NLĐ được lợi khi tham gia BHXH

05/01/2022 08:58 PM


Cú sốc mang tên “COVID-19” đã làm bộc lộ nhiều điểm yếu trong hệ thống an sinh xã hội, nhất là với những NLĐ không có HĐLĐ, không được đóng BHXH… Bởi vậy, chỉ khi tham gia BHXH, NLĐ mới được bù đắp những mất mát, rủi ro trong cuộc sống và có được “điểm tựa” khi hết tuổi lao động. PGS-TS.Giang Thanh Long- Giảng viên Cao cấp (ĐH Kinh tế Quốc dân) trao đổi với phóng viên Tạp chí BHXH về vấn đề này.

* PV: Theo thống kê, Việt Nam có khoảng 60% người già không có lương hưu hoặc trợ cấp hằng tháng và khoảng 35- 40% người già phải tự kiếm sống. Dưới góc độ chuyên gia an sinh xã hội, ông nhận định thế nào về chính sách hưu trí của Việt Nam so với tốc độ già hóa dân số?

- PGS.TS.Giang Thanh Long:

Chỉ 2 năm sau cuộc Tổng điều tra dân số 2019, dân số Việt Nam tăng thêm gần 2,1 triệu người, thì dân số cao tuổi cũng tăng thêm gần 1,2 triệu người. Tốc độ già hóa dân số của Việt Nam ngày càng cao so với những nước có mức thu nhập tương đương. Cả nước có 12,6 triệu người cao tuổi (chiếm 12,8% dân số), nhưng dự báo đến năm 2049 sẽ có 28,6 triệu người (chiếm gần 25% dân số), tức là cứ 4 người thì có 1 người cao tuổi.

 

Dân số già nhanh, trong khi hệ thống hưu trí được thiết kế đơn tầng với độ bao phủ hạn chế. Ngoài chương trình hưu trí từ BHXH bắt buộc và BHXH tự nguyện dựa trên đóng góp của NLĐ, Việt Nam chỉ có thêm hệ thống hưu trí xã hội không dựa trên đóng góp, chi trả từ NSNN dành cho người trên 80 tuổi không có lương hưu hoặc khoản trợ cấp BHXH cho người từ 60-79 tuổi dựa trên gia cảnh. Như vậy, bức tranh hưu trí hiện nay có chút gam xám, vì đó là thế hệ sinh ra trước và sau các cuộc chiến tranh- khi hệ thống an sinh xã hội chưa phát triển, lại chịu ảnh hưởng từ thời bao cấp hoặc “về một cục” theo chế độ 176. Chưa kể, 2 năm đại dịch COVID-19 liên tiếp, con em họ cũng gặp vấn đề về việc làm, thu nhập và gặp khó trong hỗ trợ bố mẹ già.

Bức tranh an sinh giai đoạn sau có thể được cải thiện khi có nhiều chính sách hơn, NLĐ tham gia BHXH tích cực, diện bao phủ hưu trí tăng lên. Song, tỷ lệ bao phủ BHXH bắt buộc vẫn còn thấp (trên 30%), trong khi tình trạng rút BHXH một lần tăng mạnh. Già hóa dân số cùng với rút BHXH một lần là 2 yếu tố cộng hưởng gây áp lực lớn lên hệ thống hưu trí sau này, bởi bài học về chế độ 176 gần 30 năm trước vẫn còn nguyên.

* Ông đánh thế nào về tác động của đại dịch COVID-19 lên hệ thống an sinh xã hội ở nước ta?

- Cú sốc COVID-19 rất mạnh, làm bộc lộ nhiều điểm yếu trong hệ thống an sinh. Trong số những NLĐ hiện nay xuất hiện một tầng lớp “mất tích”- nhóm không phải người nghèo nhưng cũng không phải người giàu. Đây là những NLĐ tự do không có BHXH, không có HĐLĐ và cũng là nhóm khó xác định. Khi COVID-19 xảy ra, nhóm này hoàn toàn không có chỗ dựa vì không có HĐLĐ, không đóng BHXH, nên khi mất sinh kế sẽ không được hưởng các chế độ BHXH. Đồng thời, họ không phải đối tượng nghèo nên không “nằm” trong các chính sách hỗ trợ khác của Nhà nước.

