Đột phá mới trong giải quyết hưởng và chi trả chế độ BHXH, BH thất nghiệp

25/02/2019 12:35 AM




Tại hội nghị, đại diện Ban Thực hiện chính sách BHXH, Trung tâm CNTT và Trung tâm Lưu trữ tiếp tục hướng dẫn, làm rõ nhiều nội dung trong việc ứng dụng CNTT và xử lý hồ sơ liên quan đến thực hiện Quyết định số 166/QĐ-BHXH; đồng thời giải đáp, trả lời hàng loạt nội dung mà đại diện BHXH và Bưu điện các tỉnh, thành phía Nam đặt ra. Đáng chú ý, đã làm rõ quy trình hồ sơ, thủ tục thực hiện chi trả chế độ BHXH, BH thất nghiệp tại địa phương...

Rất nhiều vấn đề thực tiễn diễn ra tại cơ sở như xử lý hồ sơ chi trả chế độ TNLĐ, thai sản, tử tuất, lương hưu… được các đại biểu mạnh dạn nêu lên tại hội nghị. Đơn cử, theo đại diện BHXH tỉnh Hậu Giang, hiện nay tỉnh đang vướng trường hợp cha là NLĐ bị TNLĐ mất, trong khi vợ đang mang bầu, đến khi người vợ sinh con ra thì hồ sơ, thủ tục hưởng chế độ tuất như thế nào, thời điểm nào? Trong trường hợp này, theo bà Nguyễn Ngọc Trâm- Trưởng phòng Chế độ BHXH (BHXH tỉnh Hậu Giang), Luật BHXH có đề cập và cho đối tượng được hưởng chế độ, nhưng các văn bản hướng dẫn lại không nói đến quy trình, thủ tục, nên khi thực hiện tỉnh rất phân vân...

Ông Trần Dũng Hà- Trưởng phòng Chế độ BHXH (BHXH TP.HCM) cũng cho rằng, hiện nay, một số vấn đề liên quan đến hồ sơ cũng còn chưa cụ thể; hoặc quy trình ký duyệt chi trả trợ cấp BHXH, chế độ chính sách vẫn còn khá bất cập. Tại TP.HCM, với 24 quận, huyện và hàng trăm xã, phường, nên mỗi tháng BHXH Thành phố phải ký khoảng 600 chữ ký duyệt chi trả chế độ hằng tháng. "Điều này cần nghiên cứu giảm bớt quy trình còn lại khoảng 1/2…"- ông Hà đề xuất.

Trao đổi với phóng viên Báo BHXH tại hội nghị, ông Điều Bá Được- Trưởng ban Thực hiện chính sách BHXH cho biết, qua tổng hợp, đã có hàng trăm câu hỏi thắc mắc, kiến nghị được BHXH các tỉnh, thành phía Nam đặt ra trong hai ngày qua. Đa phần các câu hỏi đã được các vụ, ban nghiệp vụ xử lý, giải đáp. Một số vấn đề còn vướng mắc, chưa thể xử lý ngay sẽ được tập hợp để nghiên cứu, xem xét cặn kẽ hơn.

Cũng theo ông Được, một số thủ tục được bãi bỏ theo Quyết định số 166/QĐ-BHXH, đã tạo thuận lợi rất lớn cho người thụ hưởng và được dư luận rất quan tâm. Đơn cử như: Giải quyết chế độ TNLĐ-BNN lần đầu, cơ quan BHXH sẽ bãi bỏ quy định phải có sổ BHXH; bãi bỏ điều kiện các giấy tờ khám, điều trị thương tật ban đầu đối với trường hợp điều trị ngoại trú; biên bản khám nghiệm hiện trường, sơ đồ hiện trường đối với trường hợp bị TNGT được xác định là TNLĐ; biên bản TNGT của cơ quan Công an hoặc cơ quan Điều tra Hình sự quân đội…

Trao đổi thêm với phóng viên Báo BHXH, ông Điều Bá Được nhấn mạnh, những vấn đề này vừa qua Luật ATVSLĐ và các luật liên quan không đề cập nữa. Qua nghiên cứu, BHXH Việt Nam đã tiến hành điều chỉnh cho phù hợp, từ đó tạo sự thuận lợi, đơn giản hơn cho người thụ hưởng. "Không chỉ là bãi bỏ một số thủ tục, mà hàng loạt nội dung khác cũng đã được BHXH Việt Nam điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp hơn tại Quyết định số 166/QĐ-BHXH…"- ông Được nhấn mạnh.

Phát biểu kết luận hội nghị, Phó Tổng Giám đốc Trần Đình Liệu cho biết, Quyết định số 166/QĐ-BHXH đã đạt được 99% yêu cầu đề ra, vì cơ bản BHXH các tỉnh, thành đã thống nhất; chỉ còn một số câu từ, chữ nghĩa qua hội nghị này sẽ được xử lý dứt điểm. "Tuần tới, tôi sẽ trực tiếp ngồi lại với ban soạn thảo để xử lý, hoàn chỉnh. Có thể, năm 2019 sẽ là năm thành công của Quyết định này cả về phần mềm, lưu trữ và giải quyết chế độ...”- Phó Tổng Giám đốc nói.

Phó Tổng Giám đốc Trần Đình Liệu cũng cho rằng, hiện nay, tỉ lệ giao dịch điện tử của mảng chính sách BHXH đang quá thấp và cần phải đẩy mạnh. Vì vậy, các vụ, ban nghiệp vụ thuộc BHXH Việt Nam và BHXH các tỉnh cần phải tích cực thực hiện CCHC và ứng dụng CNTT. Các Phó Giám đốc BHXH tỉnh phụ trách chính sách BHXH buộc phải am hiểu CNTT, phải nắm vững quy trình nghiệp vụ, phải sử dụng được điện thoại thông minh vào công việc, trên tinh thần bỏ đi những thủ tục, hồ sơ không cần thiết.

"Tới đây, khi sửa Luật BHXH, BHXH Việt Nam sẽ đề xuất, kiến nghị bãi bỏ những thủ tục không cần thiết, không phù hợp, gây khó khăn cho DN và đối tượng. Yêu cầu các Phó Giám đốc về báo cáo Giám đốc BHXH tỉnh về tinh thần hội nghị; từ đó quán triệt để tổ chức triển khai tại địa phương. Các ban chuyên môn của BHXH Việt Nam cần tiếp thu toàn bộ ý kiến của các tỉnh, thành để triển khai, hoàn thiện Quyết định 166/QĐ-BHXH...”- Phó Tổng Giám đốc Trần Đình Liệu chỉ rõ./.
Nguồn: Báo Bảo hiểm Xã hội