Một số điểm mới trong thực hiện BHYT học sinh, sinh viên

01/09/2015 12:43 AM



Năm học mới 2015-2016, là năm đầu tiên BHYT học sinh, sinh viên thực hiện theo Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT với một số điểm mới, mang lại nhiều quyền lợi cho HSSV khi tham gia BHYT.

HS trường Tiểu học Trần Quốc Toản, TP. Nam Định

Thay đổi về mức đóng BHYT

HSSV là đối tượng được ngân sách nhà nước hỗ trợ tối thiểu 30% mức đóng, còn lại 70% học sinh phải tự đóng. Từ năm học 2015 – 2016, là mức đóng BHYT học sinh, sinh viên từ 3% mức lương cơ sở tăng lên 4,5%. Như vậy, từ năm học này, mỗi năm một học sinh từ bậc tiểu học đến bậc đại học đóng 434.700 đồng. Mức đóng này sẽ được giảm tương ứng khi được hỗ trợ của địa phương ngoài số ngân sách nhà nước đã hỗ trợ 30% theo quy định của pháp luật BHYT: UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương căn cứ khả năng ngân sách địa phương và các nguồn hợp pháp khác, kể cả 20% số kinh phí dành cho khám bệnh, chữa bệnh chưa sử dụng hết trong năm xây dựng và trình HĐND cấp tỉnh quyết định mức hỗ trợ đóng BHYT cao hơn cho một số nhóm đối tượng, trong đó có đối tượng HSSV.

Đối với HSSV đang theo học tại cơ sở giáo dục do địa phương nào quản lý thì ngân sách địa phương đó hỗ trợ, không phân biệt hộ khẩu thường trú của HSSV. Định kỳ 6 tháng, tổ chức BHXH tổng hợp số thẻ BHYT đã phát hành, số tiền thu của HSSV và số tiền ngân sách nhà nước hỗ trợ gửi cơ quan Tài chính để chuyển kinh phí vào Quỹ BHYT.

Đối với HSSV đang theo học tại cơ sở giáo dục do Bộ, cơ quan Trung ương quản lý thì do ngân sách trung ương hỗ trợ: Định kỳ 6 tháng, tổ chức BHXH tổng hợp số thẻ BHYT đã phát hành, số tiền thu của HSSV và số tiền ngân sách nhà nước hỗ trợ gửi BHXH Việt Nam để tổng hợp, gửi Bộ Tài chính để chuyển kinh phí vào Quỹ BHYT.

HSSV khi đi khám chữa bệnh BHYT vẫn được hưởng 80% chi phí khám chữa bệnh và cùng chi trả 20% (trừ các đối tượng HSSV là người thuộc hộ gia đình nghèo, cận nghèo).

Các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân đủ điều kiện tiếp tục được trích kinh phí để mua thuốc, vật tư y tế tiêu hao, trang thiết bị và dụng cụ y tế thông thường để tổ chức khám bệnh, chữa bệnh trong công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu cho trẻ em, HSSV. Mức trích để lại cho các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân bằng 7% tổng thu Quỹ BHYT tính trên tổng số HSSV đang theo học tại cơ sở giáo dục có tham gia BHYT (kể cả HSSV tham gia BHYT theo nhóm đối tượng khác) và mức đóng tương ứng đối với từng đối tượng; bằng 5% tổng thu Quỹ BHYT tính trên tổng số trẻ em dưới 6 tuổi đang theo học tại cơ sở giáo dục mầm non. Vào tháng đầu của năm học hoặc khóa học, tổ chức BHXH có trách nhiệm chuyển số tiền nêu trên cho các cơ sở giáo dục và tổng hợp số kinh phí này vào quyết toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh BHYT thuộc phạm vi quản lý. Cơ sở giáo dục nhận kinh phí có trách nhiệm sử dụng, thanh quyết toán với cơ quan quản lý cấp trên theo quy định.

Việc nâng mức đóng đã được quy định trong văn bản pháp luật, vì mục tiêu nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, để quyền lợi học sinh được đảm bảo hơn, kinh phí dành cho chăm sóc sức khỏe ban đầu được dồi dào hơn…

Thay đổi về thời hạn sử dụng thẻ

Điểm mới thứ hai là thời hạn sử dụng ghi trên thẻ BHYT học sinh sinh viên là theo năm tài chính, từ ngày 01 tháng 01 đến ngày 31 tháng 12 của năm.

