ-BNN, ảnh hưởng đến quyền lợi của người lao động.

Trước hết, phải nói rằng phần lớn người lao động và chủ sử dụng lao động chưa nắm rõ về chế độ TNLĐ-BNN, khi xảy ra TNLĐ-BNN, cơ quan, đơn vị thường hỗ trợ một phần nhỏ chi phí chữa trị cho người bị nạn và không đề nghị giải quyết chế độ. Thông thường người lao động còn tham gia các loại hình bảo hiểm khác, vì thế khi bị tai nạn chỉ chú ý đến việc đền bù thiệt hại thân thể ở các đơn vị bảo hiểm thương mại, chưa chú ý đến quyền lợi BHXH của mình.

Mặc khác, khi xảy ra TNLĐ-BNN, người sử dụng lao động không thông báo cho các cơ quan chức năng, hoặc khai báo không trung thực, sợ ảnh hưởng đến thành tích thi đua, né tránh việc giải quyết chế độ và đền bù thiệt hại cho người lao động theo quy định của Nhà nước; một số tổ chức công đoàn cơ sở chưa nắm rõ chính sách và chưa có biện pháp hữu hiệu để bảo vệ người lao động. Một số cơ quan đơn vị chưa chú ý đến quyền lợi của người lao động, chưa thực hiện đúng chức năng của mình, ngại lập hồ sơ, xem việc giải quyết chế độ TNLĐ-BNN là việc giữa người lao động với cơ quan BHXH…Một số trường hợp TNLĐ-BNN nhưng lập hồ sơ hưởng chế độ ốm đau, bảo hiểm y tế…

Một thực tế cần nói đó là việc né tránh, không đóng BHXH cho người lao động, những ngành nghề hay xảy ra TNLĐ-BNN như: Xây dựng, cầu đường, cơ khí…đa số là lao động phổ thông, ít được huấn luyện kỹ thuật an toàn lao động và phần lớn bị người sử dụng lao động trốn đóng BHXH, bảo hiểm y tế, do vậy khi xảy ra TNLĐ-BNN họ không được hưởng chế độ trợ cấp BHXH.

Bị TNLĐ-BNN là điều không may mắn và không ai muốn, nhưng dù nguyên nhân khách quan hay chủ quan, khi bị TNLĐ-BNN nhưng không được giải quyết hưởng chế độ BHXH là một thiệt thòi rất lớn của người lao động và thân nhân của họ, không chỉ thiệt thòi về vật chất, ảnh hưởng đến tinh thần của người lao động mà còn tác động lâu dài về mặt xã hội, ảnh hưởng đến chính sách an sinh xã hội của Đảng và Nhà nước ta. Người lao động và chủ sử dụng lao động cần chú ý hơn nữa đến quyền lợi và nghĩa vụ của mình, thực hiện đầy đủ nghĩa vụ đóng BHXH-BHYT và giải quyết chế độ BHXH khi không may xảy ra TNLĐ-BNN, đảm bảo quyền lợi cho người lao động và đảm bảo sự ổn định của nền an sinh xã hội nói chung.

Trương Văn Bá

Phòng Kiểm tra - BHXH Đắk Lắk