Hộ cận nghèo - Nỗi lo không có thẻ bảo hiểm y tế

03/08/2015 09:59 AM



Trong bối cảnh giá viện phí tăng, chi phí khám chữa bệnh (KCB) tăng, áp lực về viện phí càng đè lên vai người bệnh chưa có thẻ BHYT. Họ có nguy cơ trở thành “con nợ” khi mắc bệnh, nhất là bệnh hiểm nghèo, với những bệnh nhân ung thư, bệnh mãn tính như suy thận phải chạy thận... nếu không có thẻ BHYT sẽ khó kham nổi chi phí điều trị và như vậy họ có thể trắng tay và trở thành hộ nghèo …đây là một gánh nặng cho cộng đồng và xã hội. Bởi lẽ, nếu hộ cận nghèo có thẻ BHYT họ sẽ được đảm bảo điều trị, nhất là những người bệnh có thời gian tham gia BHYT 5 năm liên tục trở lên và có số tiền cùng chi trả chi phí KCB trong năm lớn hơn 6 tháng lương cơ sở. Đặc biệt, theo Luật BHYT mới, người cận nghèo sẽ được thanh toán đến 95% viện phí thay vì chỉ 80% so với các năm trước.

Ảnh minh họa

Theo thống kê của Sở Lao động thương binh và xã hội, năm 2015 toàn tỉnh có  64.900 người cận nghèo, trong đó, vẫn còn 57.400 người cận nghèo không mua thẻ BHYT. Nguyên nhân cơ bản là do đa số hộ cận nghèo thật sự khó khăn, tuy nhiên một số người cho rằng, ranh giới giữa người thuộc hộ cận nghèo và người nghèo cũng rất gần nên không ít người có tâm lý trông chờ vào chính sách của Nhà nước.
Thực hiện chủ trương về công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới, đẩy mạnh xã hội hóa về công tác y tế, thực hiện mục tiêu tiến đến BHYT toàn dân vào năm 2020 theo tinh thần Nghị quyết 21-NQ/TW ngày 22/12/2012 của Bộ Chính trị về “ Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác BHYT, Bảo hiểm xã hội (BHXH) giai đoạn 2012-2015 và 2020” ngày 06/4/2015 BHXH tỉnh đã có tờ trình số 857/TTr-BHXH đề xuất Ủy Ban nhân dân tỉnh(UBND) dùng tiền ngân sách tỉnh hỗ trợ 30% mức đóng BHYT còn lại cho đối tượng hộ cận nghèo, ngày 22/7 2015 Đoàn công tác do đồng chí Nguyễn Minh Thảo- Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam về công tác phát triển BHYT toàn dân và Chương trình công tác năm 2015 của BHXH Việt Nam. Theo đó ngày 29/7/2015 UBND tỉnh đã có Thông báo số 178/TB-UBND “ Ý kiến kết luận của UBND tỉnh tại buổi làm việc với đoàn công tác của BHXH Việt Nam” UBND tỉnh giao cho Sở Y tế phối hợp với BHXH tỉnh và các sở, ngành liên quan lập đề án trình Hội đồng nhân dân tỉnh hỗ trợ 30% mức đóng còn lại cho người thuộc hộ cận nghèo kể từ năm 2016 và phấn đấu cuối năm 2015 đạt hơn 75%; từ năm 2016-2020 đạt 84%. Mục tiêu đến cuối năm 2015 mọi người trong hộ cận nghèo đều được mua thẻ BHYT. Để làm tốt công tác phát triển đối tượng tham gia BHYT,  BHXH tỉnh thường xuyên tranh thủ sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền địa phương,  phối hợp với Hội Nông dân tỉnh, Liên minh hợp tác xã tỉnh, Hội liên hiệp phụ nữ tỉnh, Đoàn thanh niên, Liên đoàn lao động tỉnh.… tăng cường công tác tuyên truyền đến tận xã, phường có số người cận nghèo chưa tham gia BHYT để họ được biết về những quyền lợi được hưởng khi tham gia BHYT, phát tờ rơi “những điều cần biết khi tham gia BHYT” đến tận tay người dân; đào tạo nhân viên đại lý thu, cộng tác viên, tuyên truyền viên BHYT về những kỹ năng vận động tuyên truyền trong công tác thu nộp BHYT đối với người cận nghèo trên địa bàn tỉnh.
Việc vận động người cận nghèo tham gia BHYT, rất cần sự vào cuộc, đồng thuận của các cơ quan ban ngành và của cả hệ thống chính trị để tất cả đối tượng trong hộ cận nghèo cùng tham gia BHYT để họ có cơ hội tiếp cận các dịch vụ y tế. Có như vậy, công tác an sinh xã hội, giảm tỷ lệ hộ nghèo qua từng năm mới thực sự bền vững.


Nguyễn Thị Xuân-PGĐ BHXH tỉnh