Mua bảo hiểm xã hội tự nguyện ở tuổi 62, cụ bà tâm nguyện gì?

19/09/2019 09:38 AM


Bà Dương Thị Lý (bên phải) đang được cán bộ tư vấn về chính sách BHXH tự nguyện.
(Ảnh: H.M)

Giảm gánh nặng cho con cháu

Nhà chỉ cách Hội trường UBND xã Trung Trạch (huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình) gần 4h km và 14h bắt đầu nhưng bà Dương Thị Lý (xã Đồng Trạch, Huyện Bố Trạch) đã chủ động đến sớm gần 30 phút.

Giờ khai mạc, bà Dương Thị Lý ngồi hàng đầu và chăm chú lắng nghe thông tin chính sách bảo hiểm xã hội tự nguyện từ cán bộ tuyên truyền.

Ngay sau khi tuyên bố, bà Dương Thị Lý cũng là người đầu tiên tham trong số 86 người mua bảo hiểm xã hội tự nguyện tại chương trình.

Chia sẻ với mọi người, mong muốn có cuộc sống độc lập về tài chính khi tuổi già của người phụ nữ 62 làm nghề nông này đã khiến nhiều người phải suy ngẫm.

“Tôi làm ruộng và không có lương hưu. Trước đây, tôi có mua một số dịch vụ bảo hiểm thương mại. Khi có thông tin về chính sách bảo hiểm xã hội tự nguyện, tôi nhận thấy nhiều quyền lợi lâu dài nên đã chủ động tham gia” - bà Dương Thị Lý tâm sự.

Giải thích thêm muốn tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện để tránh gáng nặng cho con cháu, bà Dương Thị Lý nói: “Khi làm ăn được, con cháu không quên phụng dưỡng. Nhưng khi gặp khó khăn, nếu mình cứ dựa hoàn toàn vào con cháu thì sẽ là gánh nặng. Thậm chí khi qua đời, người thân còn được hưởng chế độ tử tuất”.

Người dân tham khảo thông tin BHXH tự nguyện tại Hội nghị. (Ảnh: H.M)

Với khả năng tài chính hiện có của vợ chồng, bà Dương Thị Lý tạm thời tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện ở mức trung bình.

Bà nhẩm tính, với độ tuổi 62 như hiện tại, chỉ cần đóng liên tục bảo hiểm xã hội tự nguyện trong 10 năm là có thể nhận được lương hưu.

"Năm nay, tôi đã 62 tuổi. Đóng đều mỗi năm cho tới năm 72 tuổi, lúc đó tôi có thể đóng thêm “trọn gói” cho cả 10 năm tiếp theo. Như vậy, thời gian để tới ngày nhận lương hưu từ việc tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện cũng không dài lắm” - bà Dương Thị Lý nhẩm tính.

“Nhờ đồng lương hưu sau này, tôi sẽ chủ động được một phần cuộc sống và không phải dựa hoàn toàn vào con cháu khi tuổi già” - bà Dương Thị Lý cho biết.

Khi biết nguyện vọng của vợ, chồng bà Dương Thị Lý ban đầu khuyên nên cân nhắc vì đã có khoản lương hưu hơn 4 triệu đồng/tháng, có thể đỡ đần cho vợ.

“Nhưng tôi nói với chồng, khoản lương hưu đó là vốn của anh. Nhưng nếu có thêm 1 khoản lương hưu của vợ thì cũng sẽ đỡ đần thêm cho gia đình khi sau này” - bà Dương Thị Lý cho biết.

Tuyên truyền sao cho hợp người dân?

Câu chuyện của bà Dương Thị Lý chỉ là một trong số 86 trường hợp đăng ký mua bảo hiểm xã hội tự nguyện chiều 16/8 tại Hội nghị tuyên truyền của Bảo hiểm xã hội Quảng Bình tại Quảng Trạch chiều 16/8.

Con số 86/170 người dự hội nghị tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện là một kết quả không thấp, thể thiện nỗ lực của cơ quan bảo hiểm xã hội nhằm bao phủ chính sách an sinh xã hội tới người dân.

Chứng kiến việc tham gia của người dân tại Hội nghị, ông Lê Văn Thanh - Phó Giám đốc Bảo hiểm xã hội huyện Bố Trạch (Quảng Bình) - cho biết, nhiều người dân khi tham gia Hội nghị đều khẳng định và đánh giá cao tới chính sách bảo hiểm xã hội tự nguyện.

Ông Lê Văn Thanh - Phó Giám đốc Bảo hiểm xã hội huyện Bố Trạch (Quảng Bình)

“Bởi tính ưu việt hướng tới đối tượng ở mọi lứa tuổi, bất kết có mắc bệnh hiểm nghèo hay không. Ngoài chế độ bảo hiểm y tế, Nhà nước sẽ đảm bảo duy trì mức lương hưu của người tham gia phù hợp tương đối với sự điều chỉnh giá cả thị trường…” - ông Lê Văn Thanh nói.

Hay là vậy, nhưng vì sao diện bao phủ của chính sách còn khiêm tốn?

Theo ông Lê Văn Thanh, đặc thù của người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện là trung tuổi trở nên. “Lúc còn trẻ, họ chưa quan tâm tới bảo hiểm xã hội hoặc họ đã tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc nhưng chưa đủ năm hưởng lương hưu. Chính vì vậy, thời gian đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện còn dài, thời gian hưởng ít cũng là một trở ngại khi tham gia đối với nhóm đối tượng trên”.

Về chế độ hưởng, người tham gia mới chỉ nhận được 2 chế độ hưu trí và tử tuất. “Dù 2 chế độ hay nhưng nhiều người dân phản ánh muốn được hưởng thêm bảo hiểm tai nạn lao động, thai sản ốm đau như chế độ bảo hiểm xã hội bắt buộc” - ông Lê Văn Thanh kiến nghị.

Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền dù đã có nhiều cố gắng về hình thức và nội dung nhưng vẫn còn khoảng cách về độ tiếp cận hiệu quả tới đối tượng cần tác động.

Nhằm khắc phục những tồn tại đó, ông Lê Văn Thanh cho rằng phương thức tổ chức hội nghị là cách làm mới và đang có hiệu quả nhất tới thời điểm này.

Theo lãnh đạo bảo hiểm xã hội huyện Bố Trạch, chính sách bảo hiểm xã hội tự nguyện đã có từ năm 2008. Tới năm 2017, cả huyện mới có khoảng 600 người tham.

Nhưng với việc phát triển mô hình hội nghị tuyên truyền, hết năm 2018, cả huyện đã có hơn 1.500 người tham gia. Chỉ riêng 6 tháng đầu năm 2019, con số tham gia đã lên tới 2.261 người.

“Tại huyện Bố Trạch, cơ quan bảo hiểm xã hội tổ chức mô hình hội nghị từ năm 2018. Trung bình 40% người dân tham gia hội nghị sau khi được tuyên truyền và giải đáp chính sách đã đăng ký tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện và bảo hiểm y tế hộ gia đình” - ông Lê Văn Thanh cho biết thêm.

Nguồn: Theo dantri.com.vn