Kế hoạch của Bộ Y tế triển khai thực hiện Đề án “Thực hiện lộ trình tiến tới BHYT toàn dân giai đoạn 2012-2015 và 2020”

26/09/2013 01:59 AM



Ảnh minh hoạ (Nguồn: Internet)

Theo đó, mục đích nhằm tổ chức triển khai thực hiện Quyết định số 538/QĐ-TTg ngày 29/03/2013 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Thực hiện lộ trình tiến tới BHYT toàn dân giai đoạn 2012-2015 và 2020” thống nhất trong hoàn toàn ngành, đồng bộ và hiệu quả.
Yêu cầu: hướng dẫn, triển khai, kiểm tra, giám sát và thực hiện có hiệu quả các nội dung của Quyết định số 538/QĐ-TTg ngày 29/03/2013 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Thực hiện lộ trình tiến tới BHYT toàn dân giai đoạn 2012-2015 và 2020” với 03 mục tiêu: Tăng tỷ lệ dân số tham gia BHYT, phấn đấu đến năm 2015 đạt tỷ lệ trên 70% dân số tham gia BHYT, đến năm 2020 có trên 80% dân số tham gia BHYT.
Nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh BHYT, bảo đảm quyền lợi của người tham gia BHYT, theo quy định của pháp luật, đáp ứng nhu cầu khám bệnh, chữa bệnh của người tham gia BHYT.
Từng bước đổi mới cơ chế tài chính theo hướng đầu tư trực tiếp cho người thụ hưởng dịch vụ y tế thông qua hình thức hỗ trợ tham gia BHYT, bảo đảm cân đối thu – chi quỹ BHYT, phấn đấu giảm tỷ lệ chi tiêu y tế trực tiếp từ tiền túi của hộ gia đình xuống dưới 40% vào năm 2020.
Hoạt động thực hiện Đề án giai đoạn 2012-2015
Kế hoạch thực hiện Đề án tiến tới BHYT toàn dân này thực hiện trong giai đoạn 2012-2015. Sau 2015, mục tiêu và các hoạt động sẽ được điều chỉnh trên cơ sở tổng kết quá trình triển khai Đề án giai đoạn 2012-2015 và thực hiện các quy định mới của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT.
Nội dung: xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT; ban hành các Thông tư hướng dẫn thực hiện Luật BHYT: Thông tư ban hành danh mục thuốc được Quỹ BHYT thanh toán; Thông tư ban hành danh mục dịch vụ kỹ thuật cao, chi phí lớn được Quỹ BHYT thanh toán; Thông tư ban hành danh mục vật tư y tế thuộc phạm vi thanh toán của Quỹ BHYT…; Thông tư liên tịch sửa đổi, bổ dung Thông tư liên tịch số 09/2009/TTLT-BYT-BTC ngày 14/08/2009 của liên Bộ Y tế và Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện BHYT; Thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư số 10/2009/TT-BYT ngày 14/08/2009 của Bộ Y tế hướng dẫn đăng ký khám bệnh, chữa bệnh ban đầu và chuyển tuyến khám bệnh, chữa bệnh BHYT; xây dựng và hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật khác liên quan đến BHYT.
Tăng cường vai trò của các cấp chính quyền trong việc tăng tỷ lệ bao phủ BHYT
Phối hợp với các Vụ, Cục của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các Ban của BHXH Việt Nam đưa chỉ tiêu thực hiện BHYT vào hệ thống chỉ tiêu, kế hoạch quốc gia trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; phối hợp với các Vụ, Cục của Bộ Y tế, các Ban của BHXH Việt Nam hướng dẫn UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trình HĐND cùng cấp thông qua chỉ tiêu BHYT toàn dân của địa phương trong chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội hàng năm, 05 năm của địa phương.
Thực hiện các giải pháp nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh
Thực hiện các giải pháp nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh của người tham gia BHYT, nâng cao năng lực y tế tuyến dưới. Triển khai thực hiện các đề án về giảm quá tải bệnh viện, đề án nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, đề án bệnh viện vệ tinh, đề án bác sỹ gia đình.
Đẩy mạnh công tác y tế dự phòng và chăm sóc sức khỏe ban đầu