Điều này cho thấy, những người không tham gia BHXH khi gặp những cú sốc tương tự COVID-19 sẽ là thách thức lớn cho bản thân họ. Ví dụ, khi tham gia BHXH, nếu bị thất nghiệp do COVID-19 sẽ được hỗ trợ từ quỹ BH thất nghiệp để bù đắp một phần thu nhập. Thế nhưng, những NLĐ tự do không có bất kỳ nguồn thu nhập nào- đây là bài học cho chúng ta khi tiếp tục mở rộng hệ thống BHXH và khuyến khích mọi người tham gia. Có thể vẫn còn những tranh luận liên quan đến “hưởng ít, hưởng nhiều”, nhưng bài học COVID-19 cũng cho chúng ta thấy khi mất việc thì tham gia BHXH sẽ bù đắp một phần mất mát của mình.

* BHXH đang là “bệ đỡ” quan trọng và là giải pháp căn cơ khi về già của NLĐ ở hầu hết các quốc gia. Nhưng tại sao, đợt dịch COVID-19 vừa qua, nhiều NLĐ vẫn quyết định rút BHXH một lần. Ông nhìn nhận thế nào về thực trạng này?

- Cú sốc COVID-19 khiến nhiều người mất trắng sinh kế, bị thất nghiệp trong thời gian dài. Sự phục hồi kinh tế không như mong muốn, nên họ tìm đến BHXH giống như cơ chế thay thế bù đắp thu nhập mất đi. Nghiên cứu của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) chỉ ra rằng, nếu anh rút BHXH một lần ngay bây giờ thì giá trị nhận được hiện tại không thể bằng giá trị nhận được trong tương lai- nếu tiếp tục đóng BHXH. Như vậy, về mặt kinh tế, rõ ràng rút BHXH một lần không có lợi. Bên cạnh đó, khi rút BHXH một lần, tất cả những rủi ro NLĐ sẽ phải chịu, khi mất hết toàn bộ phần thu nhập thì sau này bản thân họ lại phải sống bằng trợ cấp.

 

Tư vấn, hỗ trợ NLĐ cài đặt VssID để theo dõi quá trình đóng-hưởng BHXH

Cá nhân tôi cho rằng NLĐ phải cực kỳ cân nhắc, bởi rút BHXH một lần mang lại rủi ro rất lớn, đặc biệt khi kinh tế đang phục hồi rất chậm sau COVID-19. Những người tham gia BHXH gặp cú sốc COVID-19 như vừa qua đã được hưởng phần bù đắp theo Nghị quyết 116/NQ-CP; sau đó vẫn được hưởng chính sách BH thất nghiệp. Do đó, việc rút BHXH một lần là bất đắc dĩ và không nên.

* Có người cho rằng, khoản lương hưu không đủ sống khi về già nên họ mới rút BHXH một lần…?

- Mọi chính sách đều có những hạn chế nhất định và điều này không phủ nhận. Song, Luật BHXH 2014 đã nêu rõ, mức hưởng của người về hưu sẽ được điều chỉnh phù hợp với các chi phí liên quan đến cuộc sống. Chúng ta thấy việc điều chỉnh mức lương hưu đã có những tín hiệu tích cực (theo thời gian, chỉ số giá tiêu dùng)- so với mặt bằng chung có thể không bằng như mức trung bình toàn dân, song ít nhất mức hưởng đã đảm bảo tối thiểu chi tiêu của người hưởng tùy điều kiện sống mỗi nơi. Đây là sự nỗ lực, cố gắng rất lớn của Nhà nước cũng như hệ thống BHXH.

Phải nói công bằng, mình đóng BHXH bằng 22% mức tiền lương hiện nay, nhưng về hưu với số năm đóng góp thì mức hưởng có thể lên tới 50% và theo quy định tối đa có thể lên tới 75%. Rõ ràng, NLĐ đang có lợi hơn chứ không phải thiệt, chỉ có điều do mức đóng thấp nên khi về hưu quy đổi tỷ lệ như thế thì thấy lương hưu thấp so với mức thu nhập.

Vì vậy, để đảm bảo tương lai sau này, tôi cho rằng, bản thân NLĐ cần tích cực tham gia BHXH, BHYT- vì 2 chính sách này rất quan trọng, như tấm nệm để chống đỡ những rủi ro trong tương lai khi bị mất thu nhập, sinh kế. BHYT giúp chúng ta chống lại những rủi ro liên quan đến sức khỏe. Trong nguồn lực hạn hẹp, Chính phủ sẽ cố gắng và tìm cách điều chỉnh cho phù hợp với việc đóng- hưởng của hệ thống BHXH, đảm bảo người tham gia có một mức thu nhập sau này đảm bảo cuộc sống tối thiểu và trên tối thiểu.

* Trân trọng cảm ơn ông!

Tạp chí BHXH