Ngành Giáo dục với bảo hiểm y tế học sinh, sinh viên

27/11/2018 02:29 AM



Học sinh được chăm sóc sức khỏe tại nhà trường
BHYT HSSV là chăm lo cho thế hệ trẻ một cách toàn diện, không những chăm lo về mặt sức khoẻ mà còn giáo dục nhân cách và lối sống nhân ái. Tham gia BHYT các em sẽ thấy được tác dụng của BHYT đối với mọi người xung quanh, với bạn bè và chính bản thân mình. Thông qua BHYT các em sẽ học được cách chia sẻ khó khăn, đồng cảm với người không may gặp rủi ro. Nhân cách sống tốt đẹp ấy sẽ hình thành trong các em, theo các em đi hết cuộc đời. Mặc khác tham gia BHYT cũng góp phần giáo dục các em về việc chấp hành pháp luật khi còn ngồi trên ghế nhà trường.

Chính vì vậy, trong những năm qua, công tác BHYT HSSV luôn được các ngành, các cấp, các địa phương quan tâm, nỗ lực triển khai, đặc biệt là Ngành Giáo dục & Đào tạo, hàng năm trước thềm năm học mới đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo các cơ sở giáo dục triển khai thực hiện BHYT cho HSSV và đã thu được kết quả khá tích cực. Số HSSV tham gia BHYT ngày càng tăng, năm học 2017-2018 cả nước tỷ lệ HSSV tham gia BHYT đạt khoảng  95%, tại Đắk Lắk là 91,65% trên tổng số HSSV thuộc diện tham gia tại nhà trường, nếu tính cả HSSV đã được cấp thẻ BHYT theo diện chính sách thì tỷ lệ tham gia BHYT đạt 95,42% trên tổng số HSSV toàn tỉnh (một số địa phương có tỷ lệ HSSV tham gia BHYT cao như thành phố Buôn Ma Thuột, các huyện: M’Đrắk, Lắk, Krông Búk, Krông Bông, Krông Ana, Ea Kar, Cư M’gar và Buôn Đôn).

Tuy nhiên, tỷ lệ sinh viên tham gia BHYT so với bình quân chung của cả nước là chưa cao, đặc biệt là sinh viên từ năm thứ hai trở đi tại các trường  Đại học, Cao đẳng, Trung học chuyên nghiệp khối tư thục…, nguyên nhân là do việc chỉ đạo, tổ chức thực hiện chưa được quan tâm đúng mức, một bộ phận HSSV chưa nhận thức đầy đủ về trách nhiệm, quyền lợi và ý nghĩa của việc tham gia BHYT HSSV, việc tuyên truyền chưa được phối hợp tốt giữa ba bên đó là “Nhà trường - Cơ quan BHXH - Gia đình”

Để đạt chỉ tiêu theo Quyết định số 1167/QĐ-TTg, của Thủ tướng Chính phủ, ngày 01/10/2018, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Công văn số 4516/BGDĐT-GDTC yêu cầu các Sở Giáo dục và Đào tạo, các Đại học, Học viện, trường Đại học, Cao đẳng sư phạm và Trung cấp sư phạm tích cực triển khai công tác BHYT HSSV, phấn đấu đạt chỉ tiêu 100% HSSV tham gia BHYT năm học 2018-2019; tuyên truyền, phổ biến tới HSSV và cha mẹ HSSV các chính sách, pháp luật về BHYT, vai trò ý nghĩa của BHYT đối với công tác chăm sóc, bảo vệ sức khỏe HSSV; phối hợp với cơ quan BHXH hướng dẫn, kiểm tra, giám sát việc thực hiện công tác BHYT HSSV, có hình thức xử lý kịp thời đối với các trường hợp không tuân thủ về quy định của Luật BHYT; quản lý, sử dụng hiệu quả nguồn kinh phí của quỹ BHYT cho công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu được trích lại theo quy định; giao cho các Sở Giáo dục và Đào tạo tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh hỗ trợ thêm mức đóng BHYT đối với HSSV từ ngân sách của địa phương trên cơ sở mức hỗ trợ tối thiểu theo quy định hiện hành.

Ngày 17/10/2018 Chính phủ cũng ban hành Nghị định số 146/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn biện pháp thi hành một số điều của Luật BHYT có hiệu lực thi hành từ ngày 01/12/2018, theo đó, đối với học sinh lớp 12 thẻ BHYT có giá trị sử dụng đến hết ngày 30/9 của năm tài chính, đồng nghĩa với việc học sinh lớp 12 được đóng và hỗ trợ mức đóng BHYT đến hết ngày 30/9 của năm học (trước đây đến ngày cuối của tháng kết thúc năm học). Đây là một nội dung mới, nhằm tạo thuận lợi cho các em học sinh cuối cấp trong khi chờ đợi thi tuyển vào đại học, cao đẳng …sẽ không bị ảnh hưởng đến quyền lợi vì những lý do như tham gia BHYT không liên tục, quên không tham gia….

Mặc dù chỉ còn số ít HSSV chưa tham gia BHYT, nhưng đây là số HSSV diện bắt buộc nằm trong lộ trình BHYT toàn dân nên có ý nghĩa rất quan trọng. Mục đích đã gần đạt được, tuy nhiên để đạt mục đích bao phủ 100% HSSV tham gia BHYT, Ngành Giáo dục & Đào tạo cần huy động quyết liệt hơn để có sự tham gia của cả hệ thống chính trị, các cấp chính quyền, nhà trường , gia đình và toàn xã hội./.



Lê Xuân Khánh