Những năm học trước, thẻ BHYT học sinh có giá trị sử dụng từ đầu năm học (đầu tháng 9 hoặc tháng 10) và hết hạn sau 12 tháng (trường hợp thẻ có giá trị sử dụng 12 tháng thì hết hạn vào cuối tháng 8 hoặc 9 năm sau). Pháp luật BHYT cũng quy định chi tiết điểm này: đối với học sinh vào lớp một và sinh viên năm thứ nhất thời hạn sử dụng ghi trên thẻ BHYT từ ngày nhập học hoặc ngày hết hạn của thẻ BHYT được cấp lần trước đến 31 tháng 12 năm sau; đối với học sinh lớp 12 và sinh viên năm cuối thời hạn sử dụng ghi trên thẻ BHYT từ ngày 01 tháng 01 đến ngày cuối của tháng kết thúc năm học đó.

Việc quy định giá trị sử dụng thẻ BHYT học sinh trong năm tài chính là sự cải tiến tích cực rút ra từ thực tế, có tính khả thi và thuận lợi cho các bên tham gia, đó là: giảm khó khăn cho phụ huynh học sinh khi cùng một thời điểm đầu năm học phải đóng nhiều khoản, nay có thể giãn ra đến tháng 12 mới phải đóng phí BHYT cho con em mình; nhà trường cũng có nhiều thời gian và nhân lực tập trung vào triển khai công việc đầu năm học mà không phải quá bận bịu vào việc thu đóng BHYT học sinh, việc lập danh sách HSSV được tiến hành khi đã vào giữa học kỳ I, lớp học đã ổn định về tổ chức sẽ thuận lợi hơn lúc đầu năm với nhiều học sinh chuyển trường, chuyển lớp, từ nơi khác đến, vừa dễ dàng vừ tránh được nhầm lẫn sai sót; ngân sách nhà nước hỗ trợ mức đóng cho học sinh cũng được dự trù và hạch toán, thanh toán trong năm tài chính, không phải chuyển sang năm sau. Năm học đầu có thể còn nhiều khó khăn vì phải thu đóng phí BHYT học sinh mức cao hơn và dài tới 15 tháng, nhưng từ năm sau sẽ thuận lợi, nhà trường sẽ chủ động hơn trong việc lập danh sách và thu phí BHYT.

Các cơ sở giáo dục và đào tạo, cơ sở dạy nghề vẫn là đơn vị có trách nhiệm lập danh sách tham gia BHYT của các đối tượng do Bộ Giáo dục và Đào tạo quản lý, gửi tổ chức BHXH chậm nhất là ngày 31 tháng 10 hằng năm.

Tổ chức BHXH nhận được danh sách tham gia BHYT theo quy định, có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị quản lý đối tượng rà soát trước khi cấp thẻ BHYT.

Với các khó khăn do tăng mức đóng và thích ứng với quy định thẻ BHYT có giá trị sử dụng trong năm tài chính, cần có nhiều giải pháp có hiệu quả, thiết thực và phù hợp để tiếp tục duy trì ở mức cao tỷ lệ HSSV tham gia BHYT trong năm học này.

Kinh nghiệm từ những năm học trước, từ những địa phương đạt tỷ lệ học HSSV tham gia BHYT cao cho thấy sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự chỉ đạo quyết liệt của chính quyền địa phương là nhân tố có ý nghĩa quyết định, đảm bảo tỷ lệ tham gia cao, thành nề nếp, truyền thống của địa phương. Việc giao chỉ tiêu đạt tỷ lệ học sinh tham gia BHYT vào nội dung thi đua giữa các trường, giữa các địa phương là cách làm hay, rất cần duy trì và phát huy trong năm học này.

Bên cạnh đó, các địa phương cần chú trọng công tác tuyên truyền, vận động. Cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền vận động, hướng dẫn giải thích cho phụ huynh, cho HSSV, lãnh đạo nhà trường và cán bộ ngành giáo dục để thấu hiểu, để cùng bàn bạc, tháo gỡ khó khăn để cùng thực hiện chính sách BHYT đầy nhân văn này.


Tú Anh - Nguồn: BHXH Việt Nam