Đừng để hối tiếc!

06/10/2021 10:01 PM


Những người bảo lưu quá trình đóng BHXH luôn mong muốn có lương hưu lúc tuổi già; còn những người rút BHXH một lần thì có vô vàn lý do. Nhưng thực tế, rất nhiều người phải tiếc nuối do đã nhận BHXH một lần…

Anh Vũ Khắc Ngọc là thầy giáo và cũng là một “hot facebooker” có gần 200.000 người theo dõi. Mới đây, anh Ngọc đã đăng một nhận định về thực trạng nhiều người dân lãnh trợ cấp BHXH một lần, mà theo anh “cảm thấy thật đáng tiếc vì chính sách BHXH đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong việc đảm bảo an sinh xã hội”. Đưa ra nhận định này, anh Ngọc mong muốn cảnh báo tới những người có ý định rút BHXH một lần, để sau này không phải hối hận.

 

Chia sẻ của anh Ngọc xuất phát từ chính hoàn cảnh mẹ anh, cũng là một người từng “về một cục”- cách nói về việc nhận BHXH một lần ngày trước. Theo anh Ngọc, vì không có lương hưu, mẹ anh phải bươn chải, “buôn thúng bán mẹt” ở vỉa hè Hà Nội suốt mười mấy năm trời...

Những dòng trạng thái của anh Ngọc đã nhận được không ít ý kiến đồng tình ủng hộ của người theo dõi. “Buồn quá thầy ơi, mọi người toàn rút một cục về hết không biết sau này về già sống sao nữa. Đặc biệt là công nhân khi hết sức lao động thì lấy gì sống?...” Nhiều bạn cũng chia sẻ sự nuối tiếc cho chính cha mẹ mình, khi đã trót “rút một cục” nên mới phải vất vả lo khi tuổi cao sức yếu.

Rút BHXH một lần làm gì?

Trước hết, nhiều người do thiếu thông tin, cùng với việc bị tác động bởi các lời đồn vô căn cứ, cố ý xuyên tạc, bóp méo, dẫn tới nhận thức không đầy đủ về chính sách an sinh xã hội cũng như các quyền và lợi ích khi tham gia BHXH. Từ đó, dẫn đến việc rất nhiều NLĐ quyết định nhận BHXH một lần, với lý do rất đơn giản “không thích đóng nữa thì rút”, hay “mấy chị em rủ nhau đi rút chung cho vui” hoặc xúi nhau “rút đi không mai mốt không được rút”. Điều đáng nói, đa phần trong số này rút về chi tiêu không có kế hoạch, nên chả mấy chốc tiêu hết tiền.

Nguyên nhân thứ hai khiến nhiều người quyết định rút BHXH một lần là do hết tiền xài, vì trả nợ, để sửa nhà, lắp điều hòa, mua chiếc xe hay đổi chiếc điện thoại… Giống như mẹ anh Ngọc, trước đây “về một cục” với số tiền chỉ đủ sắm cái tủ li, bộ bàn ghế gỗ, cái máy khâu và dăm ba thứ linh tinh đã hết sạch.

Ngoài ra, còn những nguyên nhân nữa, như nhiều người lý giải, là để “làm ăn”, “gửi ngân hàng lấy lãi”, mua vàng, đầu tư chứng khoán, đầu tư tiền ảo… Đáng tiếc thay, đây thường là lý do “nói cho có”, hoặc bị những kẻ đầu tư tài chính đa cấp vẽ ra những viễn cảnh “làm giàu không khó” để lừa đảo.

Tất nhiên cũng có những người khởi sự kinh doanh hoặc đầu tư từ khoản tiền BHXH một lần, nhưng số này rất ít và đa phần không thành công như mong muốn. Hơn nữa, với những người thực sự có kiến thức đầu tư thì rút BHXH một lần thường là lựa chọn sau cùng, để đề phòng rủi ro có thể gặp phải.

