BHXH- “Vòng tay ấm áp của mẹ”

25/12/2021 10:55 PM


Đối với nhiều người, BHXH không chỉ là những điều luật cứng nhắc, khô khan, mà khi mang trong mình sứ mệnh an sinh, nó chứa đựng trong đó dạt dào tính nhân văn cao cả. Đó là tình yêu thương, sự chăm sóc vô hình của người đã khuất đối với người ở lại…

BHXH là chính sách an sinh xã hội lớn của Đảng và Nhà nước ta, luôn đồng hành cùng người tham gia trong suốt cả cuộc đời. Từ lúc người phụ nữ sinh con ra đã được hưởng chế độ thai sản; 6 tháng nghỉ việc hưởng lương 100% là 6 tháng yêu thương trọn vẹn mà người mẹ dành cho con trong thời gian đầu đời. Hay như những lúc con ốm đau, cha mẹ nghỉ việc đều có BHXH chi trả lương để yên tâm chăm sóc con…

Tham gia BHXH không chỉ lo cho mình, mà còn lo cho thế hệ tương lai (Ảnh minh họa)

Có thể thấy, người phụ nữ tham gia BHXH chính là tạo sự đảm bảo vững chắc nhất cho bản thân và những đứa con của mình. Mọi lo toan của cuộc sống thường ngày về cơm- áo- gạo- tiền, đã được chính sách BHXH sẻ chia. Nếu họ gặp điều không may trong cuộc sống, thì chính sách BHXH lại thay người mẹ chu cấp cho con cái đến lúc trưởng thành. Tình yêu thương, tình mẫu tử đã được gửi gắm vào chế độ BHXH mà đứa con được hưởng thụ. Chính bởi vậy, có thể dễ dàng nhận thấy, chính sách BHXH như vòng tay ấm áp theo con suốt chặng đường thơ ấu khi không may đứa trẻ thiếu đi bóng dáng mẹ.

Như trường hợp chị Nguyễn Thanh Bình ở Hà Nội là một ví dụ. Chị Bình sinh năm 1980, cô con gái nhỏ của chị sinh cuối năm 2016. Trước đây, chị Bình làm công tác nghiên cứu ở một cơ quan nhà nước và bắt đầu tham gia BHXH từ năm 2007. Sau khi sinh con một thời gian, chị phát hiện bị mắc căn bệnh ung thư vú. Hành trình chữa trị bệnh của chị với số tiền lên đến hàng trăm triệu đồng đều được quỹ BHYT chi trả. Suốt quá trình chữa bệnh, chị vẫn gắng gượng đi làm để không gián đoạn việc đóng BHXH.

Đến cuối tháng 9/2021, sức khỏe của chị diễn biến xấu, bác sĩ nói rằng thời gian của chị chỉ còn tính bằng tháng. Lúc này, điều trăn trở lớn nhất của chị là cô con gái bé bỏng chưa đầy 6 tuổi kia sẽ thiếu đi bàn tay chăm sóc của mẹ. Bản thân chị luôn nghĩ sinh con ra đã không thể đi cùng con suốt cuộc đời, thì ít nhất cũng phải làm sao để lại một phần nhỏ bé tiền bạc để chu cấp nuôi con khôn lớn. Chính vì vậy, mục tiêu sống của chị những năm tháng cuối đời là vừa kéo dài thời gian sống, vừa làm việc được thêm tháng nào đóng BHXH tháng đó cho đủ 15 năm. Nếu chị có ra đi thì con gái bé nhỏ của chị cũng được hưởng chế độ tử tuất hằng tháng.

“Căn bệnh ung thư lạ lắm, nhìn bề ngoài vẫn tỉnh táo, khỏe mạnh, thậm chí thời gian xạ trị thì tôi lại tranh thủ ít phút rồi lao về làm việc”- những ngày chống chọi với căn bệnh ung thư quái ác, chị đã từng tâm sự với tôi như vậy. Chị Bình thừa hiểu, căn bệnh ngày càng hủy hoại, tán phá dần mòn sự sống của con người. Song với chị, còn làm được việc thì chị còn cảm thấy mình đang sống những ngày có ích. Do đó, chỉ đến khi đôi chân không thể đi được nữa thì chị mới nghỉ làm. Những ngày cuối đời, những cơn đau thấu tim gan bắt đầu hành hạ, nhiều lúc chị cũng có ý định định buông xuôi để không phải gánh chịu những cơn đau, nhưng nhìn đứa con gái bé bỏng, nhìn cái mục tiêu đóng BHXH của mình nên chị lại cố gắng…

Tình mẫu tử với mong muốn có được chế độ hằng tháng cho con đã tạo cho chị nghị lực sống phi thường. Chị đã gắng sức đến những phút cuối cùng. Và rồi, giữa tháng 11/2021, chị không thể gắng gượng được nữa, nhưng chị đã làm được một điều phi thường- đưa mình vào điều khoản tối ưu của Luật BHXH, đó là: “Trường hợp NLĐ còn thiếu tối đa không quá 6 tháng để đủ 15 năm đóng BHXH bắt buộc, thì thân nhân được đóng tiếp một lần cho số tháng còn thiếu vào quỹ hưu trí và tử tuất” để con chị được hưởng trợ cấp tuất hằng tháng đến năm đủ 18 tuổi.

Còn biết bao người phụ nữ không may mắc bệnh hiểm nghèo khác. Họ kiên cường chiến đấu với bệnh tật để được sống bên con. Dù rằng số phận không cho họ đồng hành bên con và nhìn con khôn lớn, nhưng tình yêu, tình mẫu tử đó đã được gửi gắm trọn vẹn trong ước nguyện cuối cùng, đó là chế độ tử tuất hằng tháng dành cho con. Để rồi mỗi tấm áo con mặc, miếng cơm con ăn đều có hình bóng của người mẹ, như vòng tay ấm áp theo con lớn khôn.

Đối với mẹ con chị Bình và biết bao hoàn cảnh khác tương tự, BHXH không chỉ là điều luật cứng nhắc, khô khan nữa, mà khi mang trong mình sứ mệnh an sinh, nó chứa đựng trong đó dạt dào tính nhân văn cao cả. Đó là tình yêu thương, sự chăm sóc vô hình của người đã khuất đối với người ở lại. Để có được một xã hội ổn định, tràn ngập tình yêu, sự chở che, thì mỗi người dân hãy trang bị cho mình điểm tựa vững chắc bằng cách tham gia BHXH, BHYT- đó cũng là cách sẻ chia với những mảnh đời không may mắn!

Căn cứ Khoản 1 Điều 69 Luật BHXH 2014, những người đã đóng BHXH đủ 15 năm trở lên nhưng chưa hưởng BHXH một lần; đang hưởng lương hưu; chết do TNLĐ-BNN; đang hưởng trợ cấp TNLĐ-BNN hằng tháng với mức suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên, khi chết thì thân nhân được hưởng tiền tuất hằng tháng.

Nếu người chết đủ một trong các điều kiện trên và thân nhân của người chết đáp ứng được một trong các điều kiện dưới đây, thì thân nhân của người chết sẽ nhận được trợ cấp tuất hàng tháng: Con chưa đủ 18 tuổi hoặc từ 18 tuổi trở lên mà bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên; hoặc con được sinh khi người bố chết và người mẹ đang trong quá trình mang thai thì thân nhân này sẽ được nhận trợ cấp tuất hằng tháng; có vợ từ đủ 55 tuổi trở lên hoặc có chồng từ đủ 60 tuổi trở lên hoặc có vợ dưới 55 tuổi, chồng dưới 60 tuổi nhưng bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên.

Tạp chí BHXH