Nhiều nước giàu hơn Việt Nam vẫn “thua” về bảo hiểm y tế

08/11/2013 07:34 AM



Sáng 7/11, Quốc hội làm việc về việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo hiểm y tế (BHYT) giai đoạn 2009-2012.

Trình bày Báo cáo của Ủy ban thường vụ Quốc hội (UBTVQH) về kết quả giám sát, Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội Trương Thị Mai cho biết, so với lịch sử BHYT thế giới hàng trăm năm thì chặng đường 20 năm thực hiện chính sách pháp luật về BHYT ở Việt Nam, nhất là sau gần 4 năm thực hiện Luật BHYT, Việt Nam đã đạt được kết quả bước đầu quan trọng.

BHYT chia sẻ rủi ro giữa những người tham gia

Theo báo cáo của Ủy ban thường vụ Quốc hội, với mức thu nhập bình quân đầu người là 1.749 USD/người/năm (số liệu năm 2012), việc đạt được tỷ lệ gần 70% dân số tham gia BHYT là sự cố gắng lớn.

Kết quả đó góp phần quan trọng vào việc bảo vệ quyền được chăm sóc sức khỏe và giúp cho nhiều người dân không bị rơi vào bẫy nghèo đói khi bị ốm đau, bệnh tật.

"Trên thế giới nhiều nước có điều kiện kinh tế và thu nhập cao hơn Việt Nam nhưng cũng chưa đạt được tỷ lệ dân số tham gia BHYT như Việt Nam", bà Trương Thị Mai cho hay.

Cụ thể, Paraguay thu nhập bình quân/người/năm (ppp) là 5.050 US$, có 17% dân số tham gia BHYT; Ấn Độ thu nhập bình quân là 3.550, có 11% dân số tham gia BHYT; Indonesia thu nhập bình quân 4.200, có 63% dân số tham gia BHYT; Albania thu nhập bình quân 8.740 US$, có 40% dân số tham gia BHYT…

UBTVQH đánh giá, BHYT Việt Nam về bản chất là BHYT xã hội, là cơ chế tài chính chi trả trước đảm bảo để người dân khi ốm đau có nguồn tài chính chi trả, tránh bị rơi vào hoàn cảnh khó khăn. BHYT Việt Nam đang từng bước thay thế cơ chế bao cấp trong KCB bằng việc Nhà nước tăng đầu tư ngân sách để hỗ trợ cho người dân, đồng thời huy động nguồn lực từ xã hội, người dân và cộng đồng để tham gia BHYT.

Chính sách BHYT Việt Nam đã bảo đảm nguyên tắc chia sẻ rủi ro giữa những người tham gia BHYT, đồng thời cũng đảm nhận nhiều chính sách phúc lợi xã hội khác. Đến cuối năm 2012, gần 70% dân số cả nước đã tham gia BHYT, với phần đóng góp của người lao động, người sử dụng lao động và người dân chiếm khoảng 58% trong tổng thu BHYT, tạo nền móng quan trọng để tiến tới BHYT toàn dân.

Nhiều tỉnh miền núi và Tây Nguyên gần hoàn thành việc thực hiện BHYT toàn dân. Quỹ BHYT từ chỗ bị bội chi đến năm 2012 đã cân đối và có kết dư.

Theo Việt Nguyễn - Báo Gia đình