Vun mầm sống cho những mảnh đời khó khăn mắc bệnh hiểm nghèo

20/09/2019 04:09 AM



Ông Lê Đức Tường hỗ trợ vợ bán hàng tạp hóa để trang trải cuộc sống hằng ngày

“Không có bảo hiểm, chắc tôi không còn ở đây để gặp các anh”

Trong các ngày 21-22/8 vừa qua, chúng tôi có dịp thực tế công tác thanh quyết toán chi phí khám chữa bệnh BHYT cho bà con nhân dân một số huyện, thành phố ở địa bàn tỉnh Quảng Nam.

Tiếp chúng tôi, ông Nguyễn Thanh Danh–Phó Giám đốc BHXH tỉnh này phấn khởi cho biết, năm 2019, BHXH tỉnh và BHXH cấp huyện ký kết hợp đồng khám chữa bệnh (KCB) BHYT với 39 cơ sở KCB công lập và ngoài công lập trên địa bàn tỉnh. Đồng thời triển khai KCB BHYT tại 229/244 trạm y tế xã, phường, thị trấn. BHXH tỉnh tiếp tục phân cấp cho 18/18 BHXH huyện, thị xã, thành phố ký hợp đồng, giám định, thanh quyết toán chi phi KCB BHYT đối với các cơ sở y tế tuyến huyện và phòng khám đa khoa trên địa bàn.

Tính chung, 7 tháng đầu năm 2019, cơ quan BHXH tỉnh đã giám định, thanh toán chi phí KCB BHYT cho trên 2.248.187 lượt người với số tiền trên 946 tỷ đồng. Nhờ tham gia BHYT, nhiều trường hợp ở Quảng Nam bị bệnh hiểm nghèo đã vượt qua hoạn nạn, sức khỏe ngày một cải thiện.

Mắc bệnh thận hơn 4 năm nay, ông Lê Đức Tường (SN 1966, trú tại khu phố Tam Cẩm, Thị trấn Phú Thịnh, huyện Phú Ninh) - một giáo viên cấp 2 với thâm niên 30 năm trong nghề buộc phải nghỉ việc giữa chừng để đi chạy thận nhân tạo. Hiện bệnh thận của ông đã ở giai đoạn cuối, bị biến chứng thiếu máu mạn, rối loạn điện giải, thể trạng ngày càng suy yếu. Theo tính toán của gia đình, kể từ năm 2017 đến 31/7/2019, tổng tiền viện phí đã lên tới hơn 300 triệu đồng.

“Đang chờ giải quyết chế độ ốm đau, nghỉ dạy giữa chừng nên bị cắt lương, hai vợ chồng tôi chỉ trông chờ vào quầy tạp hóa xộc xệch để trang trải cuộc sống hằng ngày, lo cho cả một người con đang học hành dang dở. Cũng may, nhờ tham gia BHYT hộ gia đình nên tôi được bảo hiểm chi trả hầu hết viện phí”, ông Tường chia sẻ.

Ông Ngô Thanh Trước (SN 1954, trú tại thành phố Tam Kỳ, Quảng Nam) cũng phải bán hết lợn, bò để đi chữa bệnh ung thư vòm họng. Căn bệnh quái ác khiến bệnh nhân ăn uống kém, sức khỏe ngày một giảm sút.

“Trung bình 3 tháng tôi phải đi khám 1 lần. Nhà có 3 người con gái đều đã lập gia đình, ra ở riêng, còn mỗi hai thân già không có đồng lương nào, ruộng vườn cũng không. Từ đợt mắc bệnh, lợn bò cũng phải bán hết. Mỗi lần xạ trị ít nhất cũng mất hơn 30 triệu đồng. Tính ra, tổng tiền viện phí từ lúc bị bệnh tháng 11/2017 đến nay cũng hết tầm 300-400 triệu đồng”, ông Trước thở dài.

Cũng may, trước đó, nhờ được cán bộ xã vận động tham gia BHYT hộ gia đình, khi bị bệnh được tư vấn chuyển sang BHYT cá nhân nên bảo hiểm đã chi trả hầu hết viện phí cho ông Trước. “Nếu không có bảo hiểm, chắc tôi không còn ở đây để gặp các anh”, ông Trước dí dỏm.

Đa dạng hóa cách thức tuyên truyền, vận động

Theo Phó Giám đốc BHXH tỉnh Quảng Nam Nguyễn Thanh Danh, mặc dù đối tượng tham gia BHXH, BHYT, BHTN 7 tháng đầu năm tăng so với cùng kỳ năm 2018, nhưng việc phát triển số người tham gia BHXH tự nguyện vẫn còn khó khăn (7 tháng chỉ đạt 178.145 người, giảm 108 người so với cuối năm 2018), mới đạt 53,5% kế hoạch BHXH Việt Nam.

Nguyên nhân được ông Danh chỉ ra bởi điều kiện kinh tế của phần lớn người dân trên địa bàn tỉnh còn nhiều khó khăn, thu nhập thấp, không ổn định nên ít quan tâm đến việc tham gia BHXH tự nguyện.

7 tháng đầu năm 2019, toàn tỉnh Quảng Nam có 4.030 người tham gia BHXH tự nguyện, tăng 1.892 người so với cuối năm 2018; 158.879 người tham gia BH thất nghiệp, tăng 825 người so với cuối năm 2018; và 1.416.868 người tham gia BHYT, tăng 23.940 người so với cuối năm 2018. Tuy nhiên, số người tham gia BHXH chỉ đạt 178.145 người, giảm 108 người so với cuối năm 2018.

Để thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu nhiệm vụ năm 2019, trong 5 tháng cuối năm, ngoài những nhiệm vụ, công tác thường xuyên, theo ông Danh, BHXH tỉnh sẽ phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương các cấp, các cơ quan, đơn vị trên địa bàn đẩy mạnh công tác tuyên truyền về chính sách BHXH, BHYT.

Trong đó, quan trọng nhất là tuyên truyền, thực hiện tốt Nghị quyết số 28-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về cải cách chính sách BHXH, Nghị quyết số 21-NQ/TW của Bộ Chính trị.

Đồng thời, BHXH tỉnh sẽ phối hợp với ngành Thuế, ngành Lao động, Thương binh & Xã hội,... rà soát các doanh nghiệp, hộ kinh doanh cá thể có sử dụng lao động đã đi vào hoạt động, nhưng chưa tham gia BHXH, BHYT cho người lao động để mở rộng nguồn thu, phát triển đối tượng.

Ngành cũng sẽ tăng cường công tác thanh tra chuyên ngành về đóng BHXH, BHYT, kiểm tra liên ngành tình hình thực hiện Luật BHXH, Luật BHYT tại các đơn vị sử dụng lao động, nhất là các doanh nghiệp có số tiền nợ BHXH, BHYT lớn, thời gian nợ kéo dài, để đảm bảo tiến độ thu hàng tháng, giảm nợ đọng và đảm bảo quyền lợi cho người lao động.
Nguồn: Theo tienphong.vn