Tỷ lệ tham gia BHYT đạt khoảng 92% năm 2022

13/10/2021 02:25 PM


Ngày 12/10, Ủy ban TVQH đã cho ý kiến về các báo cáo của Chính phủ về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội và dự toán NSNN năm 2021, kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội năm 2022; dự toán NSNN và phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2022.

Báo cáo thẩm tra đánh giá kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội năm 2021; dự kiến Kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội năm 2022 của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội nêu rõ: Với chủ trương nhất quán không đánh đổi môi trường, sức khỏe và tính mạng của người dân lấy tốc độ tăng trưởng kinh tế, nhiều chính sách, giải pháp được ban hành cả trong ngắn hạn và dài hạn.

Bên cạnh đó, điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, lạm phát giữ ở mức thấp, CPI bình quân 9 tháng tăng 1,82%, cả năm ước tăng dưới 4%, đạt mục tiêu đề ra, góp phần duy trì ổn định kinh tế vĩ mô. Thu NSNN ước vượt dự toán; huy động vốn đầu tư toàn xã hội cả năm bằng khoảng 35% GDP; tăng trưởng tín dụng đạt 7,39% (cùng kỳ tăng 4,99%), hỗ trợ tích cực cho tăng trưởng kinh tế. Xuất, nhập khẩu hàng hóa 9 tháng đầu năm giữ mức tăng cao, đạt 24,4%. An ninh lương thực cơ bản được bảo đảm; nông nghiệp tiếp tục đóng vai trò bệ đỡ của nền kinh tế trong khó khăn. Quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội, chủ quyền biên giới quốc gia được giữ vững; số vụ phạm tội giảm 3,56%. Công tác “ngoại giao vắc-xin” tiếp tục đạt kết quả tích cực...

Ủy ban Kinh tế đề nghị Chính phủ tiếp tục quán triệt và thực hiện nghiêm mục tiêu xuyên suốt là bảo vệ sức khỏe của nhân dân, duy trì hoạt động kinh tế- xã hội bình thường ở mức độ tối đa có thể; xây dựng Chiến lược tổng thể phòng, chống dịch Covid-19 trong tình hình mới; đẩy nhanh tỷ lệ tiêm vắc-xin, sớm đạt miễn dịch cộng đồng. Chính phủ cần tiếp tục tổ chức thực hiện có hiệu quả các chính sách hỗ trợ đã được ban hành. Cùng với đó, Chính phủ khẩn trương xây dựng chương trình tái thiết, phục hồi nền kinh tế, có phân chia theo giai đoạn; xây dựng phương án, giải pháp ứng phó với hệ lụy từ làn sóng người lao động di chuyển khỏi các tỉnh, thành phố lớn; khắc phục đứt gãy nguồn cung lao động, thu hút lực lượng lao động quay trở lại nơi làm việc; sử dụng hiệu quả, phát huy vai trò của quỹ BH thất nghiệp; bảo đảm quốc phòng, an ninh; nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại và đẩy mạnh hội nhập quốc tế, triển khai quyết liệt ngoại giao vắc-xin...

Về dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2022, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết với mục tiêu phòng, chống, kiểm soát dịch bệnh Covid-19 hiệu quả để sớm mở cửa trở lại, tận dụng tốt các cơ hội thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội. Tiếp tục giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn, nâng cao tính tự chủ, khả năng chống chịu, thích ứng của nền kinh tế. Chính phủ đề ra 16 chỉ tiêu chủ yếu về các lĩnh vực kinh tế, xã hội, môi trường; trong đó tốc độ tăng tổng sản phẩm trong nước (GDP) đạt khoảng 6- 6,5%; tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân khoảng 4%; bội chi NSNN so với GDP khoảng 4%; tốc độ tăng năng suất lao động xã hội bình quân khoảng 5,5%; tỷ lệ lao động qua đào tạo khoảng 67%, trong đó có bằng, chứng chỉ đạt khoảng 27-27,5%; tỷ lệ hộ nghèo (theo chuẩn nghèo đa chiều) giảm khoảng 1-1,5%; tỷ lệ tham gia BHYT đạt khoảng 92%…

Về các giải pháp trong thời gian tới, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ lưu ý đến giải pháp cho những tháng cuối năm 2021 cần làm rõ các nội dung tập trung ưu tiên, đồng thời đánh giá kỹ bối cảnh năm 2022 để có kịch bản phù hợp. Trong năm 2022 làm rõ chuyển hướng trong phòng chống dịch, tiếp tục thực hiện nhiệm vụ kép với trọng tâm thích ứng an toàn với dịch bệnh, vì vậy kế hoạch chiến lược phòng chống dịch cần được tích hợp và tính toán bảo bảm tối ưu và cân bằng giữa yếu tố y tế và kinh tế- xã hội; quan tâm hơn đến các vấn đề xã hội, tính toán thời điểm nơi lỏng có kiểm soát tránh tư tưởng nóng vội, không chủ quan; thống nhất cần có chương trình tổng thể để phục hồi phát triển kinh tế và tăng tính tự chủ của nền kinh tế và có đề xuất về tiếp tục hỗ trợ người dân và doanh nghiệp, khôi phục các hoạt động xã hội, bảo đảm trật tự an toàn xã hội.

Kết luận nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải nêu rõ, Ủy ban TVQH đánh giá cao kết quả kinh tế- xã hội đạt được của các tháng đầu năm 2021. Việc kiểm soát dịch bệnh cùng nhiều chính sách được triển khai để duy trì được mức tăng trưởng khá 6 tháng đầu năm 2021 đạt 5,64 % tạo tiền đề để thực hiện cả năm 2021. Dự kiến có 8/12 chỉ tiêu đạt kế hoạch đề ra như  lạm phát được kiểm soát ở mức thấp, CPI bình quân dưới 4 %, thu ngân sách ước vượt dự toán, huy động vốn đầu tư toàn xã hội cả năm khoảng 3,5 % GDP; tổng kim ngạch xuất nhập khẩu tiếp tục được duy trì, các cân đối vĩ mô ổn định, bội chi nợ công ước trong ngưỡng cho phép. Cơ bản đời sống nhân dân, an sinh xã hội được đảm bảo, quốc phòng, an ninh được giữ vững.

Dự báo tình hình năm 2022 còn phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức, cần phân tích cụ thể và có giải pháp đột phá để giải quyết. Các biện pháp phòng, chống dịch nghiêm ngặt đã gây khó khăn cho cung ứng nguyên vật liệu, vận chuyển hàng hóa làm động lực tăng trưởng từ sản xuất, xuất nhập khẩu gặp trở ngại lớn, dư địa tăng trưởng tiêu dùng bị ảnh hưởng đáng kể, tăng trưởng kinh tế thấp. Việc triển khai các chính sách hỗ trợ sẽ gây sức ép lớn ngân sách, nợ xấu của các tổ chức tín dụng gia tăng, tình trạng lao động thất nghiệp, mất việc làm tăng cao, lao động đang rời khỏi các tỉnh, thành phố lớn, xuất hiện tình trạng thiếu hụt lao động cục bộ tại một số khu vực. Chuỗi sản xuất cung ứng bị gián đoạn, đứt gãy dòng tiền. Nhiều doanh nghiệp thiếu hụt ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số còn hạn chế trong khi xuất hiện xu hướng hình thành xã hội ít tiếp xúc đến kinh tế ít tiếp xúc. Xây dựng các phương án, giải pháp để khắc phục tình trạng thiếu hụt lao động tại một số địa phương; quan tâm đến y tế, giáo dục, đảm bảo ASXH, giữ vững an ninh.

Tạp chí BHXH