BHXH một lần - Thực trạng và giải pháp
19/10/2021 07:56 PM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Bảo hiểm xã hội (BHXH) một lần là việc người lao động yêu cầu cơ quan BHXH thanh toán một lần khi có thời gian tham gia BHXH bắt buộc sau 1 năm nghỉ việc hoặc tham gia BHXH tự nguyện sau 1 năm không tiếp tục đóng BHXH mà chưa đủ 20 năm đóng BHXH.
Thực trạng BHXH một lần...
Theo Luật BHXH năm 2014, người lao động chỉ được thanh toán BHXH một lần khi hết tuổi lao động mà không đủ điều kiện hưởng lương hưu hoặc ra nước ngoài để định cư hợp pháp. Tuy nhiên, khi Luật BHXH năm 2014 chưa có hiệu lực thi hành (ngày 01/01/2016), trước phản ứng trái chiều của nhiều người lao động, ngày 22/6/2015, Quốc hội khóa XIII ban hành Nghị quyết số 93/2015/QH13 về việc thực hiện chính sách hưởng BHXH một lần. Theo đó từ ngày 01/01/2016, người lao động tham gia BHXH bắt buộc sau 1 năm nghỉ việc, người tham gia BHXH tự nguyện sau 1 năm không tiếp tục đóng BHXH mà chưa đủ 20 năm đóng BHXH khi có yêu cầu thì được nhận BHXH một lần. Những quy định của pháp luật nêu trên là tiền đề, dẫn tới thực trạng thực hiện chính sách BHXH một lần thời gian qua được cho rằng là khá thông thoáng và thuận lợi.
Theo thống kê trong giai đoạn 2016-2020, tại tỉnh Đắk Lắk có 32.164 người lao động đề nghị và được giải quyết hưởng BHXH một lần, số lượng năm sau luôn cao hơn năm trước với tốc độ tăng trung bình mỗi năm khoảng 8,9%. Cụ thể: năm 2016 là 5.270 người, năm 2017 là 6.027 người (tăng 14,3% so với năm 2016), năm 2018 là 6.648 người (tăng 10,3 % so với năm 2017), năm 2019 là 6.756 người (tăng 1,6% so với năm 2018), năm 2020 là 7.463 người (tăng 9,4% so với năm 2019 và tăng 41,6% so với năm 2016). Việc gia tăng số người hưởng BHXH một lần đồng nghĩa với việc gia tăng số người rời khỏi hệ thống an sinh xã hội, gây khó khăn cho việc thực hiện mục tiêu bao phủ BHXH toàn dân theo tinh thần của Nghị quyết số 28-NQ/TW ngày 23/5/2018 của Ban Chấp hành Trung ương, khóa XII và Chương trình số 29-CTr/TU ngày 21/8/2018 của Tỉnh ủy Đắk Lắk.
Tư vấn người lao động nên tham gia BHXH tự nguyện thay vì nhận BHXH một lần khi nghỉ việc
Nguyên nhân và giải pháp
Về nguyên nhân khách quan, điều kiện hưởng BHXH một lần khá dễ dàng, mức hưởng hấp dẫn hơn trước đối với thời gian đóng BHXH từ năm 2014 trở đi và rất có lợi so với mức đóng góp của bản thân người lao động (với mức đóng 8% tiền lương tháng vào quỹ hưu trí và tử tuất, một năm đóng 0,96 tháng lương thì việc hưởng 1,5 tháng cho thời gian đóng BHXH trước năm 2014 và bằng 02 tháng lương cho mỗi năm đóng BHXH từ năm 2014 trở đi), từ đó khiến người lao động cứ nghỉ việc là mong muốn được nhận BHXH một lần thay vì bảo lưu chờ đóng tiếp để hưởng lương hưu hàng tháng.
Về nguyên nhân chủ quan: Tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp gặp khó khăn, đặc biệt là trong những năm gần đầy khi mà nền kinh tế bị ảnh hưởng nặng nền bởi dịch bệnh Covid-19. Số lao động mất việc làm không có cơ hội tái tham gia thị trường lao động là nguyên nhân làm gia tăng số người hưởng BHXH một lần. Bên cạnh đó, việc chấp hành chính sách pháp luật về BHXH của một số đơn vị sử dụng lao động còn chưa nghiêm dẫn đến người lao động không được hưởng kịp thời, đầy đủ các quyền lợi của chính sách BHXH.
Đối với người lao động có nhiều nguyên nhân khiến họ chọn hưởng BHXH một lần, trong đó chủ yếu là công nhân làm việc trong các khu công nghiệp, có thu nhập thấp, họ làm việc một thời gian để tích lũy tiền lương, tiền đóng BHXH để làm vốn về quê làm ăn hoặc vì khó khăn nên người lao cần tiền để trang trải cuộc sống; tâm lý không ổn định vì e ngại chính sách thay đổi theo hướng bất lợi nên sẽ phát sinh nhiều rủi ro, trượt giá, giảm quyền lợi hưởng BHXH; nhận thức của người lao động về tác dụng, ý nghĩa của việc hưởng lương hưu chưa đầy đủ, chưa hình thành ý thức tham gia BHXH lúc trẻ để hưởng lương hưu khi về già.
Nhằm hạn chế tình trạng hưởng BHXH một lần để đảm bảo bảo an sinh xã hội lâu dài và khắc phục những tồn tại của chính sách về hưởng BHXH một lần, cần thực hiện đồng bộ các giải pháp sau:
Một là, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, mở rộng sản xuất, kinh doanh tạo việc làm, thu nhập cho người lao động, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, thu nhập cho người lao động;
Hai là, hoàn thiện chính sách pháp luật về BHXH theo hướng “linh hoạt, đa dạng, đa tầng, hiện đại, hội nhập quốc tế”; sửa đổi điều kiện hưởng chế độ hưu trí theo hướng giảm dần số năm đóng BHXH tối thiểu để được hưởng lương hưu ở mức thấp giúp người lao động dễ dàng đạt được điều kiện để hưởng lương hưu, hạn chế nhận BHXH một lần; tăng quyền lợi nếu bảo lưu thời gian tham gia BHXH để hưởng chế độ hưu trí; giảm quyền lợi khi hưởng BHXH một lần, người lao động chỉ được hưởng trên tỷ lệ đóng góp của mình; điều chỉnh cách tính lương hưu theo nguyên tắc đóng - hưởng, công bằng, bình đẳng, chia sẻ và bền vững; sửa đổi các quy định về mức đóng, căn cứ đóng BHXH để đạt mục tiêu mở rộng diện bao phủ BHXH; mở rộng đối tượng tham gia BHXH bắt buộc sang các nhóm đối tượng khác; hoàn thiện các chế tài xử lý vi phạm pháp luật về BHXH, nhất là đối với các hành vi trốn đóng, nợ đóng, trục lợi BHXH./.
Lê Văn Chinh
“Hướng dẫn cái đặt và đăng ký tài khoản VssID - ...
Bảo hiểm xã hội tỉnh Đắk Lắk nỗ lực phát triển ...
Sử dụng hình ảnh thẻ BHYT trên ứng dụng VSSID
Giới thiệu BHXH VN tiếng Việt
Giới thiệu ứng dụng VssID Bảo hiểm xã hội số