Nỗ lực triển khai Chính phủ điện tử trong lĩnh vực BHXH, BHYT

13/04/2016 08:14 AM


Trên cơ sở tổng rà soát các thủ tục hành chính (TTHC) của Ngành, BHXH Việt Nam ban hành các  văn bản sửa đổi, bổ sung thay thế các quy định về hồ sơ, quy trình, thủ tục đăng ký tham gia, giải quyết và chi trả các chế độ BHXH, BHYT, BHTN theo hướng tạo thuận lợi và tiết kiệm tối đa thời gian, chi phí cho tổ chức, cá nhân tại Quyết định số 919/QĐ-BHXH ngày 26/8/2015 và Quyết định số 959/QĐ-BHXH ngày 09/9/2015. Kết quả về thủ tục hành chính: giảm từ 115 thủ tục xuống còn 33 thủ tục; ban hành theo thẩm quyền 6 thủ tục về giao dịch điện tử (theo Quyết định số 08/2015/QĐ-TTg ngày 09/3/2015 của Thủ tướng Chính phủ); về thời gian thực hiện các TTHC, theo ước tính của BHXH Việt Nam trong năm 2015 đã giảm từ 235 giờ xuống còn  81 giờ; kể từ 01/01/2016,  Luật BHXH năm 2014 có hiệu lực thi hành, các quy định mới về thủ tục hồ sơ giải quyết chế độ ốm đau, thai sản, quản lý sổ BHXH bắt đầu được thực hiện sẽ tiếp tục giảm được số giờ thực hiện TTHC, dự kiến còn 45 giờ.

Triển khai Quyết định số 08/2015/QĐ-TTg ngày 09/3/2015 của Thủ tướng Chính phủ về giao dịch điện tử trong lĩnh vực BHXH, BHXH Việt Nam xác định triển khai giao dịch điện tử là một trong những nhiệm vụ cải cách TTHC trọng tâm của Ngành nhằm tạo thuận lợi cho các đơn vị sử dụng lao động trong thực hiện TTHC, rút ngắn được thời gian lập và xử lý hồ sơ, giảm chi phí, thời gian cho đơn vị sử dụng lao động, tăng tính minh bạch trong hoạt động của cơ quan BHXH. Đã thiết lập Cổng thông tin BHXH Việt Nam và kết nối với các cổng giao dịch điện tử của các nhà IVAN. Hiện nay, BHXH Việt Nam đang tích cực hoàn thiện, nâng cấp các phần mềm nghiệp vụ để liên thông với phần mềm giao dịch điện tử. Xây dựng phần mềm quản lý dữ liệu về người hưởng lương hưu và trợ cấp BHXH hàng tháng để quản lý trên toàn quốc. Trên cơ sở đó, người hưởng chế độ BHXH hàng tháng khi di chuyển đến bất cứ nơi nào trên toàn quốc đều được thực hiện nhanh gọn, chính xác vì việc tra cứu hoàn toàn tự động. Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về tin học hóa trong lĩnh vực BHYT, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý khám bệnh, chữa bệnh và thanh toán BHYT, BHXH Việt Nam đã tích cực phối hợp với Bộ Y tế xây dựng bộ chỉ tiêu danh mục đầu ra dữ liệu khám chữa bệnh BHYT, bộ mã danh mục dùng chung đối với thuốc, vật tư y tế và dịch vụ kỹ thuật, phối hợp với doanh nghiệp công nghệ thông tin thí điểm thành công hệ thống kết nối, liên thông dữ liệu giữa các cơ sở khám, chữa bệnh ở 04 tuyến tại 03 tỉnh Thái Nguyên, Bắc Ninh và TP.Hải Phòng. Trên cơ sở kết quả thí điểm tại 03 địa phương này, ngày 02/03/2016, BHXH Việt Nam đã ban hành Quyết định số 324/QĐ-BHXH ban hành Cổng tiếp nhận dữ liệu Hệ thống thông tin Giám định BHYT phiên bản 1.0, đây là một phần mềm trong hệ thống phần mềm ứng dụng của BHXH Việt Nam, đảm bảo việc thực hiện liên thông dữ liệu từ cơ sở khám, chữa bệnh và cơ quan BHXH cấp tỉnh đến Hệ thống thông tin Giám định BHYT của BHXH Việt Nam được thông suốt trên phạm vi toàn quốc. Hệ thống thông tin Giám định BHYT bao gồm: Hệ thống Tiếp nhận yêu cầu thanh toán BHYT; Hệ thống Giám định BHYT; Hệ thống Danh Mục dùng chung. Các hình thức liên thông dữ liệu được thực hiện để hỗ trợ gửi hồ sơ khám, chữa bệnh hồ sơ giám định danh mục, kiểm tra thông tin thẻ BHYT, kiểm tra lịch sử khám, chữa bệnh, kiểm tra, tiếp nhận giấy chuyển tuyến từ cơ sở khám chữa bệnh khác, gửi báo cáo tháng lên hệ thống... Hệ thống này đi vào hoạt động sẽ hỗ trợ được rất nhiều trong thủ tục thanh toán khám, chữa bệnh BHYT, giám định BHYT. Hệ thống thông tin Giám định BHYT còn cung cấp tiện ích giúp tra cứu thông tin về thẻ BHYT, lịch sử khám, chữa bệnh của người bệnh BHYT và quản lý thông tuyến trên phạm vi toàn quốc.

