Linh hoạt trong phương thức đóng, mức đóng BHXH tự nguyện tạo điều kiện thuận lợi cho người tham gia

13/11/2018 08:59 AM




Chính vì đây là loại hình BHXH tự nguyện cho nên phương thức đóng, mức đóng rất là linh hoạt, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người tham gia.

Theo quy định tại Nghị định số 134/2015/NĐ-CP của Chính phủ thì người tham gia BHXH tự nguyện được lựa chọn một trong các phương thức đóng sau đây để đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất:

- Đóng hằng tháng;

- Đóng 3 tháng một lần;

- Đóng 6 tháng một lần;

- Đóng 12 tháng một lần;

- Đóng một lần cho nhiều năm về sau nhưng không quá 5 năm một lần;

- Đóng một lần cho những năm còn thiếu đối với người tham gia BHXH đã đủ điều kiện về tuổi để hưởng lương hưu theo quy định (nam 60 tuổi, nữ 55 tuổi) nhưng thời gian đóng BHXH còn thiếu không quá 10 năm (120 tháng) thì được đóng cho đủ 20 năm để hưởng lương hưu.

Một buổi tuyên truyền về chính sách BHXH tự nguyện trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk

Về mức đóng đối với phương thức đóng hằng tháng bằng 22% mức thu nhập tháng do người tham gia BHXH tự nguyện lựa chọn, nhưng thấp nhất bằng mức chuẩn hộ nghèo của khu vực nông thôn theo quy định của Thủ tướng Chính phủ và cao nhất bằng 20 lần mức lương cơ sở tại thời điểm đóng (Mức chuẩn hộ nghèo của khu vực nông thôn theo quy định hiện nay là 700.000 đồng). Từ ngày 01/01/2018 ngân sách nhà nước hỗ trợ tiền đóng theo tỷ lệ phần trăm (%) trên mức đóng BHXH hằng tháng theo mức chuẩn hộ nghèo của khu vực nông thôn, cụ thể:

Người thuộc hộ nghèo: 154.000 x 30% = 46.200 đồng/tháng

Người thuộc hộ cận nghèo: 154.000 x 25% = 38.500 đồng/tháng

Các đối tượng khác: 154.000 x 10% = 15.400 đồng/tháng

Cụ thể: Người tham gia (thuộc nhóm đối tượng khác) chọn mức đóng thấp nhất bằng mức chuẩn hộ nghèo của khu vực nông thôn là 700.000 đồng, thì mức đóng hằng tháng là: 700.000 x 22% = 154.000 đồng.

Ngân sách nhà nước hỗ trợ: 154.000 x 10% = 15.400 đồng

Vậy số tiền phải đóng hằng tháng là: 154.000 – 15.400 = 138.600 đồng


Đối với phương thức đóng 3 tháng một lần: Bằng mức thu nhập tháng do người tham gia BHXH tự nguyện lựa chọn nhân với 22% nhân với 3 tháng.

Cụ thể: Người tham gia (thuộc nhóm đối tượng khác) chọn mức đóng thấp nhất bằng mức chuẩn hộ nghèo của khu vực nông thôn là 700.000 đồng thì mức đóng 3 tháng là: 700.000 x 22% x 3 = 462.000 đồng.

Ngân sách nhà nước hỗ trợ: (154.000 x 10%)  x 3 = 46.200 đồng

Vậy số tiền phải đóng 3 tháng là: 462.000 – 46.200 = 415.800 đồng


Đối với phương thức đóng 6 tháng một lần: Bằng mức thu nhập tháng do người tham gia BHXH tự nguyện lựa chọn nhân với 22% nhân với 6 tháng.

Cụ thể: Người tham gia (thuộc nhóm đối tượng khác) chọn mức đóng thấp nhất bằng mức chuẩn hộ nghèo của khu vực nông thôn là 700.000 đồng thì mức đóng 6 tháng là: 700.000 x 22% x 6 = 924.000 đồng.

Ngân sách nhà nước hỗ trợ: (154.000 x 10%)  x 6 = 92.400 đồng

Vậy số tiền phải đóng 6 tháng là: 924.000 – 92.400 = 831.600 đồng

Đối với phương thức đóng 12 tháng một lần: Bằng mức thu nhập tháng do người tham gia BHXH tự nguyện lựa chọn nhân với 22% nhân với 12 tháng.

Cụ thể: Người tham gia (thuộc nhóm đối tượng khác) chọn mức đóng thấp nhất bằng mức chuẩn hộ nghèo của khu vực nông thôn là 700.000 đồng thì mức đóng 12 tháng là: (700.000 x 22%) x 12 = 1.848.000 đồng.

Ngân sách nhà nước hỗ trợ: (154.000 x 10%)  x 12 = 184.800 đồng

Vậy số tiền phải đóng 12 tháng là: 1.848.000 – 184.800 = 1.663.200 đồng.

Mức đóng một lần cho nhiều năm về sau (không quá 5 năm một lần) được tính bằng tổng mức đóng của các tháng đóng trước, chiết khấu theo lãi suất đầu tư quỹ BHXH bình quân tháng do BHXH Việt Nam công bố của năm trước liền kề với năm đóng.

Mức đóng một lần cho những năm còn thiếu (còn thiếu không quá 10 năm) được tính bằng tổng mức đóng của các tháng còn thiếu, áp dụng lãi gộp bằng lãi suất đầu tư quỹ BHXH bình quân tháng do BHXH Việt Nam công bố của năm trước liền kề với năm đóng.

Có thể khẳng định, chính sách BHXH nói chung, BHXH tự nguyện nói riêng là chính sách an sinh xã hội hết sức có ý nghĩa của Nhà nước nhằm trợ giúp người lao động ổn định cuộc sống khi hết tuổi lao động. Tuy nhiên từ thực tế cho thấy số lượng người tham gia BHXH tự nguyện hiện nay chưa nhiều, chưa tương xứng với lực lượng lao động hiện có. Trong thời gian tới các cấp, các ngành, các tổ chức chính trị xã hội cần tích cực tuyên truyền nâng cao nhận thức của người lao động về quyền lợi khi tham gia BHXH tự nguyện, đồng thời cần sớm cải cách chính sách BHXH tự nguyện theo tinh thần Nghị quyết số 28/NQ-TW của Bộ Chính trị nhằm hoàn thiện hệ thống tổ chức và tăng tính hấp dẫn về chính sách BHXH tự nguyện để thu hút người lao động tham gia, góp phần đưa chính sách BHXH tự nguyện đi vào cuộc sống ./.


Huỳnh Kim Tưởng – Phòng Quản lý thu