Cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp cần chú ý đến chức danh nghề của người lao động khi tham gia bảo hiểm xã hội

28/08/2018 09:30 AM




Xác định chức danh nghề nhằm xác định mức ưu đãi đối với người lao động đã được quy định trong các văn bản pháp luật trên các lĩnh vực: Ưu đãi về chế độ tiền lương; bồi dưỡng bằng hiện vật và ưu đãi về mức hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội (BHXH).

Cán bộ BHXH hướng dẫn người lao động kê khai hồ sơ

Trong thực hiện chính sách BHXH, người làm công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm được hưởng chế độ ốm đau với thời gian nhiều hơn so với người làm việc trong điều kiện lao động bình thường.

Về chế độ hưu trí, nếu người lao động có đủ 20 năm đóng BHXH bắt buộc, trong đó có 15 năm làm nghề hoặc công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm thuộc danh mục do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Y tế ban hành thì người lao động được nghỉ hưu trước 5 năm (nam đủ 55 tuổi, nữ đủ 50 tuổi) so với người lao động trong điều kiện bình thường; nếu có đủ 20 năm đóng BHXH bắt buộc, trong đó có 15 năm làm nghề hoặc công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm mà mất sức lao động 61% trở lên thì người lao động được hưởng lương hưu mà không cần điều kiệnvề tuổi đời, nghĩa là nghỉ hưu ở tuổi bao nhiêu cũng được, tuy nhiên tỷ lệ hưởng lương hưu sẽ thấp hơn nếu đủ tuổi theo quy định.

Xác định rõ chức danh nghề sẽ là cơ sở để giải quyết chế độ bệnh nghề nghiệp cho người lao động nếu người lao động có thời gian dài làm nghề hoặc công việc thuộc danh mục có nguy cơ mắc bệnh nghề nghiệp do Bộ Y tế và Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành.

Với những ưu đãi như vậy nên khi tham gia BHXH cho người lao động, các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp cần chú ý đến chức danh nghề của người lao động. Khi kê khai hồ sơ tham gia BHXH phải ghi cụ thể chức danh nghề của người lao động, ví dụ như bác sỹ phải ghi rõ bác sỹ điều trị khoa ung bướu, bác sỹ khám bệnh phòng khám HIV, bác sỹ khám, điều trị các bệnh phụ khoa, bác sỹ điều trị bệnh nhân cai nghiện...; lao động là công nhân phải ghi rõ công nhân may công nghiệp, công nhân trồng và chăm sóc cà phê, công nhân cạo mủ cao su...; lao động là lái xe phải ghi rõ là lái xe con, lái xe tải có trọng tải bao nhiêu tấn, lái xe khách bao nhiêu ghế...không nên ghi chức danh chung chung của người lao động. Trong quá trình lao động cũng phải cập nhật thường xuyên, nếu có thay đổi chức danh nghề phải cập nhật vào sổ BHXH để biết được thời gian giữ chức danh nghề của người lao động.

Về chế độ tiền lương, đối với các cơ quan hành chính sự nghiệp áp dụng thang, bảng lương do Nhà nước quy định thì đối chiếu với chức danh nghề để xếp lương, trả lương cho người lao động theo đúng thang, bảng lương ban hành kèm theo Nghị định số 204/2004/NĐ-CP ngày 14/12/2004 của Chính phủ về chế độ tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang.

Đối với doanh nghiệp, khi thực hiện xây dựng thang, bảng lương để làm cơ sở trả lương, ký kết hợp đồng lao động và đóng BHXH, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp cho người lao động theo quy định tại Nghị định số 49/2013/NĐ-CP ngày 14/5/2013 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Bộ luật Lao động về tiền lương thì mức lương của người làm công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm thấp nhất cũng phải bằng với mức lương tối thiểu vùng cộng với 5%.

Những chức danh nghề, công việc phải thực hiện bồi dưỡng bằng hiện vật cho người lao động thì các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp phải lập danh sách theo dõi và bồi dưỡng bằng hiện vật phù hợp (đường, sữa...) cho người lao động theo quy định.

Thực hiện đúng các quy định của pháp luật đối với người giữ chức danh nghề hoặc làm công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm sẽ bảo vệ sức khỏe, tái tạo sức lao động cũng như đảm bảo quyền lợi về BHXH cho người lao động./.



Trương Văn Bá