Xây dựng nền tảng bền vững phát triển BHXH, BHYT toàn dân

04/09/2019 03:29 AM



BHYT học sinh, sinh viên đã được thực hiện ở nước ta từ lâu, cách đây trên 25 năm. Cùng với quá trình hoàn thiện chính sách, pháp luật BHYT, BHYT học sinh, sinh viên cũng dần được hoàn thiện với những quy định pháp lý chặt chẽ hơn, bảo đảm sự phối hợp thực hiện đồng bộ giữa cơ quan BHXH, các trường học và các cơ sở khám, chữa bệnh. Điểm nhấn quan trọng xuyên suốt quá trình thực hiện cho đến nay, đó chính là: BHYT học sinh, sinh viên ngày càng khẳng định sự đúng đắn, hiệu quả thiết thực với sự phát triển toàn diện của thế hệ trẻ cũng như đóng vai trò quan trọng trong lộ trình thực hiện BHYT toàn dân. Điều này được thể hiện rõ từ kết quả cụ thể qua các năm học; tỷ lệ tham gia BHYT của học sinh, sinh viên không ngừng được tăng lên. Từ con số khoảng 85% học sinh, sinh viên tham gia năm học 2013-2014, tăng lên và đạt khoảng 93,5% năm 2017-2018. Mới nhất, những con số thống kê về BHYT học sinh, sinh viên năm học 2018-2019 tiếp tục cho thấy đà tăng trưởng. Hiện cả nước đã có khoảng 17 triệu học sinh, sinh viên tham gia BHYT, đạt tỷ lệ 95,3%. Trong đó có 12,4 triệu học sinh, sinh viên tham gia BHYT tại nhà trường và 4,6 triệu học sinh, sinh viên tham gia BHYT theo các nhóm đối tượng khác như người nghèo, cận nghèo, thân nhân người có công và thân nhân quân nhân, công an…

So với tỷ lệ bao phủ BHYT của cả nước là 89,3% dân số; tỷ lệ học sinh, sinh viên tham gia BHYT tương đối khả quan, đạt kết quả bao phủ và tốc độ tăng trưởng đều qua các năm.

Có được kết quả này là sự nỗ lực, cố gắng của BHXH các tỉnh, thành phố, tích cực phối hợp với các Sở, ngành liên quan, nhất là Sở Giáo dục – Đào tạo triển khai hiệu quả BHYT học sinh, sinh viên tới từng trường học trên cả nước. Sự chỉ đạo của các cấp ủy, chính quyền địa phương với công tác BHXH, BHYT nói chung và BHYT học sinh, sinh viên nói riêng ngày càng sâu sát. Công tác phối hợp, tổng kết đánh giá, định hướng thực hiện ở từng địa phương qua các năm học được tổ chức bài bản, nền nếp, tạo sự nhận thức và thực hiện đồng bộ, hiệu quả. Chính sách BHYT phát huy vai trò thiết thực, lớn lao với đời sống người dân cũng như với các em học sinh, sinh viên thể hiện qua những câu chuyện cụ thể về những bệnh nhân được Quỹ BHYT chi trả chi phí khám, chữa bệnh lên đến hàng tỷ đồng. Đây là những câu chuyện thực tiễn tác động để các bậc phụ huynh ngày càng thấu hiểu và chủ động tham gia BHYT cho con em mình một cách tích cực hơn.

Tuy nhiên, từ thực tế công tác tổ chức thực hiện BHYT học sinh, sinh viên cũng cho thấy một số hạn chế nhất định. Tỷ lệ học sinh, sinh viên tham gia chưa đồng đều; tại một số tỉnh, thành phố số tham gia chưa cao (mới đạt khoảng 80%).

Việc học sinh, sinh viên chưa tham gia BHYT sẽ ảnh hưởng đến quyền lợi chăm sóc sức khỏe của chính các em; bao gồm cả chăm sóc y tế học đường – quyền lợi chỉ có với nhóm học sinh, sinh viên, khám, chữa bệnh tại các bệnh viện nếu chẳng may ốm đau, bệnh nặng.

Quan trọng hơn, với vai trò là thế hệ tương lai của đất nước, việc bảo đảm các em học sinh, sinh viên thực hiện nghiêm các quy định pháp luật và được tiếp cận, nhận thức về những tri thức liên quan đến BHXH, BHYT sẽ là yếu tố bảo đảm xây dựng An sinh xã hội bền vững trong tương lai. Việc biết đến và được thụ hưởng những quyền lợi BHXH, BHYT ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường sẽ góp phần hình thành nếp quen tham gia BHXH, BHYT khi các em tham gia vào thị trường lao động sau này.

Nhìn từ góc độ định hướng thực hiện BHXH, BHYT toàn dân, với vai trò là lực lượng chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu dân số nước ta, là những chủ nhân tương lai của đất nước, việc thực hiện hiệu quả BHYT học sinh, sinh viên, bước đầu trang bị những kiến thức về BHXH, BHYT sẽ góp phần tạo nền tảng để từng bước cụ thể hóa mở rộng diện bao phủ BHXH, BHYT trong tương lai – khi các em học sinh, sinh viên trở thành lực lượng lao động chính của đất nước.