Xây dựng và thực hiện các chương trình phòng chống các bệnh truyền nhiễm, các bệnh không lây nhiễm, các bệnh học đường, bệnh nghề nghiệp, tai nạn thương tích, phòng chống suy dinh dưỡng. Xây dựng kế hoạch, giải pháp thực hiện công tác y tế dự phòng, nâng cao sức khỏe cho người dân. Đơn vị chủ trì là Cục Y tế dự phòng; đơn vị phối hợp là các Cục: Quản lý Môi trường Y tế, Quản lý Khám chữa bệnh và các đơn vị có liên quan.
Thực hiện các giải pháp đổi mới cơ chế tài chính
Các giải pháp đổi mới cơ chế tài chính: nội dung là hướng dẫn thực hiện Nghị định số 85/2012/NĐ-CP ngày 15/10/2012 của Chính phủ “Về cơ chế hoạt động, cơ chế tài chính đối với các đơn vi sự nghiệp y tế công lập và giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh của các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh công lập”; sửa đổi, bổ sung giá thu một phần viện phí theo hướng tính đúng, tính đủ, thống nhất giá dịch vụ y tế giữa các bệnh viện cùng hạng; đổi mới, áp dụng các phương pháp thanh toán chi trả chi phí khám, chữa bệnh phù hợp; tiếp tục thực hiện việc chuyển đổi cơ chế cấp ngân sách nhà nước gắn với lộ trình điều chỉnh giá dịch vụ y tế, để thực hiện chuyển hình thức cấp ngân sách của nhà nước cho cơ sở cung ứng dịch vụ sang cấp cho đối tượng thụ hưởng thông qua hình thức BHYT, phù hợp với điều kiện thực tế của từng giai đoạn phát triển. Đơn vị chủ trì là Vụ Kế hoạch – Tài chính; đơn vị phối hợp là Vụ BHYT, Cục Quản lý Khám chữa bệnh và các đơn vị có liên quan.
Xây dựng chính sách hỗ trợ mức đóng BHYT cho một số đối tượng. Nghiên cứu, đề xuất tăng tỷ lệ phân bổ kinh phí y tế hàng năm, bao gồm cả hỗ trợ cho tiếp tục mở rộng đối tượng tham gia BHYT đối với các địa phương vận động được nhiều người tham gia BHYT. Đơn vị chủ trì là Vụ BHYT; đơn vị phối hợp là Vụ Kế hoạch – Tài chính và các đơn vị có liên quan.
Công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách pháp luật BHYT
Tổ chức các hội nghị, hội thảo triển khai thực hiện Đề án tiến tới BHYT toàn dân tới các địa phương, hướng dẫn các địa phương tổ chức thực hiện Đề án tiến tới BHYT toàn dân;
xây dựng kế hoạch và tổ chức tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật về BHYT đối với tất cả các nhóm đối tượng, trên phạm vi toàn quốc.
Nội dung: tổ chức các hội nghị, hội thảo tập huấn cho cán bộ của Bộ, ngành, Sở Y tế, BHXH tỉnh, các bệnh viện về chính sách BHYT; tổ chức các hoạt động tuyên truyền pháp luật về BHYT trên các phương tiện thông tin đại chúng nhằm thay đổi nhận thức, hành vi của người dân trong việc tham gia và sử dụng thẻ BHYT; tiếp tục thực hiện các hình thức truyền thông đã và đang được áp dụng có hiệu quả, trong đó chú ý các hình thức như: tờ gấp, sách hỏi đáp pháp luật bỏ túi… tổ chức cho người lao động tại các doanh nghiệp tham gia các cuộc thi tìm hiểu pháp luật BHYT trên truyền hình, trên báo, đài và tại các địa phương, cơ sở; truyền thông vận động tham gia BHYT như: người thuộc hộ gia đình cận nghèo, người thuộc hộ gia đình nông, lâm, ngư, diêm nghiệp, người lao động trong các doanh nghiệp…
Thanh tra, kiểm tra thực hiện chính sách pháp luật về BHYT
Tổ chức thanh tra chuyên ngành về BHYT nhằm phát hiện kịp thời, có biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn, các hành vi vi phạm pháp luật về BHYT. Thực hiện nghiêm Nghị định số 92/2011/NĐ-CP ngày 17/10/2011 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực BHYT.
Kiểm tra, giám sát, đánh giá việc thực hiện Đề án BHYT toàn dân
Kiểm tra, giám sát, đánh giá việc thực hiện Đề án tiến tới BHYT toàn dân, bao gồm các nội dung: Chỉ đạo, triển khai Đề án, phát triển đối tượng tham gia BHYT, bảo đảm quyền lợi cho người tham gia, cái cách thủ tục hành chính tạo điều kiện thuận lợi cho người bệnh trong tiếp cận dịch vụ y tế, việc quản lý, sử dụng hiệu quả Quỹ BHYT./.


Nguồn: Tạp chí Bảo hiểm xã hội