Công tác tuyên truyền - cốt lõi đề chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế đi vào cuộc sống

21/05/2015 04:51 PM



Có thể nói, Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) và Luật Bảo hiểm y tế (BHYT) ra đời đã đánh dấu một bước quan trọng trong việc tạo cơ sở pháp lý để nâng cao hiệu quả thực thi chế độ, chính sách BHXH, BHYT và việc sửa đổi bổ sung Luật BHXH, Luật BHYT lần này nhằm bổ sung các chính sách BHXH, BHYT phù hợp với quá trình chuyển đổi của nền kinh tế theo cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, đáp ứng nguyện vọng của người lao động, bảo đảm an sinh xã hội và hội nhập quốc tế.
Tuy nhiên, quá trình triển khai các điều luật BHXH, BHYT vào thực tiễn cuộc sống rất khó khăn bởi  nhiều nguyên nhân như: Sự hiểu biết của chủ sử dụng lao động và bản thân người lao động vẫn còn hạn chế; các chế tài xử lý những trường hợp vi phạm chưa đủ mạnh …
Trước thực tế này, công tác tuyên truyền không chỉ triển khai để các cấp, các ngành, mỗi tập thể và cá nhân nắm vững được chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về BHXH, BHYT, mà còn nhận rõ được trách nhiệm, nghĩa vụ và quyền lợi khi tham gia BHXH, BHYT. Nội dung tuyên truyền cần bám sát chủ trương, quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về BHXH, BHYT; bám sát thực tiễn, nắm bắt dư luận xã hội, phát hiện những bất cập trong chính sách và triển khai thực hiện chính sách để có những đề xuất, khắc phục kịp thời. Hình thức tuyên truyền cần phong phú, đa dạng, phù hợp với từng đối tượng. Cần phát huy hiệu quả công tác tuyên truyền chính sách, pháp luật về BHXH, BHYT trên các phương tiện thông tin đại chúng, đồng thời chú trọng phát huy vai trò của tuyên truyền miệng gắn với vai trò của các báo cáo viên các cấp
Thường xuyên tham mưu cho cấp ủy, chính quyền từ tỉnh đến huyện trong công tác chỉ đạo thực hiện Luật BHXH, Luật BHYT, sự phối hợp của các cấp, các ngành có liên quan trong việc thực hiện “Quy chế phối hợp liên ngành”. Trong quá trình thực hiện quy chế, công tác tuyên truyền luôn được coi trọng, được xem là cốt lõi để Luật BHXH, BHYT đi vào cuộc sống. Là hai cơ quan chủ lực trên mặt trận tuyên truyền, Báo Đắk Lắk, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh đã chuyển tải đến bạn đọc và nhân dân những nội dụng mới liên quan đến Luật BHXH, Luật BHYT. Với lợi thế của tờ báo in, cùng sự lan tỏa rộng là khả năng phân tích kỹ những vấn đề cụ thể,… Báo Đắk Lắk đã tích cực tuyên truyền những chính sách mới và đặc biệt là đi sâu phân tích những nội dung còn vướng mắc, còn khó khăn trong quá trình triển khai thực hiện chính sách liên quan đến người lao động nói chung và BHXH, BHYT nói riêng.
Để làm tốt công tác tuyên truyền, BHXH tỉnh đã tham mưu cấp ủy, chính quyền địa phương tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền Nghị quyết 21/NQ-TW của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác BHXH, BHYT giai đoạn 2012-2020.
Phối hợp với Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy hàng quý chỉ đạo các cơ quan thông tin đại chúng thông tin, tuyên truyền chính sách BHXH, BHYT đến đông đảo cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân. Phối hợp với Văn phòng Hội đồng nhân dân tỉnh đăng trên bản tin người đại biểu mỗi quý một kỳ. Phối hợp với Liên đoàn Lao động tỉnh tổ chức thi tìm hiểu Luật BHXH, Luật BHYT tại 15 huyện, thị xã, thành phố. Tổ chức nhiều lớp tập huấn, nhiều buổi đối thoại trực tiếp với người lao động tại các doanh nghiệp, trong và ngoài ngành về quy định của Luật.
Tóm lại, công tác tuyên truyền là một trong những nhiệm vụ trọng tâm để thực hiện tốt chính sách BHXH, BHYT. Từ những kết quả đạt được, cho thấy công tác tuyên truyền góp phần không nhỏ vào sự phát triển của BHXH tỉnh Đắk Lắk nói riêng và toàn ngành BHXH nói chung. Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền đã tác động tích cực đến công tác thu và phát triển đối tượng, số thu BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp năm 2014 là 2.082 tỷ đồng, đạt gần 101% kế hoạch năm, giảm tỷ lệ nợ, góp phần quan trọng đảm bảo quyền và lợi ích cho người lao động và thực hiện tốt vấn đề an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk.


Nguyễn Thị Xuân – PGĐ BHXH tỉnh