Từ những phân tích vừa nêu, có thể khẳng định: việc nâng cao hiệu quả thực hiện BHYT học sinh, sinh viên là vô cùng quan trọng với yêu cầu nhiệm vụ hiện nay, đóng vai trò tạo nền tảng thực hiện BHXH, BHYT toàn dân. Để khắc phục những tồn tại và tiếp tục triển khai hiệu quả BHYT học sinh, sinh viên, cần chú trọng thực hiện những giải pháp cơ bản sau:

Một là: Tăng cường sự chỉ đạo của các cấp ủy, chính quyền với tổ chức thực hiện BHXH, BHYT nói chung và BHYT học sinh, sinh viên nói riêng. Theo tinh thần chỉ đạo của Nghị quyết 21-NQ/TW của Bộ Chính trị về Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng với công tác BHXH, BHYT giai đoạn 2012 - 2020, thực hiện BHXH toàn dân theo định hướng tại Nghị quyết 28-NQ/TW của Trung ương 7 về Cải cách chính sách BHXH và BHYT toàn dân theo Nghị quyết 20-NQ/TW của Trung ương 6 về Tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe Nhân dân trong tình hình mới; vai trò, trách nhiệm của các cấp ủy, chính quyền địa phương với phát triển BHXH, BHYT toàn dân là rất lớn và việc chỉ đạo thực hiện BHYT học sinh, sinh viên sẽ góp phần tạo tiền đề bền vững, từ đó có được những kết quả BHXH, BHYT sau này. Biện pháp thiết thực nhất là đề xuất ngân sách địa phương hỗ trợ mức đóng BHYT học sinh, sinh viên ngoài phần kinh phí đã được ngân sách Trung ương hỗ trợ. Đồng thời vận động các doanh nghiệp, các nhà hảo tâm hỗ trợ kinh phí mua thẻ BHYT với các em học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn.

Với các thành phố lớn, có nhiều trường cao đẳng, đại học trên địa bàn, sự chỉ đạo của các cấp ủy, chính quyền cần mạnh mẽ hơn, khắc phục triệt để tình trạng sinh viên từ năm thứ hai trở đi ít tham gia BHYT; đưa tỷ lệ tham gia BHYT học sinh, sinh viên là một trong các tiêu chí đánh giá mức độ chấp hành pháp luật của học sinh, sinh viên và chất lượng, chỉ số xếp loại tín nhiệm của nhà trường với cộng đồng.

Hai là: Tiếp tục tăng cường truyền thông, phổ biến chính sách, pháp luật về BHYT học sinh, sinh viên, đặc biệt tập trung vào tháng 9, nhân dịp khai giảng năm học mới, coi đây là tháng cao điểm truyền thông về BHYT học sinh, sinh viên; nhấn mạnh chủ đề “BHYT học sinh, sinh viên vì tương lai của đất nước”. Chú trọng vào các nội dung về quyền lợi hưởng khi tham gia BHYT của nhóm học sinh, sinh viên; những trường hợp học sinh, sinh viên được Quỹ BHYT chi trả chi phí khám, chữa bệnh lớn; gương người tốt, việc tốt trong thực hiện BHYT học sinh, sinh viên; những quy định mới liên quan đến BHYT học sinh, sinh viên theo quy định tại Nghị định số 146/2018/NĐ-CP ngày 17/10/2018 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn biện pháp thi hành một số điều của Luật BHYT. Để nâng cao hiệu quả truyền thông cần sự phối hợp, tham gia tích cực từ Ban Giám hiệu, đội ngũ giáo viên chủ nhiệm và cán bộ chuyên trách BHYT tại các trường học.

Ba là: Phát huy tính chủ động, năng động sáng tạo từ cơ quan BHXH. Từ công tác tham mưu cấp ủy, chính quyền địa phương, phối hợp với các trường học trong việc thực hiện truyền thông; thực hiện thu, chi – bảo đảm quyền lợi BHYT cho học sinh, sinh viên… luôn cần sự chủ động từ phía cơ quan BHXH ở các cấp. Cơ quan BHXH phải xác định rõ tầm quan trọng cả về trước mắt cũng như dài lâu của BHYT học sinh, sinh viên; từ đó chú trọng phối hợp với ngành giáo dục cũng như chỉ đạo thực hiện hiệu quả. Phối hợp với cơ sơ giáo dục phổ biến, triển khai hướng dẫn học sinh, sinh viên cách thức tra cứu mã số BHXH. Tiếp nhận hồ sơ tham gia BHYT và tiến hành cấp thẻ BHYT đảm bảo kịp thời, đúng quy định. Kịp thời xét duyệt và trích, chuyển kinh phí thù lao BHYT học sinh, sinh viên cho các trường học, cơ sở giáo dục. Khen thưởng đối với tập thể, cá nhân thực hiện tốt.

Thời điểm hiện nay, Ngành BHXH đang trong quá trình nỗ lực cố gắng xây dựng hệ thống dữ liệu chuẩn về người tham gia BHXH, BHYT, trong đó có học sinh, sinh viên. Đây là nội dung công việc khó, phức tạp, cần nhiều nhân lực, thời gian thực hiện và quan trọng là sự kiên trì, bền bỉ, thận trọng khi rà soát, chuẩn hóa dữ liệu của từng người, từng hộ gia đình liên quan đến BHXH, BHYT. Xuyên suốt quá trình đó, cần lưu ý, chú trọng các nội dung liên quan đến nhóm học sinh, sinh viên. Chuẩn hóa dữ liệu với nhóm này sẽ tạo thuận lợi hơn cho quá trình thực hiện thủ tục BHXH, BHYT sau này. Quan trọng hơn, trong quá trình hoàn thiện dữ liệu, phần mềm, các quy trình thủ tục cần thực hiện với sự linh hoạt, sáng tạo, tránh rập khuôn máy móc, ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân nói chung và học sinh, sinh viên nói riêng.

Việc thực hiện tốt, bảo đảm quyền lợi BHYT sẽ góp phần từng bước xây dựng niềm tin từ chính các em học sinh, sinh viên và cả các bậc phụ huynh, là yếu tố quan trọng để mở rộng diện bao phủ, thực hiện BHXH, BHYT toàn dân./.

Nguồn: Tạp chí Bảo hiểm xã hội