Để thực hiện kết nối liên thông các phần mềm quản lý văn bản với Văn phòng Chính phủ, hiện tại BHXH Việt Nam đã hoàn thành việc kết nối và đảm bảo các yêu cầu về mặt kỹ thuật theo yêu cầu của Văn phòng Chính phủ.

Với mục tiêu đẩy nhanh xây dựng Chính phủ điện tử trong lĩnh vực BHXH, BHYT vừa là nhiệm vụ vừa là giải pháp thực hiện tốt hơn công tác cải cách hành chính, BHXH Việt Nam xác định những nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới, cần tiếp tục xây dựng, hoàn thiện hệ thống giám định, thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh BHYT kết nối với các cơ sở khám, chữa bệnh trên toàn quốc. Mở rộng thử nghiệm Hệ thống thông tin giám định BHYT tại 03 tỉnh, thành phố và các bệnh viện Trung ương trực thuộc Bộ Y tế, triển khai rộng rãi trên phạm vi cả nước từ 01/06/2016; Phối hợp với doanh nghiệp công nghệ thông tin được lựa chọn làm tổng thầu hoàn thiện các hạng mục của dự án, triển khai kết nối với các cơ sở khám chữa bệnh BHYT; Cấp tài khoản và hỗ trợ các cơ sở khám, chữa bệnh BHYT kết nối, sử dụng Hệ thống thông tin giám định BHYT; Chỉ đạo BHXH các tỉnh thống nhất danh mục dùng chung áp dụng tại các cơ sở khám, chữa bệnh để cập nhật vào phần mềm của đơn vị; cung cấp và hỗ trợ sử dụng phần mềm thống kê chi phí khám, chữa bệnh của BHXH Việt Nam cho các đơn vị chưa có phần mềm. Xây dựng cơ sở dữ liệu liên thông giữa cơ sở khám, chữa bệnh và cơ quan BHXH để thực hiện giải quyết hưởng chế độ ốm đau, thai sản theo hướng người bệnh không phải cung cấp các giấy tờ liên quan đến việc khám, chữa bệnh mà các cơ sở khám, chữa bệnh sẽ chia sẻ dữ liệu về khám, chữa bệnh cho cơ quan BHXH; Xây dựng Đề án ứng dụng trực tuyến mức độ 03 trong việc giải quyết hưởng chế độ ốm đau, thai sản, dưỡng sức phục hồi sức khỏe, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, hưu trí, tử tuất; chi trả các chế độ BHXH; hoàn thiện dữ liệu và cấp thẻ BHYT theo số định danh cá nhân nhằm hạn chế tối đa việc cấp trùng thẻ; ứng dụng công nghệ thông tin để kiểm tra giá trị thẻ tại các cơ sở khám, chữa bệnh BHYT; thực hiện liên thông dữ liệu trong quản lý, chỉ đạo công tác tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính theo cơ chế một cửa qua mạng trực tuyến; xây dựng đề án phối hợp chia sẻ thông tin giữa các cơ quan: Kế hoạch – Đầu tư, cơ quan Thuế và BHXH để thực hiện liên thông cấp mã doanh nghiệp, mã số thuế và BHXH nhằm giảm thủ tục kê khai cho tổ chức khi tham gia BHXH, BHYT; xây dựng quy trình chuyển dữ liệu điện tử, kết nối với Ngân hàng, Kho bạc, cơ quan Thuế, cơ quan Thi hành án, Bưu điện để thuận tiện trong việc thu nộp, chi trả BHXH, BHYT và thanh toán các chi phí có liên quan; triển khai phần mềm quản lý văn bản và điều hành trên toàn bộ hệ thống từ BHXH Việt Nam đến BHXH cấp huyện.

Để thực hiện giao dịch điện tử trong tất cả các lĩnh vực hoạt động của Ngành, tạo điều kiện cho mọi tổ chức, cá nhân công dân có điều kiện sử dụng những tiện ích của giao dịch diện tử trong lĩnh vực BHXH, BHYT, BHXH Việt Nam cần phải có cơ sở dữ liệu kết nối liên thông với cơ quan y tế, lao động, tài chính…, do đó, cần có sự chỉ đạo từ Chính phủ để các bộ, ngành, cơ quan liên quan tích cực phối hợp với cơ quan BHXH xây dựng cơ sở dữ liệu liên thông, cụ thể: Bộ Y tế xây dựng quy chế phối hợp trao đổi thông tin giữa hai ngành phục vụ giám định, thanh toán BHYT và công tác quản lý người khám, chữa bệnh; xây dựng các văn bản pháp lý để có căn cứ thực hiện giám định, thanh toán BHYT điện tử; chuẩn hóa, cập nhật, bổ sung danh mục dịch vụ y tế dùng chung toàn quốc để sử dụng đồng bộ trên hệ thống danh mục dùng chung của hai ngành. Bộ Lao động -Thương binh và Xã hội liên thông trong việc quản lý đối tượng và giải quyết chế độ BHTN. Bộ Tài chính và Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp, chia sẻ thông tin, dữ liệu liên quan đến tình trạng hoạt động của doanh nghiệp và thu nhập tham gia BHXH của người lao động. Bên cạnh đó, cần sớm ban hành Nghị định của Chính phủ về trình tự, thủ tục tham gia và giải quyết các chế độ BHXH, BHYT bằng phương thức giao dịch điện tử./.


Nguồn: tapchibaohiemxahoi.gov.vn