Những điểm mới về đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc

16/01/2019 03:09 AM


:


1. Tham gia BHXH bắt buộc cho người lao động là công dân nước ngoài làm việc tại Việt Nam
a. Đối tượng
Người lao động là công dân nước ngoài làm việc tại Việt Nam thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc khi có giấy phép lao động hoặc chứng chỉ hành nghề hoặc giấy phép hành nghề do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp và có hợp đồng lao động không xác định thời hạn, hợp đồng lao động xác định thời hạn từ đủ 01 năm trở lên với người sử dụng lao động tại Việt Nam.
b. Mức đóng
- Từ ngày 01/12/2018
Người sử dụng lao động hằng tháng đóng trên quỹ tiền lương tháng đóng BHXH của người lao động gồm:
+ 3% vào quỹ ốm đau, thai sản;
+ 0,5% vào quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.
- Áp dụng từ ngày 01/01/2022
Người sử dụng lao động hằng tháng đóng:
+ 3% vào quỹ ốm đau, thai sản;
+ 0,5% vào quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp;
+ 14% vào quỹ hưu trí và tử tuất.
Người lao động hằng tháng đóng: 8% mức tiền lương tháng vào quỹ hưu trí và tử tuất.
c. Tiền lương tháng đóng BHXH
Tiền lương tháng đóng BHXH là mức lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác theo quy định tại Điều 30 Thông tư số 59/2015/TT-BLĐTBXH ngày 29/12/2015 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.
Trường hợp người lao động không làm việc và không hưởng tiền lương từ 14 ngày làm việc trở lên trong tháng thì không đóng BHXH tháng đó. Thời gian này không được tính để hưởng BHXH, trừ trường hợp nghỉ việc hưởng chế độ thai sản.
Trường hợp người lao động mà giao kết hợp đồng lao động với nhiều người sử dụng lao động và thuộc diện áp dụng BHXH bắt buộc thì người lao động và người sử dụng lao động chỉ đóng BHXH đối với hợp đồng lao động giao kết đầu tiên.
Riêng tham gia vào quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp thì người sử dụng lao động phải đóng theo từng hợp đồng lao động đã giao kết.
d. Về các chế độ BHXH bắt buộc
Người lao động là công dân nước ngoài làm việc tại Việt Nam tham gia BHXH bắt buộc được hưởng các chế độ sau: Ốm đau; thai sản; bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; hưu trí và tử tuất.
Trong đó, các chế độ BHXH ngắn hạn như thai sản, ốm đau và tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp sẽ áp dụng từ ngày 01/12/2018; các chế độ BHXH như hưu trí và tử tuất sẽ có hiệu lực từ ngày 01/01/2022.
Mức hưởng và chế độ hưởng đều được áp dụng như trường hợp của lao động Việt Nam trong Luật BHXH.
Nghị định số 143/2018/NĐ-CP cũng nêu rõ, trường hợp có sự khác nhau giữa quy định của Nghị định này và điều ước quốc tế mà Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên về cùng một vấn đề thì áp dụng quy định của điều ước quốc tế...
2. Mức lương tối thiểu vùng theo Nghị định số 157/2018/NĐ-CP của Chính phủ, áp dụng từ ngày 01/01/2019:
a. Đối tượng áp dụng

- Người lao động làm việc theo chế độ hợp đồng lao động theo quy định của Bộ Luật lao động.
- Doanh nghiệp thành lập, tổ chức quản lý và hoạt động theo Luật Doanh nghiệp.
- Hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, tổ hợp tác, trang trại, hộ gia đình, cá nhân và các tổ chức  khác  của Việt Nam có thuê mướn lao động theo hợp đồng lao động.
- Cơ quan, tổ chức nước ngoài, tổ chức quốc tế và cá nhân người nước ngoài tại Việt Nam có thuê mướn lao động theo hợp đồng lao động (trừ trường hợp điều ước quốc tế mà Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên có quy định khác với quy định của Nghị định này).
b. Mức lương tối thiểu vùng
Mức lương áp dụng vùng I     4.180.000 đồng/tháng
Mức lương áp dụng vùng II    3.710.000 đồng/tháng
Mức lương áp dụng vùng III   3.250.000 đồng/tháng
Mức lương áp dụng vùng IV    2.920.000 đồng/tháng
* Trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk áp dụng như sau:
- Mức 3.250.000 đồng/tháng, áp dụng đối với các đơn vị hoạt động trên địa bàn thành phố Buôn Ma Thuột (vùng III).
- Mức 2.920.000 đồng/tháng, áp dụng đối với các đơn vị hoạt động trên các địa bàn còn lại (vùng IV).
Đối với người lao động đã qua học nghề, đào tạo nghề theo quy định (kể cả lao động do doanh nghiệp dạy nghề) thì tiền lương đóng BHXH, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp phải cao hơn ít nhất 7% so với mức lương tối thiểu vùng, nếu làm công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm thì cộng thêm 5%, nếu làm công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm thì cộng thêm 7%.


Huỳnh Kim Tưởng