Để không hối tiếc

Rút BHXH một lần là quyền của mỗi người. Tuy nhiên, để không hối tiếc, mọi người hãy tỉnh táo trước khi đưa ra quyết định cuối cùng, đặc biệt hãy cân nhắc xem khoản tiền BHXH một lần có thể giúp mình thoát khỏi trạng thái “hết tiền” trong bao lâu. Đồng thời, hãy thử hình dung việc hết tiền trong hiện tại so với việc không có tiền khi ở ngưỡng 60 tuổi trở lên như thế nào? Bởi, nếu 30-40 tuổi mà mình đã cảm thấy khó khăn khi không có việc làm, không có thu nhập thì chắc chắn, khi ngoài 60 tuổi trở lên, cơ hội kiếm tiền sẽ càng ít đi. Khi già yếu, chậm chạp, kiến thức lạc hậu… sẽ không phải là lợi thế cạnh tranh để mình có thể tồn tại?

Số liệu thống kê cho thấy, tuổi thọ trung bình của người Việt Nam là 75,5 tuổi- cao hơn tuổi thọ trung bình của thế giới (72 tuổi). Nếu chết trước tuổi hưu thì thật đáng tiếc, nhưng nếu tới tuổi hưu mà không có lương hưu, không có thu nhập ổn định sẽ rất cực khổ.

Ông Nguyễn Duy Phương (68 tuổi, phường Phú Thạnh, quận Tân Phú, TP.HCM) năm nay mới bắt đầu lãnh lương hưu, do vừa đóng BHXH một lần cho những năm còn thiếu. Lý giải nguyên nhân tham gia BHXH tự nguyện, ông Phương bảo: “Chết rồi thì chả có gì phải sợ đói, sợ bệnh, sợ thiệt thòi nữa! Nhưng tôi sợ nhất là cứ sống vậy mà không có gì ăn!”.

Còn nếu rút BHXH một lần để gửi tiết kiệm hoặc đầu tư liệu có lợi hơn? Thực tế cho thấy, lợi nhuận luôn đi cùng rủi ro. Đầu tư hay kinh doanh đều có những ưu nhược điểm, nhưng điểm chung đều cần rất nhiều kiến thức và kinh nghiệm đầu tư. Vì thế, không thể lấy thiểu số những người kinh doanh thành công làm minh chứng cho số đông. Trong khi đó, chính sách an sinh là dành cho đa số và chủ yếu hướng đến NLĐ, đặc biệt là NLĐ có thu nhập thấp. Vì thế, nếu rút BHXH một lần để đầu tư, nhiều người có thể trắng tay, mất hết tất cả.

Ngay cả quan điểm “già sẽ có con cái lo” cũng không hoàn toàn phù hợp. Ông cha ta từng đúc kết: “Cha mẹ nuôi con biển hồ lai láng/Con nuôi cha mẹ tính tháng tính ngày” hay “Một mẹ nuôi được mười con, mười con không nuôi nổi một mẹ”. Đó là nghịch lý nhân sinh, bởi con trẻ gắn liền với kỳ vọng, còn tuổi già lại gắn liền với gánh nặng. Thử hình dung mỗi nhà có từ 1-2 con, các con lập gia đình, sinh con đẻ cái trăm thứ phải lo, rồi lại nuôi 2 ông bà già, chưa kể nếu cả 2 bên ông bà nội ngoại đều không có lương hưu, không có thu nhập, thì con cái với mức lương như hiện tại liệu có đủ sức nuôi bố mẹ. Do đó, chỉ khi bố mẹ có lương hưu, thì con cái mới có chỗ dựa vững chắc để yên tâm làm ăn.

Rút BHXH một lần rất dễ dàng. Tiếp tục đóng BHXH chờ nhận lương hưu mới là quá trình cần sự kiên trì mới có thành quả. Tiếc nuối cho dù thừa nhận hay không thì cũng chỉ mình thấm thía. Lương hưu cũng là mình hưởng, kể cả trong những ngày tháng tưởng rằng vô dụng nhất, tăm tối nhất. Vì thế, mọi người hãy cân nhắc thật kỹ, để sau này không phải hối tiếc!

Tạp chí BHXH